Trường sa trong lòng Tổ quốc-Kỳ cuối: Trường Sa - những chiều thơ...

Những cảnh vật hữu hình gần gũi trong cuộc sống, giúp lính đảo xa nhà vơi bớt nhọc nhằn, sẻ chia nỗi nhớ đất liền, nhân lên niềm vui trong cuộc sống, ấy là ánh hoàng hôn mỗi buổi chiều buông xuống, là triền muống biển ôm lấy bờ cát nở hoa màu tím thủy chung.

 

Nơi khởi nguồn thơ tình chiến sĩ


“Mỗi buổi chiều anh ngắm hoàng hôn/anh lại nhớ em nhớ thời hoa đỏ/cái buổi đầu mình nói lời của gió/Trường Sa bây giờ đã khác ngày xưa/chiều về trẻ em nô đùa/những người lính chân trần trên sỏi đá/ở đảo bây giờ nhiều cỏ cây hoa lá/cũng như đất liền sao vẫn thấy cô đơn/khi chiều về anh lại ngắm hoàng hôn/để vơi bớt khát khao cháy bỏng/gửi nỗi nhớ theo từng con sóng/anh yêu em yêu Tổ quốc vô bờ”.

 

Ngắm hoàng hôn buổi chiều tại đảo Trường Sa.

 

Đó là bài thơ “Hoàng hôn trên đảo” của chiến sĩ Mai Tuấn Cường ở đảo Trường Sa Lớn mà tôi chép lại trong một lần ra Trường Sa. Cường bảo: “Lính Trường Sa bọn em hay ngắm hoàng hôn lắm. Lúc ấy mặt trời chìm xuống dần, nhìn thấy rõ nhất. Khi ngắm hoàng hôn, bao nhọc nhằn tan biến hết. Đảo em, có nhiều người biết làm thơ sau khi ngắm hoàng hôn đấy anh ạ”.


Trung sĩ Nguyễn Văn Thắng, chiến sĩ ở đảo Trường Sa Lớn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền khoe với tôi: “Anh ơi em mới có bài thơ hay về hoàng hôn ở đảo Trường Sa, em đọc anh nghe nhé”. Trung sĩ Thắng đưa cho tôi xem bản thảo rồi cao hứng đọc: “Anh đến Trường Sa/hoàng hôn buông xuống anh ca câu hò/ở quê nhà em đừng lo/biển trời anh giữ, sóng to xá gì”. “Bài thơ này em sáng tác khi cùng các nhà văn quân đội khi ngắm hoàng hôn ở Trường Sa đấy. Nếu ai có tâm hồn nghệ sĩ, khi ngắm hoàng hôn ở Trường Sa, sẽ xuất khẩu thành thơ liền”, Thắng chia sẻ.


Ai đã một lần đặt chân đến Trường Sa, được đi trên cát và sỏi đá mỗi chiều thì sẽ cảm nhận được vẻ đẹp diệu kỳ của hoàng hôn. Dưới chân là cát sỏi, trên đầu là bầu trời rộng lớn, ngoài kia là biển nước bao la, bên mình là đồng đội, những người lính hải quân trằm mình trong nắng lửa mưa rào, bám trụ kiên cường, vững vàng kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió lấy hoàng hôn làm điểm tựa để làm thơ, viết thư cho người yêu hoặc ôm đàn ghi ta hát về biển khơi cho vơi bớt nhớ nhà. Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ ra thăm đảo Trường Sa cũng rất thích đi chân trần trên triền cát trắng, ngắm hoàng hôn đỏ ối phía chân trời. Những câu chuyện viết về người lính đảo, những bài thơ viết về biển mênh mông, những bài ca hát về con sóng cũng bắt nguồn từ đây.


Hoàng hôn ở đảo Trường Sa không chỉ là “người bạn tâm tình”, là “góc nhỏ riêng tư”, mà còn giúp cho cán bộ chiến sĩ Trường Sa vơi nỗi nhớ nhà, thêm yêu đời, yêu Tổ quốc.

 

Màu tím thủy chung


Trường Sa bây giờ đã khác ngày xưa. Thay vào những triền cát trắng khô cằn sỏi đá là thảm muống biển trải dài vỗ về ôm lấy bờ cát, quanh mép đảo nở hoa tím thẫm. Lính đảo Trường Sa gọi hoa muống biển là hoa thủy chung bởi có màu tím. Cùng với hoa bàng quả vuông, hoa muống biển Trường Sa có sức sống mãnh liệt. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, hoa muống biển vẫn kiêu hãnh vươn mình bò trên sỏi đá, đội cát đâm chồi, leo kín chạy dài ôm lấy sườn đảo.


 

Hoa muống biển mọc khắp đảo Trường Sa.

 

Muống biển Trường Sa là loài thân mềm, nhưng chỉ ưa sống ở nơi có khí hậu khắc nghiệt. Nó là người bạn đồng hành chung thủy chứng kiến bao nhọc nhằn vất vả, buồn vui nhung nhớ của những người lính xa quê. Những đêm thanh gió mát, cánh lính trẻ ôm đàn ghi ta, ngồi cạnh triền hoa muống biển hát về quê mẹ. Khi có văn công ra biểu diễn, hoa muống biển là món quà không thể thiếu tặng ca sĩ sau những điệu múa bài ca. Những ca gác trong gió gào sương lạnh, hoa muống biển như người bạn tâm tình để các chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đã biết bao câu chuyện, bài thơ; bao mối tình đẹp đẽ, bao gia đình người lính đã ra đời từ chùm hoa muống biển lung linh màu tím nhiệm mầu này. Còn lính trẻ chúng tôi hái hoa muống biển ép khô trong sổ tay chiến sĩ gửi về đất liền để tặng người yêu.


Muống biển ở Trường Sa, ngoài tô điểm cho đảo thêm xanh thêm đẹp, nó còn là loài cây thể hiện sự khát vọng sống mãnh liệt trước khắc ghiệt của khí hậu thời tiết nắng gió bốn mùa, cũng như người lính Trường Sa bất chấp khó khăn gian khổ hiểm nguy, vẫn yêu đời thiết tha, vững vàng tay súng, canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.


Bài và ảnh: Mai Thắng

Trường sa trong lòng Tổ quốc-Kỳ 4: Cá lồng Trường Sa
Trường sa trong lòng Tổ quốc-Kỳ 4: Cá lồng Trường Sa

Giữa Biển Đông, cách đất liền hàng nghìn km, xuất hiện những “doanh nghiệp” trẻ nuôi cá lồng dưới đáy đại dương. Họ là cán bộ, chiến sĩ Hải quân Công ty Hải sản Trường Sa Đoàn 129.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN