Từ 6h30 phút sáng, khi trời còn mờ sương, những làn điệu quan họ đã vang lên rộn ràng trên các ngả đường vào khu vực đồi Lim. Dù trời có mưa, nhưng lượng người trảy Hội Lim vẫn rất đông, tập trung ở các lán trại, nghe các liền anh liền chị quan họ hát, giao lưu, chụp ảnh lưu niệm…
Từ những lán trại trên đồi Lim, các liền anh liền chị say sưa với những làn điệu quan họ quen thuộc, từ “Khách đến chơi nhà”, đến “Mời nước mời trầu”. Từ “Ngồi tựa song đào”, “Tương phùng tương ngộ”, từ “Con nhện giăng mùng”, cho đến “Giã bạn”… những làn điệu dân ca quan họ đằm thắm, da diết cứ văng vẳng vang vọng khắp trên đồi Lim.
Quanh khu vực hát quan họ, trên thuyền cũng tập trung rất đông du khách đến nghe các nghệ nhân hát và giao lưu, những làn điệu dân ca vang vọng trên bến dưới thuyền rộn ràng, náo nhiệt.
Công tác chuẩn bị lễ hội được Ban tổ chức thực hiện tốt, 30 nhà vệ sinh cố định, các bốt vệ sinh lưu động, 100 thùng rác lưu động được lắp đặt, đặc biệt có 7 điểm cấp nước uống miễn phí phục vụ du khách trong những ngày lễ hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được trong công tác chuẩn bị lễ hội như vệ sinh môi trường, các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú phục vụ du khách, Hội Lim vẫn còn hiện tượng chưa đẹp khiến du khách chưa hài lòng.
Đó là tình trạng quá ồn ào; quan họ là đằm thắm, nhẹ nhàng, là da diết... nhưng các lán trại hát quan họ và trên sân khấu chính loa mở hết công suất khiến du khách trẩy hội có cảm giác bị “lạc” vào một thế giới âm thanh hỗn loạn; thậm chí có em bé đi theo cha mẹ, liên tục dùng hai tay để “bịt” tai cho chặt.
Chị Thu Hòa, đến từ Đồng Anh (Hà Nội) về dự hội Lim cho biết: "Tôi rất mệt với những âm thanh quá lớn này, nếu Ban tổ chức yêu cầu các lán trại quan họ cho âm thanh vừa đủ thì có lẽ lễ hội sẽ vui hơn".
Bên cạnh âm thanh hỗn loạn từ các loa ở các lán trại và sân khấu, bên ngoài hội Lim, dãy hàng quán cũng đua nhau mở loa hết công suất để quảng cáo sản phẩm. Từ các loại túi ba lô giá giẻ, đến thú nhồi bông hạ giá, đặc biệt là quần áo đại hạ giá… Đủ các loại âm thanh khiến cho du khách trẩy hội không khỏi bị “bội thực” âm thanh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Tiên Du, thành viên Ban chỉ đạo lễ hội Lim 2019 cho biết: Đặc sản của Hội Lim là hát quan họ và các lán trại trên khu vực đồi Lim đều biểu diễn hát quan họ. Trong khi đó, diện tích khu vực đồi Lim không rộng, số lượng lán trại nhiều, nên không thể tránh khỏi tình trạng các âm thanh giữa lán này và lán khác ảnh hưởng đến nhau.
Theo ông Nguyễn Đắc Hùng, đã có năm Ban tổ chức lễ hội quyết định dừng các thiết bị hỗ trợ âm thanh để các nghệ nhân hát chay, nhưng do lượng người quá đông nên việc "hát chay" không thể đảm bảo được, vì khách sẽ không thể nghe thấy gì. Để cải thiện vấn đề này, Ban tổ chức đã bố trí 2 điểm là nhà chứa đình Lim và nhà chứa xóm Đông (thôn Lũng Giang), khách đến Hội Lim nếu muốn thưởng thức dân ca quan họ không có âm thanh hỗ trợ, có thể đến các nhà nghệ nhân thưởng thức, còn trên khu vực đồi Lim, với diện tích nhỏ mà đón khoảng trên 10.000 du khách, các lán trại không thể mở âm thanh nhỏ được, vì với số lượng người nhiều như trên, anh em nghệ sỹ không thể hát và diễn được.
"Ban chỉ đạo đã phân công các thành viên thường xuyên nhắc nhở các lán trại hạn chế mở âm thanh quá to, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những lán trại chưa thực hiện theo chỉ đạo của Ban tổ chức lễ hội", ông Nguyễn Đức Hùng cho biết.
Tình trạng trộm cắp, móc túi tại Hội Lim năm nay có giảm nhưng vẫn còn xảy ra 4 - 5 vụ, vẫn còn ăn xin, khất thực được Ban tổ chức gom về nuôi ăn uống, hết hội sẽ đưa họ về nhà để tránh ảnh hưởng đến du khách.
Ngoài ra, khách đến Hội Lim năm nay cũng chưa hài lòng với thái độ phục vụ của một số chủ quán bán hàng. Khu vực quanh thủy đình các liền anh liền chị hát quan họ dưới thuyền, từ phía cầu đi vào thủy đình. Còn lại xung quanh hồ là các quán bán hàng vây quanh, chiếm giữ chỗ để bán hàng. Du khách ngồi uống nước đã trả tiền với mức gấp đôi so với giá ngày thường, nhưng khi đứng lên chưa kịp đi đã bị chủ quán “mời” ra ngoài để họ “lấy chỗ bán hàng”.
Trước phản ánh tình trạng quan họ ngả nón xin tiền, một nghệ nhân quan họ giấu tên cho biết: Việc dùng từ "xin" là không đúng. Quan họ hát không bán vé, không yêu cầu thưởng tiền và tuyệt đối không hỏi xin tiền. Việc cho tiền nghệ nhân là do người đến nghe hát yêu quý giọng hát của nghệ nhân, nên đã bày tỏ sự cảm ơn bằng việc thướng (thưởng) tiền cho các liền anh liền chị. Bà con đứng từ trên bờ nhoài người ra để đưa xuống, liền anh liền chị sợ bà con ngã xuống ao, hồ nên giơ nón ra nhận tiền để bà con không bị ngã, nên không thể gọi là quan họ ngửa nón xin tiền. Nhưng đây chỉ là cách nói bao biện.
Hy vọng vào mùa hội sau, Ban tổ chức sẽ có sự chỉ đạo sát sao hơn, để du khách không còn chịu cảnh "bội thực" âm thanh, và để hội Lim ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách.