Những lá thư nhà gửi tới Trường Sa

“Những lá thư nhà gửi Trường Sa” là chủ đề cuộc triển lãm ảnh sẽ diễn ra tại Trường Sa vào tháng 5/2012. Đây là dự án triển lãm ảnh đầu tiên tại Trường Sa, nhà giàn DK1 do một nhóm nghệ sỹ, phóng viên ảnh thực hiện bằng kinh phí xã hội với mục tiêu góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam bằng văn hóa, rút ngắn khoảng cách đất liền với Trường Sa thân yêu…

 

Những cánh thư đặc biệt

 

Gọi là thư nhưng phần chữ rất ít, chủ yếu là hình ảnh. Mà hình ảnh ở đây cũng không quá xa lạ, chỉ là hình ảnh sinh hoạt rất đỗi đời thường, thân thương trong các gia đình người Việt Nam như: Ông bà chăm sóc cháu, những người mẹ tần tảo sớm hôm đi làm, cả nhà quây quần bên bữa cơm chiều... Nhưng cái đặc biệt là ở chỗ, đây là bộ ảnh ghi lại những cảnh sinh hoạt thường ngày của gia đình các chiến sỹ đang canh giữ bình yên Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Đặc biệt hơn nữa là những tấm hình ghi lại khoảnh khắc bình yên nơi quê nhà này sẽ được mang tới triển lãm ở Trường Sa.

 

Triển lãm sẽ trưng bày bộ ảnh ghi lại những cảnh sinh hoạt thường ngày của gia đình các chiến sỹ đang canh giữ bình yên Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, để những người lính thấy quê nhà như gần gũi hơn. Trong ảnh: Đảo Phan Vinh A thuộc quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hoà). Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN.

 

Anh Đoàn Bắc, một kiến trúc sư Hà Nội, người khởi xướng thực hiện dự án triển lãm ảnh hậu phương ở Trường Sa cho biết: Bộ ảnh “Những lá thư nhà gửi Trường Sa” là một phần của dự án “Trường Sa- Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế”. Bộ ảnh được thực hiện tại 8 gia đình của các chiến sỹ quê ở 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2012. Các gia đình đều mong muốn những hình ảnh này sớm tới Trường Sa, góp phần động viên tinh thần các chiến sỹ vững chắc tay súng gìn giữ phần biển đảo máu thịt của Tổ quốc.

 

Ê kíp thực hiện dự án rất xúc động trước tình cảm của các gia đình chiến sỹ dành cho đoàn, điều này đã giúp nhóm hoàn thành tốt bộ ảnh, có những bức ảnh chất lượng tốt hơn nhiều so với mong đợi. Đó là hình ảnh bố, mẹ của Trung úy Trần Ngọc Khánh, đang công tác tại đảo Trường Sa ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, Nam Định đang làm công việc thường ngày của ông bà như tưới rau, lấy trứng gà trong ổ rồi hai ông bà múc nước rửa chân tay sau khi làm việc. Còn vợ anh Trần Ngọc Khánh là y tá của bệnh viện đang chờ đón đứa con đầu lòng sắp ra đời. Chị đang gấp những bộ quần áo sơ sinh chuẩn bị cho con, thỉnh thoảng lại khe khẽ vuốt ve đứa con trong bụng, thì thầm kể cho con nghe về người cha là chiến sỹ đang ở Trường Sa với niềm tự hào vô bờ.

 

Với những bức ảnh về gia đình Thiếu tá Dương Văn Hoang đang công tác tại nhà giàn DK1/16 ở xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam thì đó là những hình ảnh khắc họa vợ và các con của anh. Vợ anh là giáo viên nên mẹ là cô giáo, con là học sinh ở lớp học, còn khi tan trường mẹ lại đưa các con về nhà. Khi 3 mẹ con về tới nhà lại tíu tít lo nấu cơm tối mời ông bà ăn, rồi hai chị em lại tự giác ngồi vào bàn học bài…Ở quê nhà của Trung tá Vũ Văn Cường, Đảo trưởng đảo Song Tử Tây tại xã Cát Thành, huyện Trực Ninh, Nam Định có 2 người con trai, các cháu đều rất ngoan ngoãn và học giỏi. Vợ anh Cường là giáo viên nên thường soạn giáo án khi đứa con trai nhỏ đã say ngủ. Trên bàn thờ nhà Trung tá Vũ Văn Cường còn có một quả bàng vuông – một loại quả chỉ có ở Trường Sa…

 

Tất cả những hình ảnh rất đỗi thân thương và giản dị đó đều được những tay máy của ê kíp ghi lại bằng tất cả sự nhiệt tâm và quyết tâm đưa những hình ảnh này đến với Trường Sa. 100 bức ảnh lựa chọn trong các tác phẩm ảnh chụp hậu phương các chiến sỹ được trình bày trên 8 pano ảnh màu khổ 1,4x1,9m sẽ được đưa ra triển lãm ở đảo Song Tử Tây, Trường Sa lớn, và nhà giàn DK1 khi một số thành viên của ekip ra thăm đảo vào giữa tháng 5/2012. Bên cạnh đó ê kíp còn mang ảnh 360 độ; 30 sách ảnh lưu niệm 36 trang của bộ ảnh để tặng cho cán bộ, chiến sỹ; phim tài liệu về hành trình thực hiện bộ ảnh hậu phương…

 

Xin làm người đưa thư

 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đoàn Bắc cho biết: “Những lá thư nhà gửi Trường Sa”, chủ đề của dự án triển lãm ảnh đã nói lên nhiều điều ý nghĩa. Các thành viên của ê kíp tình nguyện xin là những người mang những bức thư của hậu phương gửi tới Trường Sa thân yêu. Đó là những lá thư bằng hình ảnh sống động của những ông bố, bà mẹ, người vợ, người con và cả quê nhà thân thuộc gửi tới cho các chiến sỹ. Qua đó nhắn với các chiến sỹ rằng: Đất liền luôn nhớ, luôn yêu và hướng tới đảo xa, quê nhà bình yên là nhờ các anh ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng- Trường Sa.

 

Chủ đề là “Những lá thư nhà gửi Trường Sa” xuất phát từ một ý thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về những tâm tình của người chiến sỹ hải đảo với hậu phương quê nhà: “Dẫu em là vợ lính giữa thời bình/Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình/ Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/ Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc/ Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều/ Mẹ già ơi thương nhớ dẫu dâng trào/ Mẹ cứ nhắc tên con, đừng lo con vấp ngã/ Lối con đi – nào lối mòn thuở nhỏ/ Và mẹ là Mẹ lính – dễ dàng đâu”. Khổ thơ này trích trong bài “Những người lính đi qua thành phố” sẽ là lời dẫn xuyên suốt các cuộc triển lãm ảnh hậu phương các chiến sỹ trên đảo Trường Sa.

 

Nội dung của triển lãm “Những lá thư nhà gửi Trường Sa” gồm 7 nội dung, mỗi nội dung đều có những câu thơ đáp lại tâm tình của người chiến sỹ đã nêu trong khổ thơ nói trên. Ví dụ như ở phần của những người sẽ là “Vợ con tổ ấm tình thương. Nhớ nhung vượt cả đại dương nghìn trùng”…Toàn bộ các pano ảnh hậu phương sẽ được gửi tặng lại cho các chiến sỹ Trường Sa sau triển lãm. Đặc biệt hơn cả là có phần hình ảnh 360 do chuyên gia Bùi Hồng Thắng thực hiện sẽ giúp các chiến sỹ thấy hình ảnh quê nhà thật gần gũi, sinh động như chính mình đang đứng trong toàn cảnh không gian đó.

 

Bên cạnh phần ảnh của hậu phương người chiến sỹ, lần này nhóm ê kíp còn mang tới cho các chiến sỹ và quân dân trên quần đảo Trường Sa những bức ảnh đẹp về “Đất nước, con người Việt Nam xưa và nay”. Phần Việt Nam xưa nằm trong bộ sưu tập 7000 bức ảnh cổ Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với tên gọi “Báu vật ký ức” do kiến trúc sư Đoàn Bắc sưu tầm. Sở dĩ muốn đưa những bức ảnh này giới thiệu tới nhân dân, chiến sỹ ở Trường Sa chính là mong muốn họ - những người sống trên đảo, lao động xây dựng, chiến đấu bảo vệ đảo hiểu rõ hơn nữa vai trò của chính họ. Biển đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, những người dân, người chiến sỹ sống trên đảo không chỉ là bảo vệ đảo, toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc mà còn là bảo vệ di sản cha ông, bảo vệ lịch sử vẻ vang ngàn đời của dân tộc ta.

 

Đây chính là cách thức, dự án triển lãm ảnh mong muốn góp một phần công sức khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam bằng các hoạt động văn hóa thiết thực, ý nghĩa. Sau chuyến đi Trường Sa, kiến trúc sư Bắc Đoàn và các cộng sự của anh dự định triển lãm những hình ảnh đẹp, lạ về Trường Sa ở đất liền để trong tâm trí mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế luôn thấy Trường Sa gần bên ta, cùng chung tay để Trường Sa luôn lung linh, đẹp đẽ.

 

 

Thanh Giang

Trường sa trong lòng Tổ quốc-Kỳ cuối: Trường Sa - những chiều thơ...
Trường sa trong lòng Tổ quốc-Kỳ cuối: Trường Sa - những chiều thơ...

Những cảnh vật hữu hình gần gũi trong cuộc sống, giúp lính đảo xa nhà vơi bớt nhọc nhằn, sẻ chia nỗi nhớ đất liền, nhân lên niềm vui trong cuộc sống, ấy là ánh hoàng hôn mỗi buổi chiều buông xuống, là triền muống biển ôm lấy bờ cát nở hoa màu tím thủy chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN