Phục dựng di sản thành đồ lưu niệm du lịch độc đáo

Yêu mến giá trị văn hóa truyền thống của tháp gốm men chùa Trò và tháp Bình Sơn, nghệ nhân Kiều Đức Thưởng đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, sản xuất và phục dựng lại 2 di sản này thành sản phẩm lưu niệm du lịch độc đáo. Ngoài giá trị kinh tế, các sản phẩm góp phần quảng bá nét đẹp, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của quê hương đến người dân và du khách khi đến Vĩnh Phúc.

Chú thích ảnh
Tháp gốm men Chùa Trò (được phục dựng tỷ lệ 1:1) thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: vinhphuctv.vn

Kế thừa, tích lũy kinh nghiệm

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề tại làng nghề mộc Thủ Độ, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, anh Kiểu Đức Thưởng sớm được làm quen với gỗ và những nét đục chạm truyền thống.

Kế thừa những giá trị làng nghề truyền thống của ông cha, anh Thưởng đã tích cực học hỏi và tích lũy kinh nghiệm để làm nghề. Để chinh phục những khách hàng khó tính nhất anh Thưởng đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Sản xuất Hải Âu, khởi đầu sự nghiệp bằng việc sản xuất đồ gỗ nội thất và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bán cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

Với trăn trở phải làm sao để làng nghề của quê hương ngày càng phát triển mà vẫn giữ được nét truyền thống, đặc biệt là những sản phẩm tinh xảo, có yếu tố thẩm mỹ cao, mang tính chất phục dựng và tái hiện lại những di sản, cổ vật quý tiêu biểu cho vùng đất, con người Vĩnh Phúc, anh Thưởng và những người thợ giỏi trong làng nghề mộc Thủ Độ đã dày công nghiên cứu, thiết kế, phục dựng và sản xuất đầy đủ các chi tiết của tháp gốm men chùa Trò và tháp Bình Sơn thành những sản phẩm mỹ nghệ quà tặng lưu niệm đặc trưng của tỉnh.

Tháp gốm men chùa Trò của tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia, có niên đại thời Trần (thế kỷ XIV), là tác phẩm độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và khoa học trong kho tàng di sản văn hóa nước ta. Tháp được làm bằng gốm, có dạng một khối hộp hình vuông, thu nhỏ dần về phía đỉnh, bốn mặt đều có cửa hình tò vò. Men phủ gồm 3 màu xanh ngọc, trắng và nâu. Tháp có 468 tượng phật ngồi thiền ở 3 tư thế hiện tại, quá khứ và vị lai bố trí từ trên xuống dưới, mang đặc trưng của Phật giáo Thiền tông.

Tháp Bình Sơn còn gọi là tháp chùa Vĩnh Khánh hay tháp Then được xây dựng từ thời Trần, nằm ở trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (chùa Then) thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Toàn bộ tháp được xây bằng gạch nung không tráng men. Hiện nay chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ, tất cả cao 16,5 m. Tháp Bình Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015.

Kết hợp nghệ thuật truyền thống với hiện đại

Chia sẻ về quá trình phục dựng lại 2 di sản của Vĩnh Phúc, anh Thưởng bộc bạch: Điều khó khăn nhất là làm sao đưa Bảo vật Quốc gia tháp gốm men chùa Trò và tháp Bình Sơn đến gần hơn với đời sống hiện đại, để người dân đón nhận như một sản phẩm quà tặng. Đó vừa là cách để bảo tồn vừa quảng bá bảo vật và di tích quốc gia này.

Anh Thưởng cho biết sau nhiều năm nghiên cứu các tài liệu liên quan đến di sản, chi tiết về cấu trúc, kỹ thuật chế tác của các tháp cổ, anh Thưởng đã tận dụng kiến thức và kinh nghiệm trong nghề mộc và kết hợp với một số nghệ nhân làm gốm truyền thống để tái tạo lại các chi tiết tinh xảo trên tháp gốm men chùa Trò và tháp Bình Sơn. Anh Thưởng tập hợp những người thợ lành nghề của làng mộc Thủ Độ, sử dụng máy quét 3D để hỗ trợ việc thiết kế và sản xuất, phục dựng lại đầy đủ các chi tiết của tháp gốm men chùa Trò.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Kiều Đức Thưởng (bên trái) giới thiệu các sản phẩm du lịch lấy ý tưởng từ bảo vật quốc gia. Ảnh: vinhphuctv.vn

Chỉ tay vào đoạn gỗ đang nằm trên mặt đất, anh Thưởng chia sẻ: Việc phục dựng một bảo vật quốc gia không chỉ đòi hỏi kỹ năng thủ công cao mà còn yêu cầu sự cẩn trọng và tôn trọng đối với di sản văn hóa. Những sản phẩm quà tặng lưu niệm này không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là biểu tượng văn hóa, giúp gắn kết quá khứ với hiện tại.

Sau rất nhiều tìm tòi, thử nghiệm, đến nay, các bản sao tháp gốm men chùa Trò và tháp Bình Sơn với nhiều kích cỡ và nguyên liệu khác nhau đã được anh Thưởng sản xuất và phục dựng thành công bằng nguyên liệu gỗ như mít, sưa, xoan đào, được phủ sơn và dát vàng truyền thống. Hiện nay, các sản phẩm đã được tỉnh Vĩnh Phúc trưng bày tại nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và làm quà tặng các đoàn khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại tỉnh.

Anh Thưởng tâm đắc, việc phục dựng thành công bảo vật quốc gia tháp men gốm chùa Trò và tháp Bình Sơn với tỷ lệ 1:1 không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với kỹ thuật hiện đại để tạo nên những sản phẩm đầy tự hào cho quê hương Vĩnh Phúc. Đặc biệt là cả hai sản phẩm đã được cấp chứng nhận là Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 và khu vực phía Bắc năm 2024. Sản phẩm cũng đã được cấp chứng nhận là Bảo vật Tinh hoa Làng nghề Việt Nam năm 2024 đầu tiên tại Vĩnh Phúc. Đây không chỉ là sự ghi nhận về mặt chất lượng mà còn khẳng định tầm ảnh hưởng của sản phẩm trong phát triển văn hóa và du lịch địa phương.

Với những đóng góp của mình, anh Thưởng đã vinh dự được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng Bằng khen thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao tặng bằng khen nhiều năm liền. Bên cạnh đó, các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Sản xuất Hải Âu do anh làm Giám đốc được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trao chứng nhận thương hiệu nổi tiếng Vùng duyên hải Đồng bằng Bắc Bộ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trao cúp vàng AgroViet...

Nguyễn Thảo (TTXVN)
Tìm hướng phục dựng, phát huy giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư
Tìm hướng phục dựng, phát huy giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư

Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm dưới 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý; có vị trí, vị thế đặc biệt trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc. Những năm qua, tỉnh Ninh Bình tập trung hành động, hướng tới phục dựng, phỏng dựng, bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của Cố đô Hoa Lư, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN