Ngày 27/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương: Giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp” để tìm ra những giải pháp khắc phục bất cập để phát triển bộ môn nghệ thuật cải lương trong thời gian tới.
Theo các đại biểu, giai đoạn những năm 1950-1960 được coi là thời kỳ hoàng kim của Cải lương với rất nhiều tác giả giỏi, kịch bản tốt, những gánh hát nổi tiếng cùng các nghệ sĩ tài năng. Đến năm 1968-1975, cải lương bắt đầu suy thoái khi dần có nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau thu hút giới trẻ, sân khấu lúc bấy giờ lại thiếu những kịch bản tốt.
Theo bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong hoài niệm về quá khứ vàng son, tiếc nuối cả giai đoạn lịch sử 100 năm, phải thẳng thắn nhìn nhận việc bảo tồn lưu trữ các giá trị nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức. Sân khấu Cải lương hôm nay có một gam màu ảm đạm, quá ít niềm vui. Nhiều năm qua, những bất cập về cơ chế, chính sách, phương thức đầu tư... đã khiến bộ môn nghệ thuật Cải lương không thể phát triển như mong muốn, nhiều sân khấu không thể sáng đèn hoặc có sân khấu nhưng không thể biễu diễn do giá thuê sân khấu khá cao. Chính những khó khăn khách quan về môi trường hoạt động, kinh phí, đầu tư... chưa được giải quyết phù hợp và kịp thời, đã trở thành rào cản cho sức sáng tạo của Văn nghệ sĩ cải lương và bộ môn nghệ thuật này phát triển.
NSƯT Kim Tử Long cho biết, năm 2013, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương đầu tư xây dựng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trên nền rạp Hưng Đạo cũ. Đến khi đầu tư hết hơn 130 tỷ đồng, rạp hát hoàn thành nhưng khi nghiệm thu, anh em nghệ sỹ thấy rất ngỡ ngàng, thất vọng khi sân khấu của nhà hát không thể đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của hoạt động tổ chức biểu diễn sân khấu cải lương.
“Hưởng ứng phong trào xã hội hóa cải lương, tôi đầu tư xây dựng vở “Rạng ngọc Côn Sơn” công diễn được 2 suất cuối cùng cũng phải để trong kho vì không có sân khấu để diễn. Nguyên nhân do tiền thuê nhà hát hiện nay khá cao so với kinh phí của các đoàn cải lương xã hội hóa. Vì thuê nhà hát giá cao nên giá vé xem cải lương cũng bị đẩy lên cao kéo theo là khan hiếm khán giả. Vì vậy, hiện nay các nghệ sĩ cải lương tha thiết mong mỏi, thành phố nên sửa chữa các rạp hát đang có cho phù hợp hoặc nếu có thể đầu tư một rạp hát dành riêng cho bộ môn nghệ thuật cải lương”, NS ƯT Kim Tử Long cho biết thêm.
Để bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật Cải lương, Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn họa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, sân khấu cải lương có sức hút kỳ lạ khi chỉ trong ít năm hình thành đã phát triển ở cả 3 miền và hấp dẫn công chúng không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở vùng nông thôn xa xôi, đáp ứng nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động.
“Do đó để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này, TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp đồng bộ và lậu dài. Thứ nhất cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải thiện cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật Cải lương. Thứ hai xây dựng môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong đó, cần đầu tư trang bị cơ sở vật chất phù hợp và đáp ứng hoạt động sáng tạo nghệ thuật Cải lương; tích cực bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình, báo chí am hiểu về nghệ thuật Cải lương; ưu tiên dành thời lượng và giờ phát sóng phù hợp, thuận lợi để quảng bá nghệ thuật Cải lương trên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, cần xây dựng một thế hệ khán giả mới, ngay từ tuổi nhỏ, phải cấp bách xây dựng lực lượng công chúng biết thưởng thức Cải lương bằng sự hiểu biết và lòng tự hào dân tộc. Cuối cùng, cải lương là loại hình nghệ thuật thiên về năng khiếu, kết hợp với đam mê. Trong quá trình phát triển, Cải lương đã hình thành 2 dòng đào tạo: truyền nghề và chính quy”, bà Thân Thị Thư cho biết thêm.