“Quả táo cắn dở” và tham vọng với âm nhạc

Việc “ông lớn” công nghệ Apple cho ra mắt dịch vụ nghe nhạc trực tuyến mới Apple Music với chỉ 9,99 USD/tháng là người dùng có thể tiếp cận với kho 30 triệu bài hát cho thấy khát vọng mới của “quả táo cắn dở” với thị trường âm nhạc tiềm năng vô tận.

Trong những năm nửa cuối thế kỷ 20, người yêu âm nhạc mong muốn được sở hữu sản phẩm mới nhất của nghệ sĩ yêu thích thường phải chấp nhận cất công làm một chuyến đến các cửa hàng đĩa nhạc ở địa phương để lùng mua đĩa CD. Tuy nhiên, với việc công nghệ phát triển bùng nổ bắt đầu từ những năm 1990, một thế hệ mới đã lớn lên cùng việc vô tư tải những bản nhạc số một cách trái phép.


Apple Music là bước đi mới của “Quả táo cắn dở” nhằm thâm nhập vào thị trường âm nhạc.



Theo Liên đoàn Công nghiệp Thu âm Quốc tế (IFPI), năm 1999 ngành công nghiệp thu âm đạt doanh thu 26,6 tỉ USD, phần lớn trong đó nhờ doanh số bán đĩa CD. Nhưng khi việc vi phạm bản quyền bắt đầu gia tăng thì doanh thu này tuột xuống mức chỉ còn gần 20 tỉ USD trong năm 2007 và 15 tỉ USD năm 2014. 

Khi Apple cho ra đời cửa hàng âm nhạc iTunes vào năm 2003, người yêu âm nhạc đã có thể thoải mái tải các bài hát, bản nhạc một cách hợp pháp và dễ dàng. Tuy nhiên với nhu cầu lớn mạnh không ngừng, nhiều người đã quyết định chuyển đến những dịch vụ mới như Spotify. 

Spotify cho phép người sử dụng thưởng thức hàng triệu bài hát miễn phí nhưng sẽ bị quảng cáo chen ngang, tuy nhiên người sử dụng có thể lựa chọn trả phí 9,99 USD/tháng để không bị quảng cáo làm phiền. Hiện Spotify có 75 triệu người sử dụng, trong số đó là 20 triệu người đăng ký bản trả phí.

Nhận ra rằng thời thế đang thay đổi, Apple cũng nhanh chóng gia nhập trào lưu với việc khởi động Apple Music. Khác với iTune, người dùng Apple Music sẽ trả phí cố định hàng tháng để nghe các bài hát trong kho nhạc khổng lồ trên iCloud (dịch vụ điện toán đám mây của Apple) thay cho việc tải và lưu trữ trong thiết bị điện tử của họ.

Andrew Sheehy, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Generator Research, nhận định mục đích chính của Apple là nhằm “thả mồi” để người dùng có thêm lý do mua các thiết bị điện tử khác của hãng. Người yêu âm nhạc có thể truy cập Apple Music qua iPhone, iPad hệ điều hành iOS 8.4 cũng như máy tính Mac. Ngoài ra, Apple TV và Apple Watch cũng sẽ sớm đón nhận Apple Music.

Tim Ingham, biên tập trang web Music Business Worldwide, nhận định Apple đang nhắm đến mục tiêu có ít nhất 100 triệu người đăng ký sử dụng sau 3 tháng dùng thử đầu tiên.

CEO của Apple, Tim Cook, vào ngày 21/7 cho biết đã có hàng triệu người sử dụng Apple Music từ khi dịch vụ nghe nhạc trực tuyến mới này được khởi động tại hơn 100 quốc gia từ ngày 30/6. Ông Sheehy đã dự đoán rằng gần 25% người sử dụng Apple Music sẽ chấp nhận trả phí sau khi thời gian 3 tháng dùng thử kết thúc. 

Tuy nhiên, ở giai đoạn rậm rịch chuẩn bị ra mắt, Apple Music đã vướng vào rắc rối khi ca sĩ trẻ nổi tiếng Taylor Swift viết “tâm thư” yêu cầu Apple Music trả phí cho các ca sĩ, nhạc sĩ trong khoảng thời gian 3 tháng dịch vụ này miễn phí cho người nghe thử nghiệm. Truyền thông lập tức ào tới đưa tin về câu chuyện và Apple Music đã nhượng bộ, chấp nhận trả tiền phí bản quyền trong 3 tháng cho người nghe miễn phí.

Hiện nay, bên cạnh người yêu âm nhạc, các nghệ sĩ cũng đặc biệt quan tâm đến Apple Music. Theo Tim Cook, đã có hơn 15.000 nghệ sĩ đăng ký thành lập tài khoản trong Connect, tính năng kết nối giữa nghệ sĩ và người nghe trên Apple Music. Đơn cử như rapper danh tiếng Drake đã ra mắt video âm nhạc mới của anh trên dịch vụ này. 

Apple cũng có nhiều “kế sách” trong kinh doanh, vì vậy công ty sẽ dựa vào quyền năng trong thị trường âm nhạc để thuyết phục một vài ngôi sao lớn cung cấp những nội dung độc quyền cho Apple Music và người tiên phong hiện nay chính là Pharrell Williams. Bài hát mới nhất của ca sĩ kiêm nhạc sĩ tài năng này có tên “Freedom” (tự do) đã xuất hiện độc quyền trong Apple Music. Tương tự như vậy, Taylor Swift cũng đã gật đầu đồng ý để âm nhạc của cô xuất hiện trên Apple Music. Trước đó, vào năm 2014, Taylor Swift đã rất cương quyết khi rút album "1989" khỏi Spotify với lý do việc xuất hiện trên trang này sẽ làm giảm doanh số của việc bán đĩa nhạc.

Được củng cố bởi năng lực quảng bá khổng lồ, Apple có thể quảng cáo thêm nhiều dịch vụ mới, vậy đây có thể là hồi kết của Spotify? Thực ra không hẳn như vậy. Ông Ingham tin rằng Spotify có thể là sự lựa chọn số 2 phù hợp sau Apple. Spotify cũng tự tin rằng dịch vụ này vẫn có thể tồn tại. 

Một số nghệ sĩ khác, như người bạn thân của Taylor Swift là ca sĩ, nhạc sĩ người Anh Ed Sheeran, lại hài lòng khi được gắn bó với Spotify bởi họ tin rằng việc xuất hiện nhiều trên dịch vụ này tạo điều kiện quảng bá âm nhạc tới người nghe và sẽ giúp tăng doanh số bán vé các buổi hòa nhạc của họ. Đối với nhiều nghệ sĩ tại Anh, doanh thu từ các buổi lưu diễn thường lớn hơn nhiều so với việc bán đĩa nhạc.

Hà Linh ((Tổng hợp) )
Doanh thu Apple tăng “khủng” với iPhone 6
Doanh thu Apple tăng “khủng” với iPhone 6

Lợi nhuận kinh doanh trong quý II của Apple tăng vọt, chủ yếu nhờ doanh số của dòng sản phẩm iPhone mới nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN