"Ký ức" hóa hiện thực qua từng khung hình.
Giữa lòng TP Hồ Chí Minh năng động và không ngừng phát triển, có một nhóm người vẫn lặng lẽ đi tìm và gìn giữ những giá trị hoài niệm. Họ là thành viên của "Sài Gòn cõi nhớ photo", một dự án ảnh phi chính trị, phi thương mại đã được ấp ủ suốt 8 năm qua.
Với họ, nói đến Sài Gòn là nhắc đến nỗi nhớ và những nét đẹp không thể phai mờ. Mục tiêu của nhóm không phải là hối tiếc quá khứ mà là để kể câu chuyện về một Sài Gòn rất riêng. Giữ lại những nét tinh túy nhất qua từng khung hình.
Nơi hội tụ của những tâm hồn đồng điệu
Nhóm quy tụ những con người có cùng chung một tình yêu lớn dành cho Sài Gòn, văn hóa và nghệ thuật. Dưới sự dẫn dắt của trưởng nhóm Trần Khắc Dũng, "Sài Gòn cõi nhớ photo" đã trở thành mái nhà chung của khoảng 50 thành viên hoạt động thường xuyên.
Họ đến từ nhiều lứa tuổi, ngành nghề và vùng miền khác nhau, từ những cán bộ về hưu, bác sĩ, doanh nhân, Việt kiều cho đến các bạn sinh viên trẻ tuổi. Thậm chí, có cả những thành viên từ Hà Nội hay nước ngoài cũng tham gia vì trót yêu mến mảnh đất này.
Ông Trần Khắc Dũng, nhóm trưởng "Sài Gòn cõi nhớ photo".
Concept tái hiện lại phòng trà Sài Gòn xưa được nhóm tổ chức vào ngày cuối tháng 6/2025.
Ông Trần Khắc Dũng, Trưởng nhóm "Sài Gòn cõi nhớ photo" cho biết, những thành viên tham gia là những người yêu Sài Gòn, yêu văn hóa, yêu nghệ thuật và luôn tôn trọng ý nghĩa mục tiêu của nhóm.
“Hoạt động chính của nhóm thường là tổ chức những buổi chụp ảnh tập thể rồi sáng tác ảnh cá nhân với chủ đề về Sài Gòn xưa và nay do những thành viên tự thực hiện. Như hôm nay cũng là một concept nhóm muốn tái hiện lại một phòng trà xưa, các thành viên chuẩn bị về trang phục của thập niên 60 và 70, rồi có ban nhạc, có ca sĩ, rồi tập trung những anh em đem những chiếc xe cổ cùng thập niên ra để mình tạo dựng, tái dựng lại một không gian đậm chất xưa.
Nhóm mong muốn chia sẻ những hình ảnh đẹp, những nét đẹp của người Sài Gòn cho cộng đồng và ở đâu đó cũng muốn cho những người chơi ảnh biết rằng để dựng lên một concept, để tái dựng lại những hình ảnh thì mình cần phải chuẩn bị như thế nào, sắp xếp như thế nào để nó ra những hình ảnh thật là Sài Gòn”, ông Dũng chia sẻ.
Họ có chung một niềm đam mê là muốn tái hiện và lưu giữ lại từng nét đẹp riêng về Sài Gòn xưa.
Chị Trần Ngọc Hoài Hương tái hiện hình ảnh quý cô Sài Gòn xưa trong tà áo dài thập niên 60 - 70, thể hiện qua từng cử chỉ thùy mị và nhẹ nhàng.
Là một cán bộ về hưu đã tham gia nhóm 5 năm, ông Trần Thanh An chia sẻ rằng khi về hưu, ông muốn tìm một nơi để cùng thực hiện đam mê. Tại đây, ông thấy mọi người đều có chung sở thích nhìn lại quá khứ, đặc biệt là các hoạt động văn hóa của Sài Gòn xưa.
Điều đặc biệt ở đây, những máy ảnh đều là những món đồ sưu tầm của các thành viên.
Họ tái hiện lại những gì tưởng chừng đã lu mờ qua thời gian một cách tự nhiên như trở về quá khứ.
Ông An bày tỏ: “Nét đẹp về Sài Gòn xưa thì nó rất là đa dạng, nhìn ở góc độ nào thì nó cũng đẹp. Khi mà xã hội càng phát triển, khi mà nền kinh tế thị trường nó lan tỏa trong mỗi con người, tâm hồn con người sẽ chạy theo thực tế là kinh tế thị trường và kinh tế hàng hóa. Nhưng mỗi còn người đều lưu giữ lại cho mình một nét đẹp nhất về văn hóa, tinh thần… Chúng tôi tự hào rằng, chúng tôi cũng góp phần nào đó dựng lại những nét văn hóa của Sài Gòn xưa, để thể hiện được cái nét văn minh lịch sự nhất đa dạng nhất của người Sài Gòn ở bất kỳ thời điểm nào”.
Vẻ đẹp của phụ nữ Sài Gòn xưa không chỉ nằm ở trang phục mà ở cả thần thái, sự thùy mị và từng cử chỉ được chăm chút.
Chị Trần Ngọc Hoài Hương là một thành viên trẻ tuổi (9x) trong nhóm cho biết, chị đến đây đơn giản là vì tình yêu áo dài, yêu những nét đẹp xưa, cùng với đam mê được truyền lại từ người ba thích sưu tầm đồ cổ và mê nhiếp ảnh. Họ đến với nhau đơn giản vì có cùng sở thích về Sài Gòn xưa và nghệ thuật.
“Sài Gòn xưa có một cái nét gì đó mà khi người ta nhìn vào là sẽ bị thu hút. Thu hút bởi cái dáng dấp, thu hút bởi cái quần áo trang phục, người ta rất là chỉnh chu. Mọi người ở đây mới tái hiện lại nhiều thứ lắm, có thể là tái hiện lại một góc trên đường Nguyễn Huệ, một góc tại một nhà hàng Pháp lâu đời hay thậm chỉ ở nhà Hương cũng vậy, ba Hương sưu tầm đồ cổ khắp cả nhà, nhìn như một studio vậy”, chị Hương chia sẻ thêm.
Một tác phẩm cô gái Sài Gòn xưa che dù đứng dưới mưa, do ông Dũng chụp chính con gái của mình là Trần Ngọc Hoài Hương.
Tái hiện “ký ức” - kỳ công và đam mê
Hoạt động chính của nhóm là tổ chức các buổi chụp ảnh tập thể và sáng tác cá nhân với chủ đề Sài Gòn xưa và nay. Mỗi buổi chụp hình là một "concept" được đầu tư kỹ lưỡng, từ việc tái hiện một góc phố Nguyễn Huệ, một nhà hàng Pháp cổ kính, cho đến không gian một phòng trà ca nhạc của những thập niên trước...
Để làm được điều đó, sự chuẩn bị vô cùng công phu từ không gian đến bối cảnh. Gần đây nhất, nhóm đã tái hiện không gian phòng trà xưa tại quán cà phê Lúa của ông Huỳnh Minh Hiệp, một người cũng đam mê sưu tầm cổ vật. Ông Hiệp đã tìm tòi từ hình ảnh thực tế để dựng lại không khí của những phòng trà nức tiếng một thời như Queen Bee, Tự Do, Ritz, Maxim's. Concept này là sự phối hợp giữa ông và nhạc sĩ Quốc Thịnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, một thành viên tham gia nhóm hơn 8 năm cho biết: “Các thành viên phải nghiên cứu kỹ lưỡng để trang phục đúng với tinh thần của thập niên 60 và 70. Đó là những tà áo dài chít eo hay áo dài buông, đi cùng túi xách, kính, dép, guốc và kiểu tóc phù hợp. Nhiều người trong nhóm cũng là những nhà sưu tập xe cổ, đồng hồ, máy ảnh sẵn sàng mang những ‘báu vật’ của mình đến để tạo nên những khung hình chân thực nhất”.
Một concept được nhóm tái hiện lại phong trào đầy màu sắc của giới trẻ Sài Gòn đầu thập niên 70.
Điều nhóm muốn bắt lại không chỉ là hình thức mà còn là cái hồn, cái cốt cách của người Sài Gòn. Họ tin rằng Sài Gòn xưa có một nét thu hút đặc biệt ở sự chỉn chu trong trang phục và dáng vẻ. Đặc biệt, ánh mắt, vẻ đẹp thùy mị nhẹ nhàng trong từng cử chỉ đi đứng của người phụ nữ Sài Gòn là một nguồn cảm hứng lớn.
“Cái năng lượng của người Sài Gòn nhất là người phụ nữ Sài Gòn rất là đẹp, rất là thùy mị, rất là nhẹ nhàng… nói chung là khi đi đứng, từng cử chỉ người ta đều chú ý. Những người phụ nữ hiện đại cũng có nhiều nét rất hay, nhưng khi kết hợp được nét đẹp xưa và nay thì người phụ nữ luôn luôn đẹp, đẹp theo một cách rất khác biệt”, chị Hoài Hương tươi cười chia sẻ.
Một đám cưới thật cũng được cô dâu chú rễ cùng nhóm chuẩn bị công phu, hiện thực lại một đám cưới Nam Bộ.
Mục đích cuối cùng của "Sài Gòn cõi nhớ photo" là để kết nối những người cùng đam mê và lan tỏa những hình ảnh đẹp của Sài Gòn đến với cộng đồng. Ông Trần Thanh An tự hào rằng nhóm đã góp phần dựng lại nét văn minh, lịch sự của văn hóa Sài Gòn xưa. Những "món ăn văn hóa tinh thần" này được tạo ra từ những cuộc bàn bạc của những người cùng đam mê.
Những hình ảnh, nét đẹp Sài Gòn xưa được nhóm hóa hiện lại qua từng khung hình.
Và nỗ lực của họ đã được đền đáp. Hình ảnh của nhóm được rất nhiều diễn đàn đăng tải và được sử dụng tại các nhà hàng, quán cà phê trong thành phố, thậm chí lan tỏa ra cả nước ngoài. Qua từng bức ảnh, họ không chỉ chụp lại hình ảnh, mà còn lưu giữ một phần ký ức, một nét văn hóa đẹp để thế hệ sau này có thể chiêm ngưỡng. Với họ, dù xã hội có phát triển theo kinh tế thị trường, việc lưu giữ lại nét đẹp văn hóa tinh thần là điều vô cùng quý giá.