100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương - Bài 2:

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật cải lương trong thời kỳ mới

Nhìn lại một thế kỷ thăng trầm, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, những người yêu nghệ thuật sân khấu cải lương vượt qua khó khăn, nỗ lực sống hết mình vì nghề, vì đời. Các nghệ sĩ cải lương tâm niệm mang trong mình trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản nghệ thuật mà các truyền nhân đã để lại, giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc đến bạn bè thế giới.

Trích đoạn vở cải lương "Thầy Ba Đợi". Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Nỗ lực không ngừng

Tại TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc đưa sân khấu cải lương đến với đông đảo quần chúng. Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị có kế hoạch tổ chức biểu diễn các vở cải lương như “Hiu hiu gió bấc”, “Hồn ma báo oán”, “Hoa vương tình mộng”, “Đời như ý”, đồng thời thành lập Câu lạc bộ sân khấu cải lương, tổ chức hoạt động thường xuyên với sân khấu thử nghiệm.

Để sân khấu cải lương không xa rời với người dân, lần đầu tiên, Nhà hát dựng vở "Hồn ma báo oán" mang màu sắc ma mị, kinh dị. Từ đó, đa dạng hóa các chủ đề đưa nghệ thuật cải lương trở nên hấp dẫn hơn. Hơn nữa, đây còn là cơ hội để tìm hiểu rõ hơn về thị hiếu, nhu cầu của khán giả hiện nay.

Với mong muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống, vừa qua, vở “Thầy Ba Đợi” chào mừng 100 năm hình thành nghệ thuật cải lương do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện tổ chức công diễn tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Long An. Vở diễn được đầu tư quy mô từ khâu chuẩn bị kịch bản, sân khấu đến huy động lực lượng nghệ sĩ cải lương giỏi nhất của ba miền Tổ quốc tham gia trình diễn. Trong ba đêm diễn vào cuối tháng 4, hàng ngàn khán giả đã đến xem chật kín khán phòng, kèm theo đó là những tiếng vỗ tay và những lời tán dương nồng nhiệt.

Vở "Thái hậu Dương Vân Nga" do Nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ và Nghệ sĩ Kim Ngân thực hiện giữa tháng 5 với kinh phí đầu tư hơn 800 triệu cũng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Theo Nghệ sĩ Hoa Hạ, đây là công trình tâm huyết của bà nhân kỷ niệm 100 năm hình thành nghệ thuật cải lương. Hơn hết, đây là vở diễn kinh điển đã hơn 30 năm nay mới được diễn lại trọn vẹn. Cùng với sự thể hiện của dàn nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp và sân khấu được đầu tư công nghệ hiện đại, vở diễn trở nên sống động, chân thực hơn, khơi gợi trong lòng khán giả tình yêu quê hương, đất nước. Có lẽ vì vậy, tuy giá vé bán ra lên đến 700.000 đồng/vé nhưng vẫn có rất đông khán giả đến xem.

Cùng với các nghệ sĩ, các đài truyền hình, phát thanh các tỉnh, thành trong cả nước cũng tìm cách duy trì giờ phát sóng cải lương trong các khung giờ trình chiếu. Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh - HTV mỗi tuần đều có hai chương trình Sân khấu cải lương được truyền hình trực tiếp và ghi hình phát sóng giờ vàng. Thêm vào đó, những chương trình mũi nhọn của HTV trong nhiều năm qua như "Vầng trăng cổ nhạc", "Chuông vàng vọng cổ", "Ngân mãi chuông vàng"..., đã thu hút đông đảo khán giả truyền hình đón xem. Từ đó, góp phần khơi gợi đam mê nghề nghiệp cho các nghệ sĩ và tạo động lực phấn đấu cho các diễn viên, nhất là nghệ sĩ trẻ.

Đổi mới phù hợp với yêu cầu của công chúng

Các cảnh trong vở diễn cải lương “Bức chân dung huyền thoại”. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương tổ chức tháng 4 vừa qua, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: Không thể phủ nhận một thực tế là có những giai đoạn, khán giả quay lưng lại với cải lương, giống như đã từng quay lưng lại với tuồng, chèo nhưng với tính năng động vốn có và tinh thần sáng tạo của nghệ sĩ, cải lương đã tự điều chỉnh, tự thích ứng để tồn tại. Do vậy, để tồn tại và phát triển, từ kinh nghiệm của chính cải lương cho thấy giải pháp tối ưu có lẽ vẫn là sáng tạo, cách tân để phù hợp với yêu cầu của công chúng.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu rõ, nếu như ở giai đoạn mới hình thành, sáng tạo là đổi mới tuồng tích, đổi mới nghệ thuật hát ca thì trong xã hội hiện đại, yêu cầu đầu tiên là đổi mới đề tài, đổi mới thi pháp, đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật... sao cho đáp ứng được nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ ngày càng cao càng đa dạng của công chúng khán giả.

Ở góc độ nhà chuyên môn, đề cập đến giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương, Nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc đề xuất cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn tùy theo những thuận lợi, khó khăn chung mà thi hành. Trong đó, Nhà nước cần có một chiến lược bền bỉ, lâu dài nuôi dưỡng người làm nghệ thuật cải lương. Đó là chiến lược tạo ra công chúng cho sân khấu, đồng thời có kế hoạch đào tạo đội ngũ sáng tác, biểu diễn và đạo diễn cải lương. Cùng với đó là đào tạo cho những người làm quản lý bởi họ cần có những hiểu biết của các bầu gánh, bầu chủ biết nắm lấy thời cơ, các quy luật của thị trường...

Canh cánh trong lòng nỗi niềm bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương, Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng, muốn cải lương khởi sắc như thời hoàng kim cần có một chính sách đặc biệt cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có nghệ thuật cải lương. Cụ thể là đầu tư kinh phí cho những công trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để có được những vở diễn hay, những tác phẩm vừa đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng vừa có tính tư tưởng cao.

Giáo sư Hoàng Chương bày tỏ, cần tránh cách làm có tính đối phó, kế hoạch, chỉ tiêu. Đôi khi cũng cần miễn phí cho khán giả để họ làm quen trở lại "tục xem hát" như ngày xưa. Khi mê rồi thì "Nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi. Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy".

Gia Thuận (TTXVN)
100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương: Bài 1 - Thăng trầm và khủng hoảng
100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương: Bài 1 - Thăng trầm và khủng hoảng

Sân khấu cải lương khu vực Nam bộ và cả nước nói chung đang đứng trước sức ép cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí, gameshow truyền hình thực tế, khiến số lượng khán giả đến sân khấu ngày càng sụt giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN