Ninh Bình hướng đến xây dựng thương hiệu lễ hội riêng

Bằng các hoạt động văn hóa đặc sắc, có tính kết nối và lan tỏa cao, Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II với chủ đề "Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa" đã mang đến không gian âm nhạc, văn hóa độc đáo, ấn tượng và mới mẻ, thu hút sự quan tâm lớn của nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc có ý nghĩa quan trọng nhằm quảng bá các giá trị di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư và giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền trong cả nước, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, mở đầu cho mục tiêu xây dựng công nghiệp văn hóa tại vùng đất Cố đô đầy ắp di sản.

Chú thích ảnh
Chương trình khai mạc Festival Ninh Bình – Tràng An lần thứ II. Ảnh tư liệu: Thùy Dung/TTXVN

Sân khấu thực cảnh đầu tiên 

Tiếp nối thành công của Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, các vùng miền trong nước, quốc tế, tỉnh tổ chức Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023. Mở màn bằng đêm khai mạc là những "câu chuyện" gần gũi, bình dị về con người văn hóa đậm bản sắc của vùng đất Ninh Bình, dấu ấn văn hóa Cố đô Hoa Lư, nét đẹp của các làng nghề truyền thống và những lễ hội dân gian, góp phần nối dài mạch nguồn di sản, lịch sử truyền thống, những điều tốt đẹp về một vùng quê địa linh nhân kiệt, đưa khán giả đến với trải nghiệm những sắc màu di sản của các vùng di sản trong cả nước. 

Chương trình khai mạc được dàn dựng công phu như một vở diễn thực cảnh lần đầu tiên được tổ chức trong không gian huyền ảo của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Các yếu tố của sông, núi, âm nhạc, ánh sáng, công nghệ trình chiếu mapping cùng nghệ thuật múa đương đại, những màn khinh công chạy trên nước, vẽ thư pháp bằng nghệ thuật múa… được hòa quyện, tạo thành một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư Ninh Bình và tinh hoa sắc màu văn hóa các vùng, miền dọc theo chiều dài đất nước. 

Theo Ban Tổ chức chương trình, nhiều địa phương đã làm sân khấu thực cảnh cho các chương trình lớn nhưng đó vẫn chưa phải là sân khấu thực cảnh hoàn toàn. Ở Ninh Bình, ê-kíp đã tận dụng lợi thế về vẻ đẹp của non nước hữu tình, cảnh sắc thiên nhiên và sự độc đáo của di sản để thiết kế một sân khấu rộng tới hàng ngàn m2, một sân khấu thực cảnh thực sự, có sự khác biệt và tiếp cận gần hơn với thế giới. Sân khấu không còn những câu chuyện về sắt thép, kết cấu kỹ thuật nữa.

Toàn bộ chất liệu để trang trí sân khấu đều từ thiên nhiên như: Sử dụng cây cỏ tự nhiên làm cảnh trí; sử dụng ánh sáng và công nghệ trình chiếu bằng máy chiếu mapping lên núi đá… Vì vậy, người xem không còn cảm thấy đây là một sân khấu, mà thay vào đó là một bức tranh khổng lồ tuyệt đẹp, là sự giao thoa, hòa quyện giữa thiên nhiên, con người, âm thanh, ánh sáng…

Đặc biệt, trong chương trình, Ban Tổ chức đã sử dụng chính lực lượng ở địa phương làm nòng cốt để phát huy tối đa yếu tố bản địa cho câu chuyện phát triển văn hóa và du lịch. Hơn 300 người lái đò, hóa thân thành những diễn viên giữa mênh mông nước, tái hiện những câu chuyện về vùng đất, con người Cố đô. Tổng lực lượng diễn viên lên tới 700 người, cả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia biểu diễn. Để có được sự phối hợp đồng đều, nhuần nhuyễn, hay và tinh tế là sự nỗ lực lớn trong việc hợp luyện, nhất là khi sân khấu hoàn toàn ở dưới nước.

Anh Marinse Stanbach, du khách Đức chia sẻ, Festival Ninh Bình - Tràng An rất tuyệt vời và ấn tượng. Mọi thứ, từ cách sắp xếp chương trình đến khung cảnh, ánh sáng thực sự rất đẹp. Tôi cảm nhận được tình yêu sâu lắng của mọi người dành cho văn hóa quê hương, đất nước của các bạn.

Hướng đến xây dựng thương hiệu lễ hội riêng 

Qua Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II năm 2023 (từ ngày 26-31/12/2023), lần đầu tiên tỉnh Ninh Bình hướng đến mục tiêu xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội. Các hoạt động cũng được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia các hoạt động của Festival. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, có tính kết nối và lan tỏa cao, được tổ chức theo một cách tiếp cận khác lạ với một góc nhìn đầy sắc màu di sản vùng miền nhưng cũng mang hơi thở của thời đại, tỉnh Ninh Bình đã thực sự sống trong không khí lễ hội sôi động và hân hoan.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Ninh Bình tự hào có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được bồi tụ bởi nhiều lớp trầm tích văn hóa. Cùng với những di tích lịch sử ghi dấu sự xuất hiện của người tiền sử cách đây hơn 3 vạn năm, Hoa Lư - Ninh Bình vào thế kỷ thứ X đã được chọn làm kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc với 3 triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý. Cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với cốt cách riêng có được in dấu trên gần 2.000 di sản văn hóa vật thể, gần 400 di sản văn hóa phi vật thể.

Chú thích ảnh
Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II với chủ đề “Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa”. Ảnh tư liệu: Thùy Dung/TTXVN

Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được và tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo, tỉnh thực hiện nhất quán, kiên định phương thức phát triển "Xanh, bền vững và hài hòa", dựa trên cơ sở phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Tỉnh xây dựng và phát triển Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các tiêu chí đặc thù của địa phương có di sản văn hóa vật thể sở hữu danh hiệu UNESCO, lấy tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo làm giá trị cốt lõi. Lựa chọn Chủ đề năm 2023 là "Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa", Ninh Bình hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu lễ hội riêng, có tính chất thường niên, thu hút, mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các quốc gia, dân tộc, góp phần thúc đẩy hòa bình và hợp tác phát triển.

Tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II năm 2023, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã khẳng định, việc đổi mới cách thức tổ chức Festival lần này cũng cho thấy quyết tâm của tỉnh về phát huy vai trò to lớn của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Sự kiện còn có ý nghĩa kết nối di sản, các trung tâm du lịch mang tính liên vùng, thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, khu vực.  

 Với tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, phát huy tối đa tiềm năng giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư, Phó Chủ tịch nước tin tưởng rằng Ninh Bình sẽ đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, là hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. 

Ninh Bình mang nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Di sản văn hóa hiện diện cả ở dạng văn hóa vật thể và phi vật thể khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Thành công của Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II năm 2023 sẽ tiếp tục là tiền đề, cơ sở quan trọng để tỉnh hướng tới xây dựng "Festival Ninh Bình" trở thành sự kiện văn hóa lớn, một thương hiệu quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế; nơi kết nối, hội tụ, tôn vinh, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc và nhân loại, góp những bước đi đầu tiên trong ý tưởng xây dựng công nghiệp văn hóa và thành phố di sản thiên niên kỷ tại tỉnh.

Hải Yến (TTXVN)
Hướng tới xây dựng 'Festival Ninh Bình' mang thương hiệu quốc gia và quốc tế
Hướng tới xây dựng 'Festival Ninh Bình' mang thương hiệu quốc gia và quốc tế

Tối 31/12, tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham (huyện Hoa Lư), UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Chương trình Di sản văn hóa Bắc Bộ - Trung Bộ và bế mạc Festival “Cố đô đón chào năm mới” với sự tham dự của hàng nghìn nhân dân và du khách trong và ngoài nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN