Thổ Hà còn là nơi duy nhất của tỉnh Bắc Giang có nghệ thuật tuồng cổ được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đó là vốn quý, là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa của Thổ Hà nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung. Góp phần gìn giữ tài sản ấy đến ngày nay, ở ngôi làng cổ này phải kể đến một nghệ nhân gạo cội - ông cũng là nghệ nhân duy nhất của tỉnh Bắc Giang được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực tuồng cổ đợt đầu tiên - nghệ nhân Nguyễn Bá Lam.
Nghệ nhân đang chỉ dạy nghệ thuật hát tuồng. |
Ở tuổi 96, nhưng cụ Nguyễn Bá Lam vẫn toát lên sự tinh anh, nhanh nhẹn trong đôi mắt và giọng nói. Đặc biệt là sự hồ hởi, phấn khởi tỏ rõ trên khuôn mặt cụ khi chúng tôi hỏi chuyện về nghệ thuật tuồng ở Thổ Hà. Đến nay, ở Thổ Hà chỉ có cụ là người duy nhất thuộc thế hệ tiền nhân hiểu rõ về số phận thăng trầm, cũng như đặc điểm của tuồng Thổ Hà qua bao biến thiên lịch sử. Cụ Lam không nhớ rõ tuồng có mặt ở Thổ Hà khi nào, chỉ biết rằng từ nhỏ cụ đã được theo các ông, các cụ trong làng xem diễn tuồng, đến năm 20 tuổi cụ tham gia vào đoàn tuồng của làng. Làng Thổ Hà khi ấy có hai phường tuồng, một phường của cụ Trùm Cốc, một phường của cụ Trùm Tre.
Với dáng người nhỏ nhắn, trong các vở tuồng cụ Lam thường đóng vai kép con, hoàng tử chứ không đóng ông soái, ông tướng. Tuy nhiên, vở nào cụ cũng được sắm vai “giáo đầu” - một trong những vai quan trọng nhất của một vở diễn, người đóng vai này cần phải hiểu và thành thạo các làn điệu tuồng của vở diễn đó, giáo đầu giống như người dẫn chương trình của vở tuồng. Cụ Lam cho biết, tuồng là một nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của Việt Nam gồm nhiều loại như tuồng thầy, tuồng ngự, tuồng cung đình, tuồng pho, tuồng đồ, tuồng tân thời... trong đó tuồng Thổ Hà thuộc loại tuồng pho có bài bản gồm nhiều hồi và diễn nhiều đêm. Tuồng bao gồm nhiều làn điệu như hát nam, hát tẩu, hát khách, hát thương, nam ai, nam bình.
Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng cụ Lam vẫn nhớ rõ từng vở diễn, vai diễn của mình. Cụ đã làm giáo đầu ở các vở tuồng “Đào Tam Xuân luận trào”, “Chiêu Quân cống Hồ”, “Thất đinh khuyến”, sắm vai ở các vở tuồng cổ như Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương, Chinh Đông chinh Tây... Đến nay, tình yêu với nghệ thuật tuồng trong cụ vẫn vẹn nguyên mỗi khi ai ngỏ ý xem cụ diễn tuồng. “Nếu có sự quyết tâm, niềm đam mê thật sự thì nhất định sẽ thành công, thành công từ chính sự tìm tòi, học hỏi của mỗi diễn viên tuồng”, cụ Lam chia sẻ.
Theo lời kể của cụ Lam, sau năm 1945, hoạt động tuồng ở Thổ Hà phát triển mạnh, các phường tuồng không chỉ phục vụ cho bà con trong làng mà còn được mời đi biểu diễn ở các nơi quanh vùng. Song, do ảnh hưởng của chiến tranh, một thời gian tuồng Thổ Hà bị gián đoạn, đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, đội tuồng Thổ Hà được thành lập lại, cụ Lam cùng những nghệ nhân gạo cội đã tâm huyết truyền dạy, vun đắp với mong muốn Thổ Hà phải có lớp kế cận tiếp nối truyền thống của quê hương.
Đến nay, đội tuồng Thổ Hà có khoảng 10 người do ông Phạm Tiến Tuấn làm chủ nhiệm. Chính cụ Lam là người đã thắp sáng tình yêu nghệ thuật tuồng cho ông Tuấn và ông Tuấn cũng là một trong những học trò xuất sắc của cụ Lam. Hiện ông Tuấn thành thạo khoảng 20 vở tuồng và đi diễn nhiều nơi. Đội tuồng Thổ Hà hàng năm, biểu diễn từ ba đến sáu buổi tại làng vào những dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm lớn trong năm. “Tôi đến với tuồng từ niềm đam mê, tâm huyết của cụ Lam truyền lại, đồng thời cũng muốn gìn giữ nghệ thuật này vì truyền thống quê hương và những thông điệp, triết lý nhân văn, tính giáo dục trong mỗi vở tuồng. Bởi mỗi vở tuồng đều phản ánh thực tế xã hội, qua đó khái quát lịch sử, đề cao chính nghĩa, cái đẹp, phê phán cái ác”, ông Tuấn tâm sự.
Trong đội tuồng của làng, ngoài ông Tuấn, một số người hát và diễn xuất tốt như ông Khả, ông Đan, ông Lâm. Lớp trẻ khoảng 30 tuổi tham gia khá đông với các anh Đức, Sáu, Sơn, Khoa, Tuấn, Hà...”. Diễn viên tuồng phải đảm bảo đúng quy chuẩn nhất thanh nhì sắc, cuối cùng mới đến vóc dáng và điệu bộ, diễn tuồng khó nhất ở ý tứ, ngôn ngữ cơ thể của diễn viên, làm sao câu hát dáng vẻ điệu bộ và cả hành động phải ăn khớp, phải phù hợp, như vậy khán giả xem mới không thấy sự “vô duyên” của người diễn viên”, ông Tuấn cho biết thêm.
Với nghệ thuật tuồng ở Thổ Hà, thế hệ cụ Lam đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của mình và làm tròn trách nhiệm với quê hương. Hi vọng những thế hệ sau như ông Tuấn sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tâm huyết để tuồng cổ Thổ Hà lưu truyền cho muôn đời sau.