Tháng 5 về Làng Sen nhớ Bác

Khởi phát thành công năm 1982, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen đã được tổ chức ở cấp tỉnh mỗi năm/lần và cấp quốc gia 5 năm/lần vào năm chẵn kỷ niệm sinh nhật Bác. Từ năm 2002, Lễ hội Làng Sen được nâng thành Lễ hội toàn quốc với quy mô và sức lan tỏa ngày càng sâu rộng.

Trong dòng chảy văn hóa đương đại của dân tộc, hiếm có một hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân khởi phát từ một liên hoan văn nghệ địa phương lại nhanh chóng lan tỏa, lớn mạnh tầm quy mô để trở thành ngày hội văn hóa của toàn dân tộc như Lễ hội Làng Sen. Giá trị văn hóa, tinh thần của Lễ hội ngày càng lớn, góp phần kết nối mạch nguồn truyền thống văn hóa - văn hiến của quê hương Nghệ An nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

Chương trình nghệ thuật “Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh trong đêm khai mạc Lễ hội Làng Sen.


Ở quy mô cấp toàn quốc, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen đã thu hút sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật trong cả nước, từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Nội đến các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng cho đến những tỉnh phía Nam như Sóc Trăng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phan Thiết, Thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt những tỉnh, thành nơi từng in dấu chân Bác trong suốt thời gian Người tham gia hoạt động cách mạng thì năm nào cũng hội tụ tham gia liên hoan.

Về với Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm nay, đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang mang đến chương trình nghệ thuật với chủ đề “Việt Bắc nhớ Bác”, bao gồm 6 ca khúc: “Đường về Tân Trào”, “Con đường Bác đã đi qua”, “Trong xanh Khuôn Pén”, “Việt Bắc nhớ Bác”, “Người Dao ơn Bác” và điệu múa sen “Nhớ ơn Bác”.

“Đây là lần thứ 3 đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang hành hương về quê Bác. Các nghệ sĩ trong đoàn đại diện cho 22 dân tộc anh em tỉnh Tuyên Quang tham dự lễ hội, dâng nén hương thơm trước anh linh Người, cùng hòa trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để chúng tôi không chỉ được thấy gần Bác hơn mà còn là dịp để soi lại lòng mình, chiêm nghiệm những giá trị đích thực trong cuộc sống. Qua những ca khúc này, các nghệ sĩ muốn gửi gắm tình cảm của những người con từ mảnh đất Tuyên Quang về với Bác Hồ kính yêu”, ông Hoàng Ngọc Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa triển lãm, Trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, xúc động chia sẻ.

Tâm điểm của Lễ hội Làng Sen là Liên hoan Tiếng hát Làng Sen. Liên hoan đã tôn vinh bản sắc văn hóa đa sắc màu của các dân tộc anh em Kinh, Khơ Me, Thổ, Thái, Mông, Khơ Mú, Chăm… vừa tạo điều kiện để quần chúng có cơ hội tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, vừa góp phần bảo tồn và phát huy vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc. Từ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, nhiều trại sáng tác ca khúc được mở và cho ra đời hàng trăm tác phẩm viết về Bác Hồ và Làng Sen.

Cũng trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen 2015, các hoạt động đã và đang diễn ra từ ngày 12-20/5 như Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn; Giao lưu các nghệ sĩ, diễn viên đoàn làm phim về Bác với khán giả thành phố Vinh, Nam Đàn; Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Lễ rước ảnh Bác Hồ, diễu hành về quê Bác; Triển lãm tranh cổ động tấm lớn về đề tài Bác Hồ; Khai mạc Lễ hội Làng Sen; Khai mạc Liên hoan Tiếng hát Làng Sen; Triển lãm trưng bày chuyên đề “Tình cảm của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quần chúng và đoàn nghệ thuật tỉnh Nakhonphanom (Thái Lan), Xiêng Khoảng (Lào) tại Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Thanh Chương; cầu truyền hình trực tiếp “Bác Hồ tình yêu bao la”…

Điểm nhấn khác của Lễ hội Làng Sen 2015 là Ngày Văn hóa các dân tộc miền Trung, diễn ra từ ngày 17 - 19/5. Ngày hội có các hoạt động đặc sắc như: Trại triển lãm trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc của các tỉnh tham dự. Đó là các sản phẩm văn hóa, hiện vật trưng bày, sản phẩm quà lưu niệm, ẩm thực truyền thống, những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương. Nhiều địa phương còn trưng bày, giới thiệu các thao tác, nguyên liệu, quy trình sản xuất các nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là tổ chức trò chơi dân gian dân tộc như tung còn, tó má lẹ, đánh cù, đẩy gậy… Một hoạt động khác nhằm làm phong phú hơn, nổi bật hơn nội dung trong ngày hội là hoạt động trình diễn, giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng dân tộc. Các đơn vị tham gia ngày hội biểu diễn các trích đoạn lễ hội dân gian, nghi thức, sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian, dân ca, dân nhạc, dân vũ, trình diễn trang phục… “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung 2015 tại tỉnh Nghệ An là một sự kiện văn hóa quy mô lớn nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung. Những tiết mục này đều thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng dân tộc của địa phương mình, phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu.”, ông Vương Duy Bảo, Cục phó Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

Tháng 5, mỗi người con đất Việt luôn tưởng nhớ, thành kính về vị cha già của dân tộc. Điều đó càng tiếp thêm sức mạnh để Lễ hội Làng Sen khẳng định giá trị văn hóa to lớn giàu bản sắc quê hương xứ sở và chứa đựng giá trị thiêng liêng, nhân cách văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bích Huệ

Khai mạc Lễ hội Làng Sen 2015
Khai mạc Lễ hội Làng Sen 2015

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ hội Làng Sen năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN