Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là hoạt động nhằm giới thiệu nghệ thuật cải lương đến với công nhân, thông qua vở diễn giúp công nhân học và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Nội dung vở diễn tái hiện hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ hai bàn tay trắng đã ra đi từ bến cảng Nhà Rồng để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Vở diễn cũng kể lại những hoạt động của Người tại Hương Cảng - Hồng Kông sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.
"Những vở diễn tâm huyết và giàu tính giáo dục như "Tổ quốc gọi nơi cuối con đường" rất cần được nhân rộng và lan tỏa đến với công chúng, đặc biệt là tầng lớp công nhân, lao động. Năm nay là năm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương thì càng nên nhân rộng để mọi người cùng nhau bảo tồn bộ môn nghệ thuật này", ông Lâm cho biết thêm.
Được biết, tác phẩm do Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh xây dựng tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 và đã đạt huy chương vàng dành cho vở diễn và 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc dành cho diễn viên.
Vở cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đường” sẽ được công diễn từ ngày 3 - 18/11, vào thứ bảy và chủ nhật, tại Rạp Công nhân (số 30, Trần Hưng Đạo, quận 1,) với tổng cộng 10 suất diễn cho 6.000 cán bộ, công chức, người lao động đến xem. Sau đó, các đơn vị có thể đăng ký với Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh để tiếp tục thực hiện các suất diễn phục vụ công nhân lao động tại các khu vực có đông công nhân.