Rối cạn đang “nổi”

Bên cạnh nghệ thuật rối nước, rối cạn cũng đang ngày càng khẳng định vị trí của mình với nhiều tác phẩm chất lượng đạt giải thưởng tại các kỳ liên hoan quốc tế. Hiện tượng “cháy vé”trong mỗi đêm diễn tại các nhà hát múa rối cũng đã phần nào cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của nghệ thuật múa rối nói chung và loại hình rối cạn nói riêng.


Khởi sắc


“Khác với rối nước có thế mạnh là loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc và chỉ có duy nhất ở Việt Nam, rối cạn luôn có rất nhiều “đối thủ” vì loại hình này phát triển rất mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng với những thành công, giải thưởng đã đạt được trong thời gian gần đây, có thể khẳng định rối cạn của Việt Nam đang tiến bộ rất nhanh, phát triển vững vàng khi ngày càng có chiều sâu, thể hiện sự sáng tạo, có kết hợp các yếu tố mới lạ nhưng không hề mất đi bản sắc của dân tộc”, NSƯT Đặng Thu Dung, Trưởng đoàn biểu diễn II, Nhà hát múa rối Trung ương khẳng định.

 

Rối cạn đang ngày càng khẳng định mình.


Cũng theo NSƯT Đặng Thu Dung, rối cạn của Việt Nam còn có lợi thế rất lớn, đó là các nghệ sĩ có thể đưa thêm các tích, trò từ rối nước sang, điều này sẽ tạo ra được nét riêng mà không quốc gia nào có được khi tham gia các liên hoan trong khu vực và quốc tế. Ngay sức ép có nhiều đối thủ cũng là một động lực để rối cạn nỗ lực hơn trong việc tạo nét hấp dẫn riêng trong quá trình xây dựng tiết mục.


Theo nhiều chuyên gia sân khấu, gần đây, sự vươn lên mạnh mẽ của loại hình rối cạn đã thể hiện rõ nét qua nhiều vở diễn đặc sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả như: “Đức Thánh Trần”, “Truyện cổ Andecxen”, “Những giấc mơ bí ẩn của Tễu và Kangaroo”, nghệ sĩ Xuân Long (Nhà hát múa rối Thăng Long) cũng có chương trình độc diễn “Vũ điệu La tinh” thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả các nước phương Tây… Đặc biệt, rối cạn đã bội thu giải thưởng ở Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ III năm 2012 khi Việt Nam đã giành 2 giải vàng với 2 tiết mục rối cạn “Giai điệu ký ức” (Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng) và “Linh thiêng hai tiếng đồng bào” (Nhà hát múa rối Thăng Long). Ngoài ra, còn có 3 tác phẩm rối cạn giành giải bạc như: “Alađanh và cây đèn thần”, “Không gian trắng” (Nhà hát múa rối Trung ương) và “Nét hồng lam” (Đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh).


Đánh giá về những thành tích của loại hình rối cạn thời gian gần đây, NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long khẳng định: “Loại hình rối cạn của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rất tốt. Trong các kỳ liên hoan múa rối khu vực và quốc tế thời gian gần đây, các tiết mục rối cạn của Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng cũng như giành nhiều giải thưởng lớn. Các tiết mục gần đây không chỉ có nội dung tốt, sáng tạo, khi các nghệ sĩ biết đan xen các yếu tố truyền thống - hiện đại vào vở diễn, mà còn thể hiện được sự hòa nhập quốc tế khi đi tham dự các liên hoan, thể hiện được sức bật khi được “cọ xát” với nền múa rối của các nước”.


Theo NSƯT Đặng Thu Dung, sự vươn lên của loại hình rối cạn còn thể hiện rõ ở lượng khán giả đông đảo trong thời gian gần đây, nhất là khán giả nhí. Sân khấu rối cạn của Nhà hát múa rối Trung ương thường xuyên “cháy vé” mỗi đêm diễn. Nhà hát múa rối Trung ương cũng thành lập riêng 3 đoàn diễn rối cạn với những cái tên ngộ nghĩnh như: Chú ếch xanh, Con cua vàng và Quả táo đỏ, để các khán giả nhí khi đến xem múa rối sẽ được vui chơi và thưởng thức nghệ thuật trong thế giới của những chú rối.


Nỗ lực vượt khó


Hiện nay, dù thể hiện rõ sức bật nhưng rối cạn vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn để phát triển. Theo NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn, để có một sân khấu riêng cho rối cạn, vừa qua Nhà hát múa rối Thăng Long đã được Sở VHTTDL Hà Nội “ưu ái” cho phép sử dụng nửa sau của rạp Kim Môn làm sân khấu biểu diễn, nhưng do khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên nhà hát vẫn chưa thể tiến hành khai trương như dự kiến. Bởi vậy, đến nay Nhà hát múa rối Thăng Long vẫn phải thuê địa điểm để biểu diễn cũng như tập luyện các tiết mục rối cạn.


Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, các chuyên gia sân khấu cũng cho biết, việc đào tạo diễn viên múa rối cho rối cạn theo hình thức “vay mượn” hiện nay cũng là một “vướng mắc” khó tháo gỡ. Theo đòi hỏi của loại hình nghệ thuật này, việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ cho múa rối cạn thường là tuyển nghệ sĩ từ các bộ môn chèo, kịch nói, ca nhạc..., rồi sau đó mới đào tạo thêm về nghiệp vụ múa rối cạn. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc rối cạn khó tuyển dụng những diễn viên có “tầm” ngay từ ban đầu.


Dẫu còn không ít khó khăn trong công tác đào tạo diễn viên nhưng NSƯT Đặng Thu Dung vẫn hồ hởi cho biết, hiện tại, Nhà hát múa rối Trung ương cũng đã đào tạo được nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Điều đó thể hiện rõ ở sự năng động, say mê tìm tòi, sáng tạo ra những vở diễn, cách diễn mới có chất lượng tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế.


Tạ Nguyên

Múa rối nước Việt Nam xiêu lòng khán giả Nhật Bản
Múa rối nước Việt Nam xiêu lòng khán giả Nhật Bản

Những làn điệu dân ca Bắc bộ, âm nhạc truyền thống và những con rối sống động, rực rỡ sắc màu đã khiến nhiều khán giả Nhật Bản đi từ chỗ ngạc nhiên, tò mò đến thích thú loại hình nghệ thuật hết sức độc đáo của người Việt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN