Thông tin từ Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2018, Làng đã tổ chức 12 chuyên đề, chủ đề theo tháng với nhiều hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công, tri thức dân gian phong phú, đậm bản sắc văn hóa dân tộc…
Thông qua các hoạt động tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, các di sản văn hóa phi vật thể được đồng bào tự hào giới thiệu, truyền dạy tại Làng góp phần tiếp thêm sức sống, hơi thở cho chính di sản.
Trên 560 lượt đồng bào dân tộc của 39 địa phương, cùng 14 nhóm cộng đồng dân tộc hoạt động hàng ngày từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ đã thực hành 22 lễ hội truyền thống cùng với 500 lượt nghệ sỹ, diễn viên các nhà hát Trung ương đã góp phần tạo nên bản hòa ca đầy cung bậc, bức tranh đa sắc màu của văn hóa dân tộc tại “ngôi nhà chung”.
Trong tháng 12/2018, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động chủ đề “Sắc hoa” gắn với không gian văn hóa và hoạt động của đồng bào các dân tộc chuẩn bị đón năm mới 2019. Không gian Làng hiện đang được tô thắm bởi hoa dã quỳ, hoa tam giác mạch…sẽ hấp dẫn du khách với các hoạt động hàng ngày của đồng bào, nhộn nhịp, sinh động những ngày cuối tuần với “Em là hoa Pơ Lang”, “Hoa của đá”...
Đặc biệt, điểm nhấn hoạt động trong tháng “Sắc hoa” là không gian “Chợ phiên vùng cao chào đón năm mới 2019”. Đây sẽ là nơi tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian do cộng đồng dân tộc Mông, Lào, Kháng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú giới thiệu tới du khách.
Trong không gian chợ vùng cao, đồng bào dân tộc Mông giới thiệu tinh hoa nghề rèn thủ công truyền thống. Các nghệ nhân đồng bào dân tộc Lào mang tới cho công chúng quy trình dệt thổ cẩm độc đáo. Nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Lào sinh sống tại Điện Biên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Thổ cẩm dân tộc Lào nổi bật bởi những nét hoa văn tinh xảo, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. Phụ nữ dân tộc Lào, những người làm nên loại thổ cẩm giàu sức cuốn hút này, luôn mong muốn mở rộng được thị trường tiêu thụ thổ cẩm.
Bên cạnh đó, không gian ẩm thực vùng cao với xôi ngũ sắc, trình diễn giã bánh dày gấc đỏ tượng trưng cho sự may mắn của dân tộc Dao... Đặc biệt, đồng bào dân tộc Kháng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La sẽ tái hiện Lễ hội rượu cần độc đáo. Lễ hội này được đồng bào người Kháng tổ chức hàng năm, vào từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch nhằm cầu mong một năm mới mọi người mạnh khỏe, đoàn kết, bản làng no ấm, trù phú.
Chương trình dân ca dân vũ “Vui chợ phiên chào đón năm mới” với các các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước đổi mới, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền chào đón năm mới và các trò chơi dân gian sẽ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm, đậm nét truyền thống dân tộc, thể hiện sự đa dạng độc đáo của văn hóa vùng miền…