Phê duyệt đề án tuyên truyền, quảng bá “Truyện Kiều”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt nội dung “Đề án tuyên truyền, quảng bá tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du” do Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng, tại Quyết định số 3897/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/11/2015.


Đề án gồm ba nội dung hoạt động chính.

Thứ nhất là chuyển soạn, đặt lời từ tác phẩm ‘‘Truyện Kiều” theo các loại hình nghệ thuật truyền thống. Sẽ có tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống khắp 3 miền góp mặt trong chương trình quảng bá “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du. Cụ thể, sẽ đặt hàng Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, mỗi đơn vị chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên các làn điệu chèo. Bên cạnh đó là đặt hàng Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, mỗi đơn vị chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên những làn điệu bài bản cố định, phù hợp với tâm trạng, tính cách từng nhân vật.

Tranh vẽ Thúy Kiều của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Cùng với đó, sẽ đặt hàng Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên các loại giọng trong dân ca quan họ với các hình thức biểu diễn khác nhau; đặt hàng Nhà hát dân ca Nghệ An, Nhà hát Ca, Múa, Kịch Hà Tĩnh, mỗi đơn vị chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên các làn điệu Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh với các hình thức diễn xướng văn hóa dân gian; Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long chuyển soạn 5 bài dựa trên các bản ca trù; Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật Chầu Văn Việt Nam - trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chuyển soạn 5 bài hát loại hình Nghệ thuật Chầu Văn (loại hình nghệ thuật diễn xướng tâm linh của người Việt); Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên hệ thống bài bản phong phú của ca Huế; Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên các làn điệu thuộc loại hình nghệ thuật sân khấu ca kịch Bài chòi, hát Bội...; Nhà hát Chèo Ninh Bình chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát thuộc loại hình nghệ thuật hát xẩm dựa trên các làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ; Nhà hát múa Rối Việt Nam xây dựng 1 trích đoạn thuộc loại hình nghệ thuật rối cạn thể hiện các nhân vật dựa trên nội dung của Truyện Kiều có độ dài từ 20 - 30 phút.

Thứ hai là phát hành bản ghi âm, ghi hình. Sẽ tổ chức biên tập, ghi âm, ghi hình, tổng hợp thành 1 bộ DVD từ 3 đến 5 đĩa, có độ dài từ 90 -105 phút/DVD, gồm những tiết mục thuộc các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian đặc sắc có nội dung từ tác phẩm “Truyện Kiều”.

Và cuối cùng là hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Sẽ đầu tư các chương trình biểu diễn nghệ thuật để quảng bá, giới thiệu tác phẩm phục vụ nhân dân như phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương xây dựng kịch bản hai chương trình có quy mô tổ chức ngoài trời, là không gian biểu diễn nghệ thuật quảng trường tại Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) và Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội. Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kịch bản 8 chương trình nghệ thuật biểu diễn trong nhà hát dự kiến tổ chức tại các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến từ tháng 6 - 12/2016 sẽ phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai tổ chức biểu diễn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhằm vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du.
DH
Nguyễn Du và di sản Truyện Kiều - Kỳ cuối:
Nguyễn Du và di sản Truyện Kiều - Kỳ cuối:

Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du nguyên có tên là “Đoạn trường tân thanh”. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát viết dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN