Lễ hội năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và hai huyện Hòn Đất, Giang Thành của Kiên Giang.
Bước vào tranh tài, 2 đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức đấu loại trực tiếp với một vòng đua quanh sân (nửa vòng hô và nửa vòng thả) để chọn đôi bò chiến thắng vào vòng tiếp theo. Đôi bò thắng cuộc cuối cùng là đôi bò giành chức vô định.
Kết quả, đôi bò mang số đeo 09 của ông Nguyễn Thành Tài, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn đã xuất sắc giành giải Nhất; giải Nhì thuộc về đôi bò mang số đeo 40 của ông Ngô Văn Cước, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên và giải Ba thuộc về đôi bò mang số đeo 24 của ông Chau Chanh Ra, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao trao 4 giải Khuyến khích cho 4 đôi bò lọt vào vòng Tứ kết; ông Nguyễn Thành Tài (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) xuất sắc đoạt giải Người điều khiển bò xuất sắc nhất giải.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết: Từ xa xưa, người Khmer An Giang đã sống theo phum sóc, hầu hết đều làm ruộng, rẫy và dùng bò để cày kéo, nên bò được người dân chăm sóc rất cẩn thận. Vào mùa làm ruộng, đàn ông Khmer mang bò cày bừa tơi đất ruộng để phụ nữ cấy mạ, rồi dần đổi công cho nhau. Trong khi làm việc, nông dân rủ nhau đua bò, đôi bò thắng cuộc thường được tặng thưởng.
Từ đó, đua bò trở thành tập quán của người Khmer Bảy Núi - An Giang vào mỗi dịp lễ Sene Dolta hàng năm và trở thành lễ hội truyền thống, đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi - An Giang.
Theo ông Nguyễn Khánh Hiệp, Hội đua bò Bảy Núi - An Giang được tổ chức luân phiên hàng năm tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đúng vào dịp Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer, đã trở thành một hoạt động văn hóa - thể thao vô cùng bổ ích và lý thú không chỉ đối với đồng bào Khmer vùng Bảy Núi mà còn với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.