Ngày 6/4, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ 2014 tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy dâng lên các Vua Hùng. Tham dự có các đội Hòa Bình, Phú Thọ 1, Phú Thọ 2, Hải Dương và Hà Nội. Từ những hạt lúa nếp thơm tinh túy của đất trời, với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo nên những chiếc bánh thơm thảo cung tiến Vua Hùng.
Kết thúc hội thi, đội Hà Nội giành giải Nhất phần thi giã bánh giầy, đội Phú Thọ 2 đoạt giải Nhất phần thi gói, nấu bánh chưng. Hai đội này sẽ được dâng bánh chưng và bánh giầy lên các Vua Hùng vào ngày 10/3 Âm lịch năm 2015.
Đội tỉnh Hòa Bình thi gói bánh chưng. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Ông Vũ Bá Chung, đoàn Hà Nội bày tỏ vinh dự được thay mặt cho nhân dân cả nước làm bánh tiến vua vào năm 2015 và cho biết, để có được kết quả này khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Đội của ông đã cấy và chăm sóc riêng một thửa ruộng giống lúa nếp ngon để chuẩn bị cho hội thi hôm nay...
Bánh chưng, bánh giầy có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Hai loại bánh đặc biệt này được gắn với tục thờ cúng tổ tiên, với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm của người xưa, bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ. Bánh có màu xanh lá cây, hình vuông tượng trưng cho đất, còn bánh giầy hình tròn tượng trưng cho trời. Bánh chưng, bánh giầy đã in sâu trong tiềm thức của người Việt và là một nét văn hóa truyền thống bao đời nay của người Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với ông cha, cội nguồn và đất trời.
Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy được tổ chức hàng năm để tỏ lòng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước, đã tạo dựng nên một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào và tôn vinh những sản phẩm được chế biến từ gạo, cũng là khởi nguồn cho đạo lý dân tộc Việt Nam.