Bản sách cổ trên do một cá nhân hiến tặng và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế lần này được xem là bản thứ 3 tính đến hiện nay. Hai bản khác của cuốn sách này đang lưu trữ tại Thư viện Paris (Pháp) và Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, năm 1838, hoàng đế Minh Mạng cho đúc 33 món đồ đồng phỏng theo hình dáng đồ vật của các triều đại Thương, Chu tới Hán gọi là “bác cổ đồ” và năm 1839, nhà vua cho đổi tên gọi là “cổ khí đồ”. Những cổ khí này bao gồm: Đỉnh, lịch, đôn, quỹ, tôn, dữu, cô, hòa, giả, hồ, di, bôi và xa, thể hiện hùng tâm của vua Minh Mạng muốn xây dựng nước Đại Nam trở thành quốc gia cường thịnh, thái hòa như các triều đại thịnh trị trong lịch sử phong kiến. Nhà vua đã cho vẽ hình các cổ khí, tự tay viết các bài minh văn để khắc trên từng cổ khí đó. Những bài minh văn cùng hình vẽ được tập hợp, san định lại, khắc trên mộc bản và in thành sách “Ngự chế minh văn cổ khí đồ”. Hiện nay, mộc bản của cuốn sách này đang được lưu ở Trung tâm lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt (Lâm Đồng).
Trong không gian trưng bày lần này, ngoài điểm nhấn giới thiệu tác phẩm “Ngự chế minh văn cổ khí đồ”, người xem còn có cơ hội tiếp cận nhiều hiện vật sách cổ, công văn, sắc bằng thời Nguyễn khác do các cá nhân, tổ chức hiến tặng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thời gian qua như: Cuốn sách “Thánh chế thi lục tập”, tập hợp 39 bài thơ của hoàng đế Minh Mạng, “Kỹ thuật của người An Nam”, “Tường đính Cổ văn bình chú”, “Điền tô sai dư thuế lệ”, “Giao tự đại lễ”, “Tự Đức Thánh chế thi tam tập”…