Nhân kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân Dân miền Bắc (2-5/8/1964 – 2-5/8/2024), 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ((22/12/1944 - 22/12/2024), Ban văn nghệ - Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Hải quân, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long thực hiện bộ phim ca nhạc “Trường Sa - Bến bờ trong nhau” với nhiều hình ảnh Trường Sa lần đầu khán giả được chiêm ngưỡng. Trân trọng giá trị mà bộ phim mang lại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank đã đồng hành cùng dự án.
“Trường Sa - Bến bờ trong nhau” là phim ca nhạc đặc biệt ca ngợi những chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Nội dung phim kể về người lính hải quân với truyền thống gia đình gồm 4 thế hệ tiếp nối là bộ đội Hải quân. Phim thể hiện tình yêu, niềm tự hào của người lính khi được khoác lên mình bộ quân phục bảo vệ lãnh hải cho Tổ quốc.
Điều ấn tượng và cũng là những hình ảnh lần đầu khán giả được thấy chính là sự khắc họa hình ảnh người lính và lực lượng Hải quân trong thời đại mới sáng tạo, tinh nhuệ và hiện đại. Bộ phim có nhiều câu chuyện xúc động về sự hy sinh của những người lính và hậu phương của họ, những người vợ, người mẹ dũng cảm và vượt gian nan để người lính vững tâm hết lòng phụng sự Tổ quốc.
Câu chuyện trong phim được kể mộc mạc, chân thành, đan xen những ca khúc về người lính qua giọng hát và phần thể hiện của NSƯT Khánh Hòa, nữ nghệ sĩ luôn dành ưu tiên trong sự nghiệp để hát về biển đảo, đặc biệt là về Trường Sa. Khi là câu chuyện tình yêu đẹp bình dị, mộc mạc mà chân thành của người lính hải quân; khi là những khoảnh khắc hạnh phúc khi sum họp, đoàn tụ giữa mẹ con, vợ chồng, cha con... Có khi là giây phút xúc động vì phải chia xa, khi người chiến sĩ đi công tác, người vợ giấu nước mắt để chồng yên tâm lên đường. Những cảm xúc trong phim đều chân thật, đời thường, nhưng giúp khán giả thấy được trọn vẹn sự hy sinh, tinh thần anh dũng của những người lính hải quân, đồng thời thấy cả những điều dung dị trong cuộc sống đời thường của họ.
Không chỉ giữ vai trò chính là nghệ sĩ biểu diễn tất cả các ca khúc trong phim, là diễn viên, là người khởi lên ý tưởng về phim, viết kịch bản văn học cùng nhạc sĩ Lê Tâm, NSƯT Khánh Hòa còn tham gia hỗ trợ sản xuất cho bộ phim…
“Trường Sa - Bến bờ trong nhau” là phim ca nhạc thứ 2 về Trường Sa của NSƯT Khánh Hòa. Bén duyên với Trường Sa lần đầu vào năm 2009, năm 2012 chị đã thực hiện phim ca nhạc đầu tiên mang tên “Gần lắm Trường Sa”. Với bộ phim “Gần lắm Trường Sa”, thời điểm ấy NSƯT Khánh Hòa đã nhanh chóng trở thành tên tuổi nữ nghệ sĩ đến với Trường Sa, hát về Trường Sa tiêu biểu.
Ngày đó, hình ảnh NSƯT Khánh Hoà mặc chiếc áo dài kết hợp tinh tế với họa tiết áo lính hải quân được truyền thông quan tâm, dành nhiều lời khen ngợi. Trong phim ca nhạc lần này, hình ảnh đó lại một lần nữa trở lại như sự tiếp nối tình yêu mãnh liệt mà NSƯT Khánh Hoà dành cho Trường Sa.
Cũng ít ai biết rằng rằng, từ ngày ấy cho đến nay, Khánh Hòa đã đi Trường Sa tới… 8 lần và sau đúng 12 năm, với tình cảm sâu sắc dành cho biển đảo và người lính Trường Sa, nhờ “thiên thời địa lợi nhân hòa”, NSƯT Khánh Hòa đủ duyên thực hiện bộ phim ca nhạc thứ hai “Trường Sa - Bến bờ trong nhau”, tác phẩm có thể nói ít ai có cơ hội thực hiện và thực hiện được với nhiều hình ảnh “lần đầu tiên” như phim của chị.
NSƯT Khánh Hòa chia sẻ: “Trường Sa là tình yêu lớn nhất, sâu sắc nhất trong tôi. Dù đã đến với Trường Sa 8 lần thì với tôi, lần nào cảm xúc cũng như lần đầu. Mỗi lần đi, cảm xúc lại được bồi đắp thêm, sâu sắc hơn. Tôi rất hạnh phúc trong không khí, con người ở Trường Sa. Được gặp gỡ, làm việc với các chiến sĩ, người dân nơi đây, tôi luôn cảm thấy chứa chan tình người, cháy bỏng tình yêu Tổ quốc. Tôi như bị 'nghiện' cảm giác đó và luôn sẵn sàng trở lại. Dù không phải lúc nào cũng có thể đến với Trường Sa, nhưng trong trái tim tôi, tình cảm với Trường Sa luôn ngự trị, luôn hiện hữu. Càng xa tôi càng nhớ, càng thôi thúc tôi thực hiện dự án phim ca nhạc này”.
Phim “Trường Sa - Bến bờ trong nhau” là câu chuyện có thể chia thành 3 phần về mặt âm nhạc kể về người lính hải quân để lại nơi hậu phương người mẹ, người vợ và cả con nhỏ chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh, vì chẳng mấy khi trọn vẹn mái ấm để lên đường thực hiện sứ mệnh bảo vệ vùng biển quê hương, đến niềm tự hào, kiêu hãnh của người lính trong hàng ngũ lực lượng hải quân tinh nhuệ của đất Việt, luôn vững vàng tay súng giữ yên bình cho biển đảo, cho tổ quốc và cho hậu phương nơi anh luôn hướng về. Và, tình yêu thiêng liêng người lính hải quân ấy dành cho tổ quốc, cho non sông, không chỉ là chính xương máu của mình, mà còn là sự tiếp nối thế hệ khi con cháu lớn lên noi gương cha anh sẵn sàng làm nhiệm vụ giữ bình yên cho biển trời tổ quốc tươi đẹp.
Phim sử dụng 8 ca khúc vốn đã quen thuộc, nhưng được phối khí mới mẻ và được sắp xếp tinh tế, phù hợp tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của chiến sĩ hải quân cũng như những người phụ nữ ở hậu phương trong từng giai đoạn.
Giai đoạn đầu là 3 ca khúc mang tính trữ tình sâu lắng Gửi cánh chim biển (Nhạc và lời: Võ Thiên Lan; Phối khí: Đỗ Bảo); Tình anh (Nhạc và lời: Đình Dũng; Phối khí: Huyền Trung); Mẹ kể con nghe (Nhạc và lời: Xuân Bình; Phối khí: Huyền Trung), tái hiện cuộc sống đời thường, tình yêu và những mong ước bình dị của người lính hải quân. Trong đó có những cảnh phim ấn tượng, tái hiện câu chuyện tình yêu và đám cưới người lính hải quân Nam (Tiến Lộc) với cô giáo Hoa (NSƯT Khánh Hòa); Khôi (Bình An), con trai của Nam cũng trở thành người lính hải quân, có khoảnh khắc chia tay đầy lưu luyến với vợ - cô giáo Nga (Huyền Thạch) khi cô đang mang bầu; đan xen hình ảnh người lính hải quân làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa với hình ảnh người vợ nơi hậu phương cũng phải trải qua nhiều gian nan vất vả; nỗi nhớ niềm thương của người vợ luôn khắc khoải, mong chờ…; vì nhiệm vụ những người lính hải quân ít về nhà, đi khi con chưa sinh ra, trở về con còn thấy bố xa lạ; thậm chí, con trai của Khôi tới lớp còn bị các bạn trêu là không có bố...
Phần hai là hai ca khúc Nơi ấy là Trường Sa (Nhạc và lời: Xuân Nghĩa; Phối khí: Trần Mạnh Hùng) và Ngọn nến tri ân (Nhạc và lời: An Hiếu; Phối khí: Ngô Minh Hoàng). Phần biểu diễn hai ca khúc này được dàn dựng đặc biệt, khiến người xem trào dâng niềm xúc động, sự tự hào. Nơi ấy là Trường Sa được nhạc sĩ phối khí, ca sĩ biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng, thể hiện sự tự hào của lực lượng hải quân hiện đại, tinh nhuệ. Xen lẫn là những cảnh quay phô diễn lực lượng Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ, hiện đại với vũ khí, tàu pháo, tên lửa, tàu buồm, tàu ngầm, máy bay… Đặc biệt là hình ảnh những người lính hải quân luôn vững vàng tay súng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ở phần này, gây ấn tượng đặc biệt là tác phẩm Ngọn nến tri ân được phối khí cho dàn nhạc giao hưởng, với tinh thần trầm hùng, sâu lắng, tạo nên sự xúc động và biết ơn sâu sắc đối với người nghe. Phần này, phim tái hiện cảnh người mẹ, người vợ nhận tin người con, người chồng của mình đã hi sinh khi làm nhiệm vụ. Nhận lại những kỷ vật, hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ, hai vị trí nhưng chung một nỗi đau, nỗi mất mát không thể diễn tả bằng lời…
Phần ba là 3 bài hát Đảo xa Tổ quốc (Nhạc và lời: Quỳnh Hợp; Phối khí: Minh Đạo); Bâng khuâng Trường Sa (Thơ: Nguyễn Thế Kỷ - Nhạc: Lê Đức Hùng; Phối khí: Phơ Nguyễn); và liên khúc Tình biển - Chào Trường Sa (Nhạc và lời: Trần Quang Huy & Lưu Hà An; Phối khí: Phơ Nguyễn) với tính chất âm nhạc tươi sáng, tự hào. Đặc biệt, ở 3 ca khúc Bâng khuâng Trường Sa, Tình biển và Chào Trường Sa có sử dụng tính chất âm nhạc EDM phù hợp với giới trẻ, để các bạn dễ tiếp nhận và lan tỏa rộng rãi.
Được tái hiện ở phần cuối phim là Lễ tưởng niệm Gạc Ma đầy xúc động; cuộc sống của chiến sĩ hải quân thời hiện đại, trẻ trung, lạc quan nhưng cũng đầy trách nhiệm; chuyến tàu đưa người vợ đến Trường Sa thăm chồng; cha con hội ngộ, hạnh phúc khi con yêu và tự hào về bố là người lính hải quân… nói lên tinh thần dù hậu phương hay tiền tuyến có gian nan thì với niềm tin và tình yêu tất cả sẽ cùng nhau vượt qua gian khó.
Những câu chuyện trong phim đều được chắt lọc từ chính những lần đi Trường Sa của cả NSƯT Khánh Hoà và nhạc sĩ Lê Tâm cũng như nhiều người trong ekip thực hiện. Trong phim có những tình tiết cảm động như người vợ trẻ viết thư cho chồng nhưng chưa kịp gửi thì chồng đã hi sinh, người vợ nhờ con dâu mang thư ra Trường Sa thả vào lòng biển; hay tình tiết bé Xuân Trường khi đi học bị bạn trêu không có bố, mẹ của bé cắt áo của bố, may nhỏ lại cho con mặc và nói dối đó là quà tặng bố gửi về từ Trường Sa… đều được lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Không chỉ là khắc hoạ cuộc đời người lính hải quân, những nỗ lực, kiên cường, quên cả thân mình trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển thiêng của tổ quốc, bộ phim còn đem đến rất nhiều hình ảnh về một Trường Sa lãng mạn, đẹp đến ngẩn ngơ, góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam rạng rỡ, tươi đẹp. Có thể khẳng định, Trường Sa trong phim ca nhạc “Trường Sa - Bến bờ trong nhau” đã đem Trường Sa đến thật gần với mỗi người dân Việt, giúp quốc tế hiểu hơn về con người, vùng biển thiêng của Việt Nam.
Phim còn gây ấn tượng với người xem trong các tiết mục được dàn dựng đặc biệt: NSƯT Khánh Hòa biểu diễn Ngọn nến tri ân cùng Dàn nhạc giao hưởng và Dàn hợp xướng của các chiến sĩ bộ đội Hải quân, Nơi ấy là Trường Sa cùng Dàn nhạc giao hưởng trên tàu Yết Kiêu và Chào Trường Sa cùng 100 cán bộ chiến sĩ tại cột mốc Trường Sa và trên đảo. Lần đầu tiên, khán giả chứng kiến cả Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn trên tàu lớn giữa biển Việt Nam, âm nhạc hào hùng xen lẫn những hình ảnh phô diễn lực lượng Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ, hiện đại với vũ khí, tàu pháo, tên lửa, tàu buồm, tàu ngầm, máy bay… khiến người xem bồi hồi tự hào, cảm thấy hai chữ Tổ quốc thiêng liêng đập mạnh trong lồng ngực. Nổi bật hơn cả là hình ảnh những người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió, luôn vững vàng tay súng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có lẽ đây là lần đầu tiên khán giả được thấy cả Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn trên tàu giữa Trường Sa và đây cũng là lần đầu tiên Dàn nhạc được diễn trong bối cảnh này.
NSƯT Khánh Hòa tiết lộ, ban đầu việc mời Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tham gia dự án không dễ dàng do lịch làm việc của Dàn nhạc dày đặc, hơn nữa khi thấy lịch trình ghi hình sớm khuya vất vả lại ở ngoài biển nắng cháy, Dàn nhạc cũng hơi ngại ngần. Nhưng, khi đứng giữa biển khơi lồng lộng, giữa bãi đáp trực thăng của tàu cứu hộ Yết Kiêu, hai bên là hai con tàu hộ vệ tên lửa, được hít vào lồng ngực hơi thở vùng biển thiêng liêng của tổ quốc, trong trái tim các nghệ sĩ tự nhiên dâng lên niềm tự hào tổ quốc, cùng kiêu hãnh hoà tấu nên những giai điệu về quê hương, đất nước, hạnh phúc và xúc động khi tham gia dự án phim ca nhạc này.
Thực hiện phim ca nhạc phim ca nhạc “Trường Sa - Bến bờ trong nhau”, NSƯT Khánh Hòa chia sẻ, chị muốn lấy âm nhạc kết nối yêu thương đến mọi trái tim, gửi đi thông điệp hòa bình đến toàn thế giới. Và mặc dù việc đưa cả Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn trên tàu giữa biển khơi không dễ dàng, khá vất vả gian nan, nhưng chị cho rằng sự kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, loại hình âm nhạc của toàn cầu mới đủ sức chuyển tải trọn vẹn được thông điệp hòa bình mà chị gửi gắm và lột tả được sự đóng góp, cống hiến và hy sinh to lớn của những người lính hải quân nói chung và những người lính đảo nói riêng.
Phát biểu tại buổi ra mắt phim, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân cho biết: “Bộ phim ca nhạc “Trường Sa - Bến bờ trong nhau” là sản phẩm văn hóa tinh thần mang giá trị nhân văn sâu sắc về tình yêu đất nước, tình yêu biển, đảo quê hương. Bộ phim được xâu chuỗi theo kết cấu giai điệu âm nhạc với nội dung của 8 ca khúc thành một câu chuyện kể về các thế hệ trong một gia đình là bộ đội Hải quân, nối tiếp truyền thống giữ gìn biển đảo Tổ quốc. Bộ phim đã khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc; bồi đắp thêm tinh thần chiến đấu anh dũng cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam; xây dựng ý chí, củng cố niềm tin cho quân dân ta quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ phim chuyển tải đến khán thính giả thông điệp về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự cống hiến của các thế hệ cha anh. Qua các ca khúc và hình ảnh trong phim, khán giả sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng cùng với trách nhiệm cao cả về chủ quyền biển đảo nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng.
Để góp phần vào thành công của Bộ phim, Đảng ủy - Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện các cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị, hiệp đồng chặt chẽ với Êkíp làm phim huy động, sử dụng nhiều phương tiện, trang bị kỹ thuật quân sự như tàu chiến, tàu vận tải, tàu chuyển tải, máy bay, ô tô; huy động hơn 1.000 lượt người tham gia ghi hình từ vai chính đến vai diễn quần chúng... bảo đảm chu đáo, hiệu quả, giữ gìn bí mật quân sự, an ninh, an toàn tuyệt đối”.