Danh họa tài hoaHọa sĩ Tô Ngọc Vân được xếp trong “bộ tứ hội họa” nổi tiếng của Việt Nam: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”, gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn - những danh họa không chỉ có thành tựu lớn trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn là những nhân vật có sáng tạo tiên phong của nền hội họa Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, họa sĩ Tô Ngọc Vân theo học và tốt nghiệp khóa II, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1931. Ngay từ khi còn là sinh viên (năm 1930), ông đã có 3 tác phẩm sơn dầu “Ánh mặt trời”, “Bụi chuối ngoài nắng” và “Trời dịu”, trưng bày tại triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Sài Gòn, cùng với các tác phẩm của sinh viên khóa I đã ra trường. Đến năm 1931, 1932, ông đã gửi tranh tham gia triển lãm mỹ thuật tại Paris, được tặng Huy chương Vàng và Bằng danh dự. Năm 1932, ông được bầu là hội viên Hội Họa sĩ Pháp. Tháng 5/1935, ông tham gia và làm Tổng thư ký Hội An Nam khuyến khích nghệ thuật và kỹ nghệ (SADEAI) (họa sĩ Vitor Tacdieu làm Hội trưởng). Ông đã từng vào Huế, vẽ cảnh sông Hương núi Ngự, và được Hoàng đế Bảo Đại đặt vẽ 3 bức tranh lớn (khổ 4,7x3,1m) treo ở điện Kiến Trung. Trong thời gian này, ông đã sáng tác nhiều bức tranh sơn dầu như “Thuyền sông Hương”, “Bên bờ ao”, “Lăng Tự Đức”, “Mặt ao dưới ánh sáng”, và nổi tiếng nhất là bức “Les de’ senchantees”, có người dịch là bức tranh “Quá chiều nên đã…”.
Năm 1939-1945, ông làm giáo sư hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Vừa giảng dạy, ông vừa sáng tác nhiều bức tranh sơn dầu nổi tiếng, như “Thiếu nữ bên hoa huệ” -1943, “Buổi trưa” -1943, “Thiếu nữ bên hoa sen” -1944, “Thiếu nữ nằm bên hoa sen”, “Thiếu nữ ngồi”, “Thiếu nữ tựa kỷ”… cùng các bức tranh thiếu nữ khác bằng chất liệu bút sắt, bút chì, mực nho, màu nước, các bức vẽ về Xứ Đoài, Mông Phụ, Ba Vì, Hà Tây…
Tô Ngọc Vân còn là một họa sỹ biếm họa nổi tiếng, trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, với nhiều bức tranh biếm họa, làm bìa cho báo Ngày nay như: “Ngày xưa”, “Gánh củi ở bờ sông Hồng” -1940, “Ý nghĩa của sự tự tử”, “Nhà bảo trợ súc vật”, “Tòa sen dân quê” -1941, “Hội đồng thành phố”, “Một kiểu xe hoa” -1942… Ông cũng là một trong số ít họa sĩ Việt Nam, sớm vẽ tem ngay từ thời Pháp thuộc. Con tem Angkor của ông là một trong những con tem đầu tiên được phát hành ở Việt Nam.
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, họa sĩ Tô Ngọc Vân được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trách nhiệm lập lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khai giảng ngày 15/11/1945) tại phố Lò Đúc, Hà Nội. Theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã cùng nhiều văn nghệ sĩ lên Chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ này, ông đã sáng tác nhiều bức tranh sơn mài; loạt tranh ký họa về Tây Bắc bằng màu nước, chì; loạt ký họa về nông dân trong cải cách ruộng đất năm 1953 bằng màu nước; loạt ký họa về bộ đội bằng chất liệu chì, màu nước và sơn dầu…
Nhà nghiên cứu mỹ thuật, người thầy đáng kính
Nói về danh họa Tô Ngọc Vân, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, ông là người tài hoa, trung thực, thẳng thắn, giản dị và dễ mến, có niềm đam mê sáng tạo và khám phá, vươn tới cái đẹp đích thực của hội họa. Cả cuộc đời của ông đã dành cho hội họa, và hội họa của ông đã đưa ông trở thành danh họa của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với những tác phẩm sơn dầu, lụa, sơn mài… Ông cũng là một trong những họa sĩ đầu tiên tiếp thu nghệ thuật phương Tây một cách sáng tạo, có kế thừa truyền thống dân tộc, để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Không chỉ là một họa sĩ tài hoa, một nghệ sĩ bậc thầy, Tô Ngọc Vân còn là một nhà phê bình mỹ thuật uyên bác. Ông cùng với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Lý luận Phê bình Mỹ thuật ở Việt Nam. Cùng với những sáng tác, ông cũng viết nhiều bài báo về mỹ thuật có giá trị đăng trên báo Ngày Nay, Thanh Nghị, Trung Bắc Chủ nhật nhằm phổ cập, quảng bá, hướng dẫn và phê bình về mỹ thuật. Với những đóng góp lớn lao cho nền mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; được Bác Hồ gửi thư khen và tặng áo. Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I), cho các tác phẩm “Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ” - sơn dầu; “Hồ Chí Minh làm việc” - khắc gỗ; “Bộ đội nghỉ chân trên đồi” - sơn mài; “Xưởng quân giới” - sơn dầu; “Bộ tranh ký họa về nông dân cải cách ruộng đất”; “Bừa trên đồi” - bột màu; “Bộ tranh ký họa về bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ”. Năm 2013 tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” của ông được xếp hạng Bảo vật quốc gia. |
Một số bài mà Tô Ngọc Vân đã viết như “Cái đẹp trong hội họa” -1936, “Nguyễn Gia Trí và sơn ta” -1939, “Phòng triển lãm 1940”, “Phê bình nghệ thuật vẽ sơn của họa sỹ Nhật”- 1941,“Cái đẹp trong tranh” -1942, “Những bức vẽ bằng sơn ta của Nguyễn Gia Trí” -1944… Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã viết “Vẫn tranh tuyên truyền và hội họa”, “Sơn mài”, “Bây giờ mới có hội họa Việt Nam”, “Học hay không học phòng triển lãm 1951”…
Họa sĩ Tô Ngọc Vân còn là một nhà giáo mỹ thuật xuất sắc. Ông tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, góp phần đào tạo nhiều họa sĩ tài danh thuộc thế hệ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Nhiều họa sĩ đã từng là học trò của ông ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Phan Kế An… cũng trở thành những danh họa nổi tiếng của Việt Nam.
Giới hội họa Việt Nam vẫn biết, họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những người đầu tiên, cổ súy cho hội họa sơn mài. Vào những lúc khó khăn, khi sơn mài bị ngăn trở, ông là người luôn đứng ra bảo vệ mạnh mẽ nhất cho “quyền sống” của sơn mài, bởi theo ông “đất sơn mài là rộng lớn vô cùng”. Và ông kỳ vọng vào sơn mài, coi sơn mài là chân trời rạng rỡ của nghệ thuật Việt Nam.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo, các tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân như “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé”, “Buổi trưa”, “Thiếu nữ và hoa sen”… đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân và các họa sĩ cùng thế hệ, sớm định hình một phong cách sơn dầu đậm bản sắc dân tộc và thời đại. Biết tiếp thu tinh hoa khoa học sơn dầu châu Âu, vẽ theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Đông Việt Nam…
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tô Ngọc Vân đã lên đường ra mặt trận. Ngày 17/6/1954, ông đã hy sinh tại đèo Lũng Lô. Chiếc cặp vẽ mà ông đem theo mình đi chiến dịch có nhiều ký họa dọc đường, trong đó có bức ký họa chì “Đèo Lũng Lô”, được vẽ ngày 15/6/1954, có thể là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời ông, một người họa sĩ tài ba, một nghệ sĩ lớn của Việt Nam.