Với nhiều mô hình mới, được triển khai hiệu quả trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh được đánh giá là “điểm sáng” của cả nước trong phát triển văn hóa đọc. Từ những kết quả đạt được, Thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển sách, thúc đẩy văn hóa đọc; hướng tới mục tiêu đăng ký danh hiệu Thủ đô sách Thế giới.
Điểm sáng trong phát triển văn hóa đọc
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều mô hình, địa điểm, công trình văn hóa gắn liền với văn hóa đọc ngày càng được mở rộng. Trong đó, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là mô hình văn hóa đọc hiện đại đầu tiên của cả nước hoạt động một cách hiệu quả, theo đúng tôn chỉ.
Từ khi đi vào hoạt động năm 2016, đến nay Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh đã đón khoảng 16 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt gần 257 tỷ đồng. Tại đây cũng diễn ra hàng trăm hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị - văn hóa - xã hội, đặc biệt các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc như hội sách, sân chơi tương tác về sách, trưng bày giới thiệu sách…
Đặc biệt, trở lại sau đại dịch, năm 2022, Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng vượt bậc với những con số ấn tượng. Tổng doanh thu của các đơn vị tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 đạt 51,64 tỷ đồng, tăng 113,7% so với năm 2021. Số bản sách bán ra là gần 660.000 cuốn, tăng 40,8%; trong đó có hơn 3.200 tựa sách mới giảm 3,8% so với năm 2021. Đáng chú ý, doanh thu sách thiếu nhi tăng 236% so với năm 2021, đạt hơn 10 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của Đường sách, với hơn 151.000 cuốn sách được bán ra.
Lượng khách đến với Đường Sách năm 2022 đạt gần 3 triệu lượt người, tăng 87,5% so với năm 2021, lượng khách này tương ứng với năm 2019 trước khi có dịch; trong số đó, du khách quốc tế chiếm hơn 30%. Năm 2022, tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh còn diễn ra hơn 400 hoạt động, sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, nhất là những hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, các chỉ số về số lượng bản sách bán ra và số tựa sách mới ở năm 2022 có giảm khoảng 30% so với năm 2019 nhưng doanh thu lại tăng 17%. Điều này cho thấy yêu cầu chọn mua sách của bạn đọc ngày càng cao, người đọc sẵn sàng đầu tư cho những cuốn sách giá trị cao về nội dung, có thẩm mỹ cao về hình thức.
“Sau 7 năm hoạt động, Đường Sách luôn quyết tâm giữ bản sắc riêng của mình với không gian chính là dành cho sách, sách là mặt hàng chủ lực ở các gian hàng tại Đường Sách; thực hiện đúng mục tiêu đề ra là tạo không gian văn hoá về sách, thúc đẩy văn hoá đọc. Thực tế, điều mà khách đến Đường Sách muốn thấy là các đầu sách hay, hấp dẫn, không gian thân thiện mang tính đặc trưng về sách. Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các đơn vị tiếp tục tập trung nhiệm vụ nâng chất lượng hoạt động, mục tiêu là vừa làm mới mình nhưng cũng phải giữ được bản sắc vốn có của mình” – ông Lê Hoàng nhấn mạnh.
Từ hiệu quả đạt được, bên cạnh các mô hình, địa điểm hiện có như Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh, Công viên Sách Phú Lâm, Công viên sách Quận 5, thời gian tới thành phố sẽ có thêm nhiều địa điểm mới như Đường sách tại thành phố Thủ Đức, Quận 5, Quận 7, Công viên sách Quận 6… Chủ trương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của thành phố cũng tiếp tục tạo động lực để các đơn vị xuất bản thực hiện và giới thiệu nhiều sách viết về Bác, sách về chính trị, chính luận, bạn đọc có nhiều điều kiện tiếp cận với sách chủ đề này.
Để góp phần lan tỏa văn hóa đọc, thời gian qua thành phố tổ chức rất nhiều sự kiện quy mô lớn có sức thu hút và tạo điểm nhấn về văn hóa đọc. Lễ hội Đường sách Tết là một trong những sự kiện văn hoá tiêu biểu, đặc trưng của thành phố và đã mang lại hiệu quả trong việc lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Với sức hút tạo ra qua hơn mười năm tổ chức, dịp Tết Quý Mão vừa qua, Lễ hội Đường sách được tổ chức với quy mô gấp ba lần, diện tích gấp bốn lần năm 2022. Trong 8 ngày diễn ra, sự kiện đã thu hút 800.000 lượt khách, doanh thu sách hơn 8,2 tỷ đồng, cả lượng khách và doanh thu đều tăng gấp đôi so với năm trước. Các sự kiện được tổ chức không chỉ tạo không gian, điểm đến cho người dân mà còn góp phần lan tỏa tinh thần, tình yêu sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nỗ lực vươn tới danh hiệu Thủ đô Sách thế giới
Là nơi tập trung nhiều đơn vị xuất bản, phát hành, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển ngành xuất bản, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trên địa bàn thành phố hiện có 39 nhà xuất bản trong và ngoài nước, hơn 140 đơn vị phát hành, cùng gần 1.000 cửa hàng sách tư nhân, tạo sự sôi nổi, phong phú trong thị trường sách. Cùng với đó, hệ thống thư viện cơ sở rộng khắp thành phố với hơn 1.500 thư viện địa phương, hơn 1.100 thư viện trường học, tạo môi trường thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đọc của mọi người dân.
Với hạ tầng như vậy, nhiều năm qua, ngành Xuất bản và văn hóa đọc tại thành phố được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2015-2020, bình quân mỗi năm thành phố xuất bản khoảng 2 triệu bản sách, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm. Trước xu hướng phát triển mạnh của công nghệ số, thị trường xuất bản điện tử ở thành phố có sự tăng trưởng triển vượt bậc. Năm 2022, lượng ấn phẩm điện tử tại thành phố tăng hơn 3 lần so với năm 2021, có hơn 4 triệu lượt người sử dụng, tương đương với 3,4 triệu bản sách được đọc.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ những điều kiện, tiềm năng đó, Thành phố đang đặt mục tiêu đăng ký danh hiệu “Thủ đô sách Thế giới” năm 2025. Đây là danh hiệu do UNESCO công nhận nhằm khuyến khích phát triển sách và văn hóa đọc. Dựa trên đăng ký của các thành phố, mỗi năm UNESCO sẽ chọn trao danh hiệu này cho một thành phố.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố nhấn mạnh; Không chỉ là danh hiệu, mà quan trọng hơn đó là động lực để phát triển ngành Xuất bản, phát triển văn hóa đọc. Thông qua những chính sách mà Nhà nước ban hành cũng như quá trình thực hiện các giải pháp để đạt được danh hiệu đó sẽ thúc đẩy ngành Xuất bản, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển một cách mạnh mẽ.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, để đạt được mục tiêu đề ra, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là thành phố tiếp tục thúc đẩy văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ; hỗ trợ các đơn vị xuất bản, phát hành phát triển thông qua các cơ chế chính sách mới. Để có những chính sách phù hợp, một trong những nội dung mới mà thành phố sẽ nỗ lực triển khai trong năm 2023 là thí điểm thực hiện đo lường tỷ lệ đọc sách của người dân thành phố, nhất là giới trẻ. Kết quả này sẽ là một trong những cơ sở để đo lường hiệu quả chính sách phát triển văn hóa đọc trong thời gian qua và cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng chính sách cụ thể trong thời gian tới. Về định hướng chung, các chính sách phát triển văn hóa đọc thành phố tiếp tục tập trung phát triển không gian văn hóa đọc cộng đồng; hỗ trợ, đưa sách đến vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn để từng bước xóa bỏ những chênh lệch trong tiếp cận, hưởng thụ văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng.
“Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực và xuất bản cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện số trong ngành xuất bản, phát hành còn nhiều vấn đề đặt ra, cả cơ quan nhà nước đến các đơn vị đều lúng túng trong việc chọn mô hình, công nghệ... Do đó, để tốc độ chuyển đổi số của ngành nhanh hơn, rất cần sự định hướng tổng thể mang tầm quốc gia” - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng đề xuất.