Thắp lên sức sống mới cho nghệ thuật rối

Diễn ra trọn vẹn một tuần, Liên hoan múa rối Quốc tế Hà Nội 2015 đã khép lại tối 16/10 với lễ trao giải tưng bừng và sự thắng thế khá tuyệt đối của nước chủ nhà Việt Nam. Ngoài việc giành 1 HCV chương trình duy nhất, Việt Nam còn chiếm 4/6 HCB chương trình, 9/13 HCV diễn viên và 9/15 HCB diễn viên.


Rối Việt Nam “hết mình”

HCV chương trình đã thuộc về vở rối que “Vũ điệu Hoa Quỳnh” của Nhà hát (NH) múa rối Việt Nam. Các HCB chương trình gồm: Vở “Trái tim người mẹ” và “Bay lên từ mặt nước” (NH múa rối Thăng Long), “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”,”Chuyện tình Dạ Trạch” (NH múa rối Việt Nam), “Sự đa dạng của múa rối dây truyền thống Myanmar” của đoàn múa rối HTWE OO (Myanmar), rối bóng “Câu chuyện Sokacha” của đoàn Sovanna Phum (Campuchia).

Tiết mục “Vũ điệu Hoa Quỳnh” giành giải nhất LH. Ảnh: Nhà hát múa rối Việt Nam.

Theo đánh giá của BTC cũng như các đoàn tham gia liên hoan (LH), “Vũ điệu Hoa Quỳnh” thắng xứng đáng vì đây là vở rối hay nhất của LH. Nội dung vở rối “Vũ điệu Hoa Quỳnh” nói về loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thủy chung, khiêm nhường, lặng lẽ bốn mùa nắng mưa... Vở diễn gửi gắm đến người xem một câu chuyện dung dị, nhẹ nhàng, nhưng mang đậm tính nhân văn: Lấy cái đẹp để cảm hóa cái xấu, cái ác đã, đang và luôn tồn tại trong xã hội. Đặc biệt, với vở rối này, Nhà hát múa rối Việt Nam đã khôi phục lại loại hình rối dây, một loại hình rối mà lâu nay đang bị Việt Nam bỏ quên. Vở diễn còn là sự khéo léo, sáng tạo trong cách tạo hình nhân vật từ chất liệu tre truyền thống với 14 kỹ thuật điều khiển con rối. Như đánh giá của ông Ngô Quỳnh Giao, Chủ tịch hội đồng nghệ thuật Liên hoan Múa rối quốc tế lần IV: “Đây là sự sáng tạo mang tính đột phá, gây thích thú và ấn tượng mạnh cho khán giả. Có thể nói đây là tiết mục thành công, hay nhất của Liên hoan. Vở đã sử dụng những con rối tre mộc mạc, nhưng đẹp và rất đáng yêu, sân khấu tràn đầy không khí lãng mạn và chất thơ...”.

Tham dự LH năm nay Việt Nam có 3 đoàn: NH múa rối Việt Nam, NH múa rối Thăng Long và Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng, với tổng số 7 vở diễn của hai thể loại nước và cạn. Đặc biệt, bộ mặt rối nước truyền thống đã được Nhà hát múa rối Việt Nam và Nhà hát múa rối Thăng Long mạnh dạn làm mới, thay đổi diện mạo qua hai tiết mục “Bay lên từ mặt nước” và “Chuyện tình Dạ Trạch” (đều đoạt HCB). Rối cạn “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” cũng được kết hợp người và rối vừa độ và hợp lý, đồng thời sân khấu được sử dụng nhiều không gian, nhiều lớp, kể cả chiều cao, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn và ăn ý của đội ngũ diễn viên.

Hầu hết các vở diễn của Việt Nam đều có giải, cả giải chương trình, giải cho diễn viên, giải cho ê kíp thực hiện... Tuy nhiên, theo BTC liên hoan, vẫn còn những điều Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực hơn trong những LH tới. Cụ thể là việc khâu kịch, biên đạo chưa được coi trọng và chuẩn bị tốt, trong khi những vở diễn của ta đều là những vở quy mô, cốt truyện dài; chính vì vậy những hạn chế dễ bị nhận ra.

Hội tụ nhiều sắc màu

Gần 150 nghệ sĩ, nhà chuyên môn, nhà quản lý đã gặp nhau tại Hà Nội ở LH này. Với 14 nhà hát của 10 quốc gia, đã mang tới LH 17 chương trình xuất sắc nhất, đậm màu sắc dân tộc. So với những Liên hoan lần trước, hầu như lần này không có những chương trình quá đuối, dàn dựng vội vàng.

Nghệ thuật múa rối được xuất hiện với sự phong phú, đa dạng về phong cách, cách thể hiện của nhiều thể loại con rối: Rối dây, rối que, rối đen, rối bóng, mặt nạ, rối nước, rối cạn. Sân khấu rối ít bị che chắn, thoáng rộng hơn. Hầu như khán giả đã quen với việc diễn viên lộ diện cùng con rối.

Trong đó, đoàn Myanmar mang tới những con rối dây được tạo hình rất công phu, truyền thống và rất đẹp. Các khớp cử động linh hoạt và hoạt động được mọi tư thế. Đặc biệt cách buộc dây rất độc đáo, số lượng dây điều khiển cũng rất nhiều, khiến cho con rối dây có thể nhào lộn, bay, bò, quỳ, nằm, múa với nhiều tư thế, vốn là điều rất khó của nghệ thuật rối dây. Tạo hình con rối của đoàn Lào cũng rất độc đáo, đơn giản nhưng vô cùng đẹp, gây được sự thích thú cho khán giả. Đây là cách tạo hình con rối hiện đại, đơn giản, nhưng lại đòi hỏi người nghệ sĩ có sáng tạo và đầu óc tưởng tượng phong phú. Tiết mục của nhà hát Sovanna Phum Campuchia lại đặc sắc với cách sử dụng hiệu quả của rối bóng truyền thống. Chỉ là hình những con rối bất động trên một mảng bẹt, nhưng các nghệ sĩ đã tạo ra hiệu quả vô cùng phong phú, không gian thay đổi để nói những xung đột, những vấn đề của vở diễn.

Đặc biệt lần này có những diễn viên rất nhỏ tuổi tham dự. Nhỏ nhất là diễn viên 6 tuổi ở đoàn Thái Lan, 8 tuổi ở đoàn Philippines và 14 - 18 tuổi ở đoàn Myanmar. Điều đáng nói, các em điều khiển con rối rất thành thục, vô cùng khéo léo, làm được những động tác rất khó, kỹ năng chuyên nghiệp mà nếu không dày công luyện tập thì không thể làm được.

Không chỉ đưa các diễn viên nhí lên sân khấu, các chương trình biểu diễn của các đoàn rối lần này cũng rất chú trọng tới tính tương tác với các khán gỉa nhí. Chương trình của nhà hát Thái Lan, Nhà hát Anh, Nhà hát Roppets Philippines đều đưa các khán giả nhí lên sân khấu cùng diễn, điều này rất có tác dụng đưa nghệ thuật rối đến gần gũi với trẻ em, làm các em thích thú. Đoàn múa rối Nga cũng kết thúc phần biểu diễn của mình bằng màn nhảy múa với trẻ em.

Theo đánh giá của BTC, LH đã khép lại với thành công lớn, điều này có thể kiểm nghiệm qua những khán giả của LH. Sự tấp nập, hồ hởi với những khuôn mặt tươi vui, thỏa mãn của khán giả sau mỗi buổi diễn, đã chứng tỏ niềm yêu thích với nghệ thuật rối đã được thắp lại và nhân lên từ LH lần này...

DH
Biểu diễn múa rối nước - sản phẩm du lịch mới ở Hội An
Biểu diễn múa rối nước - sản phẩm du lịch mới ở Hội An

Bắt đầu từ ngày 2/10, UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) đã đưa nghệ thuật rối nước vào phục vụ du khách khi đến thăm quan Di sản Văn hóa thế giới phố cổ Hội An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN