Tại cuộc họp thường kỳ tháng 8 tổ chức ngày 10/8, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đề nghị Ban Tổ chức phải tổ chức Lễ hội truyền thống mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn liền với Tuần Văn hóa Du lịch và tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa tốt hơn nữa hình ảnh của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhất là trong bối cảnh Hải Dương đang phối hợp với Quảng Ninh, Bắc Giang đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.
“Bên cạnh việc tận dụng thế mạnh lễ hội để quảng bá về văn hóa truyền thống, các cơ quan chức năng cần tập trung xúc tiến du lịch, thương mại; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân quảng bá tiềm năng, thế mạnh với các sản phẩm đặc thù của địa phương”, Chủ tịch Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.
Các cơ quan chức năng tập trung đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người dân về dự lễ hội. Cùng với đó, khi có lượng du khách lớn về thăm quan, chiêm bái, lực lượng chức năng cần đảm bảo phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra hiện tượng mê tín, dị đoan, chèo kéo, chèn ép khách.
Theo kế hoạch, Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 diễn ra từ ngày 24/9 đến ngày 4/10 (tức ngày 10 - 20/8 âm lịch) tại hai Khu Di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc) với nhiều nghi lễ truyền thống.
Lễ hội sẽ mở đầu bằng Lễ dâng hương và tế Cáo yết vào ngày 24/9 (tức 10/8 âm lịch) và kết thúc vào ngày 4/10 với Lễ rước bộ, Lễ tế và giỗ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Các hoạt động chính của Lễ hội sẽ tập trung từ ngày 30/9 đến 4/10 (tức 16 - 20/8 âm lịch).
Nét mới của Lễ hội năm nay là các hoạt động khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch và xúc tiến thương mại Hội Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Lễ tưởng niệm 723 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lễ khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 sẽ được tổ chức tối 30/9 thay vì buổi sáng như các lễ hội trước.
Thêm một điểm mới nữa là Tuần Văn hóa Du lịch sẽ được tổ chức ở trên đê sông Lục Đầu và thành hai phân khu gồm: Sân khấu để biểu diễn nghệ thuật và khoảng 60 gian hàng trưng bày các sản phẩm du lịch, nông sản đặc trưng, sản của các địa phương, hiệp hội, làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương cùng một số tỉnh bạn. Bên cạnh đó, các phân khu sẽ thiết kế các tiểu cảnh nghệ thuật thể hiện các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Hải Dương.
Vào 23 giờ ngày 30/9, Lễ khai ấn và ban ấn tại đền Kiếp Bạc sẽ được tổ chức. Lễ hội quân trên sông Lục Đầu diễn ra sáng 1/10; Liên hoan diễn xướng hầu Thánh được tổ chức tối cùng ngày tại Khu Di tích Kiếp Bạc.
Vào sáng 30/9, Lễ rước, Lễ dâng hương tưởng niệm 581 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán diễn ra tại Khu Di tích Côn Sơn. Tối 2/10 là lễ Cầu an và Hội Hoa đăng trên sông Lục Đầu.
Trong khuôn khổ Lễ hội, Ban Tổ chức sẽ tổ chức trình diễn nghệ thuật múa rối nước tại hồ Kiếp Bạc; các hoạt động văn nghệ, thể thao tại hai Khu Di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc.
Để chuẩn bị cho Lễ hội, Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã sẵn sàng hàng nghìn băng rôn, cờ, hồng kỳ, cờ dây, đèn lồng, phướn Phật để trang trí, tuyên truyền trên các tuyến đường vào di tích và tại các di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán, hồ Côn Sơn…; sửa chữa, hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng và điện màu trang trí tại điểm di tích đảm bảo phục vụ lễ hội.
Bên cạnh Quầy thông tin du lịch, tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hải Dương và Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho du khách đến với lễ hội, Ban Tổ chức đã chuẩn bị các ấn phẩm, tờ gấp các loại về Khu Di tích và du lịch Hải Dương; chỉnh trang khu vực giới thiệu, thưởng trà tại hồ sen Kiếp Bạc và một số địa điểm khác ở chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, nhà khách Côn Sơn, nhà khách Kiếp Bạc…
Chuẩn bị cho Lễ khai và ban ấn, Ban Tổ chức đang hoàn thiện khoảng 3 vạn ấn để phát cho nhân dân, du khách; chuẩn bị khoảng 1 vạn hoa đăng cho Hội hoa đăng trên sông Lục Đầu…