Đi tìm một bản Truyện Kiều đồng thuận

Trong khi không thể hy vọng vào việc tìm được bản Truyện Kiều nguyên tác do chính Đại thi hào Nguyễn Du viết, nhiều nhà nghiên cứu, những người yêu Truyện Kiều đã nỗ lực để cho ra đời được một bản Truyện Kiều có được sự đồng thuận cao.

Trong số hàng trăm bản Truyện Kiều cổ được tìm thấy, có nhiều dị bản khác nhau, sử dụng những từ khác nhau, đã và đang gây ra nhiều tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu.

Nhiều dị bản

Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820) là tác phẩm kinh điển trong kho tàng văn học Việt Nam, cũng như trong kho tàng văn học thế giới. Tác phẩm không chỉ phổ biến ở Việt Nam, mà còn vượt ra ngoài biên giới đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Tính đến nay có trên 30 bản dịch tác phẩm này ra khoảng 20 thứ tiếng nước ngoài, trong đó có 13 bản tiếng Pháp, 10 bản Hán văn, cùng các bản dịch tiếng Nga, Anh, Nhật, Đức, Tiệp, Hungari, Rumani, Hàn Quốc... Từ Truyện Kiều còn xuất hiện nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa liên quan đến Kiều như bói Kiều, vịnh Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều... Mặc dù vậy, cho đến nay, các nhà khảo cứu vẫn chưa tìm được một phiên bản chính thức nào bằng chữ Nôm do chính cụ Nguyễn Du viết ra được lưu truyền lại, trong khi các phiên bản Truyện Kiều tìm được thì lại có nhiều dị bản khác nhau.

Bìa cuốn Truyện Kiều do Hội Kiều học Việt Nam biên soạn.


Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay, tồn tại hàng trăm bản Truyện Kiều lưu hành trên khắp Việt Nam và trên thế giới. Trong số đó, những bản Truyện Kiều được coi là cổ nhất được tìm thấy và được các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều như: Phiên bản Truyện Kiều năm 1866 của Liễu Văn Đường, được Bảo tàng Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Nghệ An tìm thấy; Phiên bản Truyện Kiều năm 1870 do Lâm Nọa Phu sao chép khi đang làm quan ở bộ Công, thời vua Tự Đức; Phiên bản Truyện Kiều năm 1871 là bản in khắc gỗ của Liễu Văn Đường, đời vua Tự Đức thứ 24, gồm 3.254 câu; Truyện Kiều năm 1872 là bản in khắc gỗ của Duy Minh Thị dưới thời vua Tự Đức; Phiên bản Truyện Kiều năm 1874 do Tăng Hữu Ứng chép tay dưới thời vua Tự Đức; Phiên bản Truyện Kiều năm 1902 là bản in khắc gỗ do Kiều Oánh Mậu (dưới thời vua Thành Thái) chú giải… Trong số những bản Truyện Kiều này, các nhà nghiên cứu đã so sánh và tìm được hàng nghìn từ khác nhau gây tranh cãi.

Ví dụ, trong nhiều bản Kiều Nôm, có viết: “Sống làm vợ khắp người ta/Hại thay tác xuống làm ma không chồng”, nhưng trong bản Nôm của Liễu Văn Đường năm 1871 thì lại viết là: “Sống thời tình chẳng riêng ai/ Hại thay thác xuống ra người tình không”. Hoặc có bản viết: “Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa” nhưng cũng có bản lại viết: “Thân lươn bao quản lấm đầu/ Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ”… Trong số hàng nghìn từ khác nhau ấy, việc muốn tìm được một bản Truyện Kiều có sự đồng thuận cao không phải là việc dễ dàng.

Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm kiếm nguyên tác Truyện Kiều, thậm chí, những năm 1960-1970, còn rộ lên phong trào tìm nguyên tác Truyện Kiều, nhưng rồi không lâu sau, các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng, đó là điều không thể thực hiện được. Và khi việc tìm nguyên tác truyện Kiều trở thành điều “không tưởng”, thì các nhà nghiên cứu, những người yêu Truyện Kiều, yêu cụ Nguyễn Du lại cố gắng với những nỗ lực nghiên cứu và đưa ra một bản Truyện Kiều đạt được sự đồng thuận cao.

Tìm sự đồng thuận

Vào đầu tháng 8 này, một cuốn Truyện Kiều vừa được NXB Trẻ ra mắt bạn đọc. Cuốn sách do một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Hội Kiều học Việt Nam tổ chức biên soạn, chỉnh lý, gồm: PGS Nguyễn Văn Hoàn (Nguyên chủ tịch Hội Kiều học), PGS Nguyễn Hữu Sơn (Phó Viện trưởng Viện Văn học), GS Trần Đình Sử (nghiên cứu về thi pháp Truyện Kiều), nhà Hán Nôm Nguyễn Thế Anh, ông Nguyễn Khắc Bảo (người có nhiều bản Truyện Kiều cổ nhất hiện nay), nhà giáo Hoàng Xuân Khóa, (Giảng viên Đại học Hải Phòng, đồng thời là cháu ruột cụ Hoàng Xuân Hãn, một nhà nghiên cứu về Truyện Kiều nổi tiếng), nhà giáo, nhà nghiên cứu, Thường trực Hội Kiều học Vũ Ngọc Khôi và nhà thơ Vương Trọng (tác giả bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du”, đã có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều).

Ông Vũ Ngọc Khôi, Thường trực Hội Kiều học Việt Nam, thư ký tổ biên soạn cuốn sách cho biết, cuốn sách là ấn bản đặc biệt được xuất bản nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Cuốn sách do Hội Kiều học Việt Nam đã hiệu đính, và được UBND tỉnh Hà Tĩnh tài trợ xuất bản.

Cuốn sách được in song ngữ, một bên là chữ Nôm, một bên là chữ Quốc ngữ để người đọc có thể đối chiếu. Phía dưới mỗi trang sách đều có phần “Khảo dị”, trong phần này, các nhà nghiên cứu đã đưa những sự khác biệt của các chữ trong các bản Kiều cổ khác nhau vào giới thiệu với bạn đọc, đồng thời lý giải việc chọn chữ được cho là hợp lý nhất. Bên dưới phần “Khảo dị” là phần chú thích, giải thích các từ, các chữ khó hiểu hoặc các điển cố, điển tích để người đọc có thể hiểu rõ ràng hơn.

Ông Vũ Ngọc Khôi cho biết, để làm được cuốn sách này, các nhà nghiên cứu đã lựa chọn khoảng 13 bản Truyện Kiều cổ, trong đó có 8 bản chính thức hoàn toàn bằng chữ Nôm, rồi căn cứ vào những chữ Nôm trong đó, tìm xem bản nào lặp lại từ đó nhiều nhất, có lý nhất thì sử dụng. Ông Khôi khẳng định, trong quá trình biên soạn, các nhà nghiên cứu chỉ khảo lại những từ và thống nhất cách gọi, cách dùng cho hợp lý chứ tuyệt đối không bịa thêm từ mới. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng căn cứ vào phẩm chất của ngôn từ, bởi Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là thơ, nên các nhà nghiên cứu tìm trong số các từ khác nhau, từ nào có “chất thơ” hơn thì dùng.

Ông Vũ Ngọc Khôi cho biết, kể từ khi thành lập (năm 2011), một trong những nhiệm vụ mà Hội Kiều học Việt Nam đề cao hàng đầu là nghiên cứu Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du. Trong đó có việc nghiên cứu, xác định và cho ra đời một bản Truyện Kiều đạt được sự đồng thuận cao nhất, ít gây tranh cãi nhất. Chính vì vậy, Hội Kiều học Việt Nam đã tập hợp nhiều nỗ lực của đông đảo học giả, nhằm tra cứu văn bản, biên soạn một quyển Truyện Kiều có khả năng được đồng thuận cao, với mong muốn mang đến cho người đọc một tác phẩm Truyện Kiều tốt nhất. Tuy nhiên, ông Khôi cũng khẳng định, trong khi chúng ta không thể tìm được bản Truyện Kiều gốc của cụ Nguyễn Du, thì việc tìm một bản Truyện Kiều có được sự đồng thuận cao cũng không phải dễ dàng.
Phương Hà
Truyện Kiều qua lời kể đậm chất thơ của nghệ sĩ Pháp
Truyện Kiều qua lời kể đậm chất thơ của nghệ sĩ Pháp

Nghệ sĩ sân khấu Isabelle Genlis đã trình bày truyện Kiều qua một bản cải biên tiếng Pháp "Kim Vân Kiều" trên nền đệm đàn tranh của nghệ sĩ Hồ Thụy Trang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN