Ngày 11/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực phía Bắc.
Đủ các loại sách được bày bán tràn lan trên hè phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá bìa. Ảnh: Minh Tú/TTXVN |
Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2018, đồng thời các Nghị định số 100/2006/NĐ-CP và Nghị định số 85/2011/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định gồm 6 chương, 51 điều: những quy định chung (5 điều); quyền tác giả (23 điều); quyền liên quan (5 điều); đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (8 điều); tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan (7 điều); điều khoản thi hành (3 điều).
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Nguyên Hùng cho rằng: Việc thực thi, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan tới quyền tác giả, quyền liên quan trên thực tế không hề đơn giản, thậm chí có những vụ việc rất phức tạp. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có nhiều điểm mới do vậy đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm tới khoản 4, Điều 5 của Nghị định (quy định về trách nhiệm và quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương), trên cơ sở đó tham mưu cho UBND cấp tỉnh triển khai Nghị định tại địa phương. Các địa phương phải có kế hoạch, chương trình hành động và báo cáo hàng năm gửi về Cục. Cục Bản quyền tác giả sẽ có báo cáo, văn bản đôn đốc để tránh trường hợp đề án, chiến lược được ban hành nhưng không được triển khai hoặc triển khai thiếu hiệu quả.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Bộ có liên quan đến lĩnh vực bản quyền trong việc phối kết hợp với địa phương trong thực hiện các văn bản pháp luật; xử lý các hành vi vi phạm...
Nghị định số 22/2018/NĐ-CP áp dụng đối với các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan; cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nghị định có sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó có quy định việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký là 15 ngày làm việc. Trường hợp cấp đổi được rút ngắn còn 12 ngày; cấp lại, rút ngắn còn 7 ngày. Bên cạnh đó, Nghị định mới bỏ quy định đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao). Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký sẽ được nộp tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng). Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
Nghị định mới bổ sung quy định về biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; quy định về khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình; quy định về thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; quy định thực hiện chế độ báo cáo; sửa đổi quy định về tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan phù hợp theo hướng quy định về loại hình của tổ chức, không quy định về điều kiện hoạt động; bổ sung quy định về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan...