Với vai Thị Mầu lên chùa trong đêm diễn "Tìm kiếm tài năng Việt" phát sóng trên đài truyền hình VTV3 ngày 5/10/2014 Nguyễn Đức Vĩnh, 8 tuổi đã khiến bốn vị giám khảo (NSƯT Thành Lộc, Hoài Linh, Huy Tuấn, Thúy Hạnh) cùng hàng nghìn khán giả hết sức ngỡ ngàng, thích thú và dành cho tình cảm đặc biệt. Lần đầu tiên tôi được xem Nguyễn Đức Vĩnh, biểu diễn là khi Vĩnh và chị gái Nguyễn Hoài Anh được mời tham gia diễn trọn trích đoạn Thị Mầu lên chùa trong buổi ra mắt tập san Văn nghệ Quế Võ số 1/2014 và Lễ phát động cuộc thi Sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Quê hương và người chiến sĩ hôm nay” tại cơ quan Ban CHQS huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Hôm ấy, khi bé Vĩnh vừa bước ra sân khấu với diễn xuất nhuần nhuyễn, mạch lạc, bằng ánh mắt biểu cảm; những ngón tay xinh xắn, mềm mại, vóc dáng nhẹ nhàng, bước chân thanh thoát như lướt, như bay... đầy sức thuyết phục, không kém một diễn viên chuyên nghiệp, đã làm cho cả khán phòng sống động, đầy ắp tiếng cười, thể hiện sự cảm phục, mến mộ.
Nguyễn Đức Vĩnh (bên phải sang) và chị gái Nguyễn Hoài Anh đang diễn trích đoạn chèo "Thị Mầu lên chùa". |
Nguyễn Đức Vĩnh sinh ra ở một làng quê thuần nông thuộc thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, cách thành phố Bắc Ninh khoảng 15 km về hướng Đông - Nam. Gia đình Vĩnh có bốn chị em gái, cháu là con trai duy nhất đồng thời cũng là út trong nhà. Mọi thu nhập, chi tiêu của 6 miệng ăn trước đây chỉ trông vào mấy sào ruộng, trong khi đó bố cháu gần đây lại đau yếu liên tục do bị suy thận, thoái hóa khớp, mỡ máu, gút… nên cuộc sống thật sự bấp bênh, thuộc diện cận nghèo ở địa phương. Khó khăn là vậy, nhưng bố mẹ Vĩnh luôn chăm lo đến việc học hành và phát triển tài năng của cháu. Cách đây 3 năm, mặc dù phải mua trả góp, nhưng anh chị đã sắm cho cậu con trai bộ loa - tăng âm, dàn máy vi tính cũng như dành hẳn một phòng khá rộng rãi để Vĩnh luyện tập múa hát chèo, quan họ qua mạng, theo băng đĩa.
Học lớp 3, nhưng năng động, tháo vát lại học giỏi, hát hay, chữ viết đẹp... nên Vĩnh được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Ở trường là vậy, nhưng về nhà vừa là con út, người lại nhỏ con nên Vĩnh được chiều chuộng, cậu ta cứ hồn nhiên, ngây ngô, nghịch ngợm như bao đứa trẻ khác, vẫn chọc ghẹo, nô đùa, giành đồ chơi với cháu (con nhà bác) như thường. Vậy mà khi bố mẹ gọi về mở máy vi tính để diễn, hát thử cho khách xem và nghe... thì nhanh như cắt, chỉ trong giây lát cháu đã trở lại đúng vị trí như một diễn viên lành nghề, chuyên nghiệp thực thụ. Khi nghe Vĩnh hát câu đầu tiên cũng như trọn vẹn các bài: "Gọi đò", "Vào chùa", "Con nhện giăng mùng"... (dân ca quan họ Bắc Ninh) thì không ai có thể tin đó là tiếng hát của cậu bé chưa đầy 8 tuổi, sao mà đầm ấm, ngọt ngào, sâu lắng đến vậy!
Chúng tôi ghé thăm gia đình cháu vào một ngày nghỉ cuối tuần, trời mưa nhỏ, se lạnh nên trừ chị lớn đi làm ca ở khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), còn lại mọi người đều có mặt ở nhà. Mỗi khi chúng tôi hỏi chuyện hoặc nhắc tới Vĩnh, anh Nguyễn Đức Tuấn (bố cháu) và chị Lê Thanh Nghĩa (mẹ cháu) đều rất vui và tự hào về đứa con trai vừa tài năng, hóm hỉnh lại có chí của mình. Chị Nghĩa xúc động kể: Trừ ông nội Vĩnh từng là người hát tuồng hay có tiếng trong vùng, còn lại gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng đều có “máu” văn nghệ. Vợ chồng em đều thích nghe hát quan họ, chèo, cải lương. Riêng Vĩnh lúc ba, bốn tuổi, cháu đã thích xem hát chèo, quan họ trên truyền hình nên đã thuộc lòng nhiều trích đoạn chèo và các bài chèo cổ, quan họ cổ. Cứ mỗi lần xem xong vở diễn nào, Vĩnh lại bắt chước hát, diễn lại một cách thuần thục mà không cần ai hướng dẫn, chỉ bảo. Đặc biệt, Vĩnh luôn thần tượng nghệ sĩ Thu Huyền và Thúy Ngần. Thỉnh thoảng cháu vẫn hay diễn lại những trích đoạn của hai nghệ sĩ này cho cả nhà xem. Ai cũng cười nghiêng cười ngả vì cháu diễn giống ơi là giống!
Sau buổi thi gây tiếng vang lớn trên sóng truyền hình, gia đình cháu Vĩnh liên tục nhận được điện thoại của người thân, bạn bè, bà con hàng xóm chúc mừng. Đài truyền hình VTV1, báo tin tức 24/24 giờ, báo Bắc Ninh... liên tục về gia đình phỏng vấn, ghi hình, viết tin. Đặc biệt Cô giáo Lợi dạy toán ở trường THCS Đại Phúc, Đại Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ngoài gửi quà bằng hiện vật còn đề nghị gia đình trong 3 tháng nghỉ hè cho cháu Vĩnh lên học bồi dưỡng thêm môn toán miễn phí. Bác Đán, Giám đốc của một công ty ở Hà Nội thưởng nóng cho cháu 1 triệu đồng. Một tin rất vui nữa là ngày 15, 16 tháng 11, nhóm đóng phim hài Quang Tèo, Quang Thắng, Giang Còi... thuộc Đài truyền hình Trung ương đã chính thức mời cháu tham gia đóng phim hài ở Vĩnh Phúc để phát sóng trong dịp Tết tới. Nhắc đến điều này, anh Nguyễn Đức Tuấn, bố cháu tuy vẫn còn đang mệt nhưng không giấu nổi niềm vui xen lẫn tự hào. Anh bộc bạch: Nhận được lời mời này gia đình chúng tôi ai cũng mừng lắm các bác ạ!
Khi nghe chúng tôi hỏi Vĩnh được vào vòng 2 nhưng lại tổ chức ở miền Nam, vậy việc bảo đảm kinh phí cho cháu đi lại, ăn ở như thế nào? Gia đình đã lường trước những vấn đề này chưa?... Chị Lê Thanh Nghĩa, mẹ cháu thành thực: Chính gia đình chúng em sau khi được tin cháu vào vòng trong, mọi người ai cũng mừng, nhưng sau đó lại lo. Về chuyên môn, cháu đủ khả năng, nhưng khó khăn nhất vẫn là bảo đảm kinh phí. Bởi lẽ, để lọt vào vòng hai, cháu Vĩnh đã phải trải qua vòng sơ tuyển toàn miền Bắc đến 3 lần, chi phí mà gia đình dành cho cháu từ mua sắm quần áo, trang cụ, thuê ghép nhạc, đến việc đi lại ăn ở sinh hoạt... cũng đến hàng chục triệu đồng, chưa tính đến mẹ, chị phải bỏ việc trong nhiều ngày để phục vụ cháu đi thi. Vậy vào vòng 2, hoặc giả sử nếu may mắn được vào tiếp các vòng sâu nữa không biết gia đình có đủ sức bảo đảm cho cháu theo được nữa không?!... Nói đến đây chị Nghĩa bỗng trầm ngâm, thoáng chút buồn.
Nguyễn Đức Vĩnh thực sự là một tài năng, nói trước điều này e hơi sớm, Nhưng thiết nghĩ với năng khiếu bẩm sinh hiếm có cộng với lòng đam mê nghệ thuật truyền thống đến cháy bỏng ruột gan của cháu như mỗi chúng ta đã chứng kiến, nếu được đầu tư đào tạo bồi dưỡng từ sớm, có bài bản, hệ thống... nhất định Vĩnh sẽ trở thành một nghệ sĩ có chỗ đứng trong làng sân khấu Việt Nam tương lai.
Bài và ảnh: Nguyễn Tự Lập