Ngắm 30 tác phẩm của Trại điêu khắc gỗ Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2011 với chủ đề “Thiền”, vừa được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn (Công ty Cao su Đắk Lắk), người xem như lạc vào thế giới huyền bí của những giá trị văn hóa độc đáo Tây Nguyên.
Tháng 3/2011, trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3, Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn đã tổ chức Trại điêu khắc gỗ Tây Nguyên lần thứ 3. 16 nhà điêu khắc trong và ngoài nước đã hội tụ về dưới bóng rừng già ở Buôn Đôn để sáng tạo ra 30 tác phẩm độc đáo. Những tác phẩm điêu khắc ấy đều sử dụng vật liệu gỗ quý tận thu trong những cánh rừng Buôn Đôn và được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Và chủ đề “Thiền” hòa quyện với những giá trị văn hóa Tây Nguyên tạo nên sự mới lạ cực kỳ ấn tượng...
Là giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật Huế, nhà điêu khắc Phan Thế Bính đã có nhiều năm nghiên cứu và là một “tín đồ” của văn hóa, nghệ thuật điêu khắc gỗ Tây Nguyên. Vì vậy, khi nhận được lời mời, ông đã cực kỳ háo hức, suy nghĩ và chuẩn bị đề tài về tác phẩm sẽ sáng tác rất kỹ càng. Tác phẩm “Không” của ông lấy cảm hứng từ triết lý nhân sinh “sắc - sắc, không - không” của phật giáo, nhưng cách thể hiện lại mang đậm nét của nghệ thuật điêu khắc gỗ Tây Nguyên, từ những nét hoa văn đến hình khối.
Bức tượng được mang phong cách của tượng nhà mồ, tạo nên bằng những nhát cắt mộc, có 4 mặt quay về 4 hướng, thân tượng rỗng, trên đầu là con thuyền độc mộc chở những triết lý nhân sinh với những nét hoa văn đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên thường được thể hiện trên ché rượu cần, nhà dài, nhà rông...
Một tác phẩm đang được hoàn thiện tại trại điêu khắc gỗ Tây Nguyên. |
Còn đối với nhà điêu khắc Vương Học Báo (Hà Nội) thì những “toan tính” về ý tưởng trước đó bỗng dưng bay đi hết khi ông được sống dưới rừng già Tây Nguyên, trò chuyện với các già làng ở Buôn Đôn giữa cái nắng, cái gió của đại ngàn Yok Đôn. Dẹp bỏ những ý tưởng trước đó, ông sáng tác liền một mạch 3 tác phẩm gồm “Thiền 1”, “Thiền 2” và “Gió”. 2 tác phẩm “Thiền 1” và “Thiền 2” với cảm hứng được lấy từ những người phụ nữ Tây Nguyên đang đội chiếc nón đặc trưng, vừa giống quả bầu lớn để sinh ra trời đất, vạn vật, vừa giống bầu trời.
Ở các gia đình dân tộc Tây Nguyên cho đến nay vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, vì vậy vai trò của người phụ nữ là cực kỳ quan trọng. Và những phụ nữ đó đội cả triết lý nhân sinh vượt qua không gian, thời gian để tạo nên thực tại. Còn tác phẩm “Gió” là sự cảm nhận lạ lẫm đầy háo hức về đất trời Tây Nguyên với những cơn gió miên man không bao giờ ngừng thổi. Gió ở đây hào phóng lắm, vô tư lắm, lại vừa hoang dã như bầy ngựa hoang, nhưng không phải là bão giông khủng khiếp; gió ở đây thân thiện lắm, chở trong đó những niềm đam mê bất tận.
Trong khi đó, nhà điêu khắc Phạm Hồng (Đà Nẵng) lại đem đến cho người xem sự xót xa khi chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của con người đối với rừng Tây Nguyên. Vốn là người lính từng chiến đấu ở mảnh đất này, được rừng che chở. Giờ đây trở lại Tây Nguyên, tác giả đau lòng trước sự tàn phá của con người đối với rừng. Tác phẩm “Ngẫm” của ông là thông điệp về sự trả giá của con người do đã tàn phá rừng già.
Bằng tác phẩm “Tái sinh”, nhà điêu khắc Võ Xuân (TP.HCM) thể hiện được sức tàn phá của con người đối với rừng. Nhưng trên cái nền của hoang tàn đó một mầm sống mãnh liệt vẫn vươn lên từ sự chở che của những thân cây già: Đó là một mầm cây mập mạp mọc lên giữa những cánh rừng già bị tàn phá, những cây già cỗi đưa tấm thân sần sùi để chở che cho mầm non.
Đối với vợ chồng nhà điêu khắc người Ôxtrâylia là Philip Nisette và Jennet thì đã bị mảnh đất Tây Nguyên hút hồn khi vừa đặt chân đến. Họ dành thời gian lang thang trong những buôn làng Tây Nguyên. Để rồi từ những ấn tượng về một Tây Nguyên hoang dã, hào phóng, mộc mạc và đầy mê hoặc ấy, họ đã làm việc miệt mài, quên cả cái nóng bỏng rát buổi trưa, khí lạnh cắt da vào buổi tối ở dưới tán rừng già Buôn Đôn để cho ra đời 3 tác phẩm để đời. Các tác phẩm ấy đều mang thông điệp “thiền” hướng vọng từ đất Tây Nguyên về vùng Tây Thiên đất Phật.
Việt Dũng