Kinh thành Hoa Lư - di sản mang giá trị xuyên thế kỷ
Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là nơi địa linh nhân kiệt, cách đây hơn 1.000 năm, Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, định đô ở Hoa Lư, lấy niên hiệu Thái Bình, khai sinh ra nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta vào thế kỷ X.
Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế và của tỉnh Ninh Bình đều nhận định: Kinh đô Hoa Lư qua 42 năm tồn tại đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của quốc gia và để lại một di sản rất phong phú về giá trị lịch sử trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Đó là một thành tựu lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước, một cột mốc rất quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta ở thế kỷ X.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, Kinh thành Hoa Lư - một di sản mang giá trị xuyên thế kỷ. Ông dẫn giải: Các di tích khảo cổ thế kỷ X không nhiều. Cho đến nay, di tích quan trọng nhất và được nghiên cứu nhiều nhất của thời kỳ này chính là Khu di tích Cố đô Hoa Lư ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành một số đợt nghiên cứu tương đối quy mô Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư giúp đem lại nhiều tư liệu mới, cho phép nhìn nhận một cách cụ thể hơn giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam thời Đinh - Tiền Lê trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Các cuộc điều tra khảo cổ học cho thấy thành Hoa Lư có quy mô lớn, được xây dựng trên cơ sở nối liền nhiều quả núi thiên nhiên bằng các đoạn tường thành. Việc đắp thành gồm nhiều vòng thành nương theo địa thế tự nhiên ở Hoa Lư đã mang truyền thống đắp thành của người Việt từ thời An Dương Vương, thể hiện rõ tinh thần tự chủ, tự cường mạnh mẽ ở mức rất cao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ nền độc lập của vương triều Đinh và nhân dân Đại Cồ Việt…
Phát huy giá trị di sản bằng giải pháp khoa học và công nghệ
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn thông tin, những di sản đã mai một bởi tác động của thời gian, lịch sử. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải tập trung phục dựng, phỏng dựng, bảo tồn di sản văn hóa các kiến trúc, cảnh quan riêng có, giá trị văn hóa đặc sắc của Cố đô Hoa Lư gắn với giáo dục truyền thống, bảo tồn di sản.
Ông Đoàn Minh Huấn cho biết, để đảm bảo đồng bộ giữa giá trị vị thế, tinh thần của Cố đô Hoa Lư với những giá trị công trình, kiến trúc, bên cạnh giải pháp đã đề ra, Ninh Bình đã tổ chức tọa đàm khoa học "Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ". Từ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tỉnh Ninh Bình sẽ chủ động xây dựng, đề xuất nội dung phối hợp cụ thể trên cả 2 phương diện phục dựng và phỏng dựng Kinh đô Hoa Lư. Việc này nhằm tạo tiền đề để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch; giáo dục truyền thống, bồi tụ niềm tự hào di sản cho thế hệ trẻ; tạo động lực cho công tác bảo tồn được tốt hơn.
Theo đó, đối tượng nghiên cứu phục dựng, phỏng dựng gồm: Cung điện, Hoàng thành Hoa Lư, trường thành, di sản cảnh quan Hoa Lư, các kiến trúc nhà cửa, dinh thự, công quán, cầu cống, cảng thị của kinh thành (các kiến trúc trong Kinh thành Hoa Lư như "đài", "vọng", "quán", "lầu", "cầu"... phục vụ cho đời sống Hoàng cung Đinh - Tiền Lê - Lý; các "quân doanh", "cảng thị", "hàng quán" của đời sống quân thành và thị thành; phục dựng gắn với công viên hóa các làng nghề như gốm Bồ Bát); nghề thêu Văn Lâm, Sinh Dược; đá mỹ nghệ; nghệ thuật chèo, xẩm…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, Cố đô Hoa Lư là nơi lắng đọng những ký ức vàng son của vương triều nhà Đinh và Tiền Lê, là hình ảnh phản chiếu sinh động dấu ấn trung tâm quyền lực đầu tiên của Đại Việt trong lịch sử. Dấu tích Kinh đô Hoa Lư đã bị phá hủy từ lâu và sử sách không có nhiều ghi chép, mô tả nên hiểu biết về diện mạo, quy mô, cấu trúc và hình thái của kinh thành vô cùng khó khăn.
Những mong muốn về việc nghiên cứu phỏng dựng, phục dựng dù mang tính chất giả định về hình thái các công trình kiến trúc cung điện của Kinh đô Hoa Lư xưa càng trở nên vô cùng khó khăn, chưa có tính khả thi bởi do thiếu cơ sở dữ liệu khoa học của khảo cổ học và sử học. Vì vậy, nếu quyết tâm thực hiện mục tiêu quan trọng này trước hết cần phải có chiến lược đầu tư Dự án khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tổng thể khu di tích và tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản và tuân thủ nguyên tắc vừa khai quật, vừa bảo tồn di sản, vừa nghiên cứu so sánh giải mã giá trị di sản. Đồng thời, đầu tư dự án nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, xây dựng bảo tàng khảo cổ học tại chỗ nhằm đưa Cố đô Hoa Lư trở thành một bảo tàng sống về kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Việt trong lịch sử, trở thành điểm du lịch văn hóa mang tầm quốc gia và khu vực.