Trường Sa không chỉ là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. Hàng năm, Quân chủng Hải quân tổ chức các chuyến tàu chở các đoàn đại biểu, phóng viên báo chí ra thăm, kiểm tra và giao lưu với quân dân nơi đây. Những chuyến công tác này không chỉ đem lại trải nghiệm đáng nhớ mà còn để lại những cảm xúc sâu lắng, thấm đẫm tình yêu nước.
Khác hẳn với điều kiện tác nghiệp ở đất liền, các nhà báo khi tác nghiệp tại Trường Sa gặp phải nhiều khó khăn hơn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thời gian làm việc gấp gáp và lịch trình dày đặc.
Hải Ngân, phóng viên trẻ tuổi nhất đoàn công tác, đến từ Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, chia sẻ: “Trước tôi, đã có rất nhiều các anh chị đồng nghiệp từng đến và viết về Trường Sa. Dù đã chuẩn bị tinh thần phải cố gắng tìm và khai thác những vấn đề nổi bật của các chiến sĩ tại Trường Sa, nhưng khi đến nơi, chuyện tác nghiệp lại là một điều khác. Chuyến hải trình ngắn và đoàn công tác ghé vào đảo rất nhanh, các phóng viên không có nhiều thời gian để tìm hiểu, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ thu thập tư liệu”.
Trong chuyến hải trình này, tất cả phóng viên đều cố gắng tận dụng tối đa thời gian để thâm nhập thực tế, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo để thu thập thông tin, tư liệu. Dù say sóng, say cả đất liền, nhưng khi lên đảo, các nhà báo đã không bỏ sót bất kỳ cơ hội nào trong chuyến hải trình. Họ đều cố gắng thể hiện cảm xúc của mình qua mỗi thước phim, hình ảnh.
Một trong những trải nghiệm thú vị nhất là việc ghi nhận những buổi giao lưu văn hoá văn nghệ giữa đoàn công tác và lính đảo. Những đoạn ca khúc như “Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa”, “Trường Sa ơi mai tàu rời bến, ta lại về phố thị thân thương”, cùng với hình ảnh người lính và các đại biểu khoác vai nhau, cất cao bài ca về biển đảo, là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất.
Phóng viên Nguyễn Thị Nhi, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tham gia cùng đoàn công tác, chia sẻ: “Được tác nghiệp và ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng là niềm tự hào không thể nào diễn tả bằng lời. Dù khoảng thời gian lưu lại tại các đảo và điểm đảo không nhiều, nhuwng những tình cảm nồng ấm mà người lính và các thành viên trong đoàn công tác trao nhau, đã để lại biết bao lưu luyến. Giữa muôn trùng sóng nước, ai ai cũng bồi hồi xúc động”.
Kết thúc chuyến hải trình đến Trường Sa và Nhà giàn DK1, mỗi thành viên đoàn công tác nói chung và phóng viên báo chí nói riêng càng thêm khẳng định tình yêu dành cho biển, đảo của Tổ quốc. Họ càng biết ơn những người lính trẻ vẫn đang neo mình nơi đầu sóng, ngọn gió để giữ vững sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền cho biển, đảo Việt Nam.
Những chuyến đi như thế này không chỉ là nhiệm vụ mà còn là hành trình của lòng yêu nước, trách nhiệm và tự hào. Trong từng bài viết, từng bức ảnh, các phóng viên đã góp phần truyền tải những câu chuyện về Trường Sa, về những người lính đảo dũng cảm, về tình yêu biển đảo của nhân dân Việt Nam, làm sống lại tình yêu và trách nhiệm của mỗi người con đất Việt với Tổ quốc thân yêu.