Đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, số lượng chương trình biểu diễn có xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả là hàng trăm chương trình, nếu chỉ tính các chương trình với quy mô lớn mà VCPMC phát hiện được. Trong đó, có những đơn vị tổ chức những show lớn, xong thì xoá tên công ty và thành lập công ty mới.
"Hành vi xâm phạm quyền tác giả trong các chương trình này là cố ý. Mặc dù Trung tâm đã nỗ lực gửi cảnh báo, gửi đề nghị đến các đơn vị tổ chức biểu diễn, tuy nhiên hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh thực hiện quy định về quyền tác giả, do đó đã dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tác giả bị xâm phạm và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc ở các tác giả sáng tác âm nhạc"- đại diện VCPMC cho biết.
Cùng với đó, cũng có hiện tượng một số tác giả khi ký giấy tờ để cho phép ca sĩ được độc quyền bài hát với mục đích biểu diễn, nhưng nhiều ca sĩ/người biểu diễn lại hiểu chưa đúng, hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn đã cố ý lợi dụng các giấy tờ này để né tránh việc xin phép, trả tiền nhuận bút cho tác giả và tìm cách đối phó với thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước.
Đại diện VCPMC cũng nhấn mạnh, điều hết sức quan trọng là hiện nay rất nhiều tác giả bán độc quyền ca khúc của mình sáng tác cho ca sĩ hoặc một số đơn vị mua độc quyền cả nhạc trong nước và quốc tế có thời hạn, những ca sĩ hoặc các đơn vị tổ chức khác không được sử dụng. Các tác giả đều thông báo cho VCPMC bằng văn bản rằng nếu cấp phép sẽ bị kiện. Trong khi đó các cơ quan quản lý lại tự động cấp phép biểu diễn với các tác phẩm của các tác giả này. "Chắc chắn hệ luỵ sẽ xảy ra, khi đó đơn vị cấp phép sẽ liên đới trách nhiệm trước toà'- đại diện VCPMC phân tích.
Hiện nay, theo yêu cầu của các tác giả trong nước và quốc tế, VCPMC uỷ quyền toàn bộ các tác giả cho văn phòng Luật sư và văn phòng luật sư làm văn bản gửi tất cả các cơ quan quản lý nhà nước. Cục Nghệ thuật biểu diễn, 63 Sở Văn hóa Thể thao cả nước không được tuỳ tiện cấp phép khi chưa có ý kiến tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, vì đây là tài sản riêng của tác giả chứ không phải của Nhà nước mà cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực biểu diễn tuỳ tiện tự động cấp phép (chưa nói đến ca khúc đã bán độc quyền, người khác không được sử dụng).
Theo VCPMC, trên thực tế, thời gian qua, việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng các vụ việc vi phạm xảy ra tràn lan, thách thức và hết sức tinh vi khiến cho việc xử lý vi phạm chưa thể đáp ứng kịp thời và giải quyết dứt điểm.
Điều đáng buồn là bên cạnh các vụ việc giải quyết bằng biện pháp dân sự thì việc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền cũng không đạt hiệu quả, thời gian kéo dài, chi phí tốn kém. "Trong số 8 vụ việc khởi kiện ra Tòa án (tính riêng lĩnh vực biểu diễn) thời gian qua, đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử, chưa kể một số vụ cũng chưa được Tòa án thụ lý theo thủ tục"- đại diện VCPMC cho biết.
Danh sách 8 vụ việc (xâm phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn) đã được khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền, song chưa được xét xử:
- Live Concert Quang Hà "Trăm năm không quên", ngày 23/7/2017, tại Nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh).
- Chương trình Để nhớ một thời ta đã yêu 6 chủ đề "Một thuở yêu người", ngày 6/7/2018, tại Nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh).
- Chương trình Khánh Ly "Như một lời chia tay", ngày 1/9/2018, tại nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng).
- Liveshow "Câu chuyện Bằng Kiều - Trái tim không ngủ yên", ngày 18,19/8/2018, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
- Liveshow Ưng Hoàng Phúc, ngày 10/3/2018, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
- Liveshow "Duy Trường – Tôi yêu", ngày 24/3/2018, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
- Liveshow Nhạc tình muôn thuở 6, ngày 17/6/2018, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
- Liveshow Nhạc tình muôn thuở 7, ngày 28/7/2018, tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng).