Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, tác giả của “Buồn ơi chào mi” đã trút hơi thở cuối cùng vào hôm nay, ngày 14/4/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh sau thời gian chống chọi với bệnh tật. Ông hưởng thọ 76 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1/1/1940 tại tỉnh Phan Rang.
Bắt đầu tập piano và bị cây đàn “hành hạ” từ những năm còn học trung học, Nguyễn Ánh 9 đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cha mẹ. Chính vì cây đàn, ông đã kiên quyết rời khỏi ngôi nhà thân thương, tương lai xán lạn và cả mối tình đầu dang dở để theo đuổi niềm đam mê.
Một vài năm sau khi trở thành nhạc công, Nguyễn Ánh 9 có dịp đệm đàn cho Khánh Ly hát ở Nhật Bản. Khi nữ danh ca trò chuyện về mối tình đầu của ông, Nguyễn Ánh 9 đã ôm đàn guitar và bật ra những giai điệu, ca từ của bài “Không” :“Không! Không! Tôi không còn, không còn yêu em nữa...”. Sau này, Khánh Ly đã yêu cầu ông hoàn thiện bài hát và đây cũng là sáng tác đầu tiên giúp chàng nhạc công Nguyễn Ánh 9 trở thành nhạc sĩ.
Nguyễn Ánh 9 sáng tác không nhiều, khoảng 30 ca khúc, nhưng hầu hết các ca khúc của ông đều nằm lòng với bạn yêu nhạc nhiều thế hệ như: “Không”, “Tình yêu đến trong giã từ”, “Bơ vơ”, “Cô đơn”, “Buồn ơi chào mi”, “Biệt khúc”, “Chia phôi”, “Lặng lẽ tiếng dương cầm”...
Mỗi sáng tác trong sự nghiệp của Nguyễn Ánh 9 được ví như cuốn nhật ký nhỏ ghi chép lại những rung động hằng ngày của người nghệ sĩ về tình yêu. Với Nguyễn Ánh 9, tình yêu đẹp khi còn dang dở, thế nên hầu hết các sáng tác của ông đều chất chứa những tâm sự buồn. Ông bảo, cái buồn man mác trong âm nhạc khiến cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Trong tất cả tác phẩm của ông, hầu hết các câu chuyện tình yêu đều không có hậu, toàn là chia ly, đau khổ. “Hạnh phúc ngọt ngào” là ca khúc duy nhất có cái kết đẹp cho đôi tình nhân. “Tôi luôn muốn viết về tình yêu nhẹ nhàng, sâu lắng và đẹp đẽ. Tôi không muốn tình yêu trong âm nhạc của mình quá sỗ sàng”.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tâm niệm, để tác phẩm của mình sống lâu theo thời gian, cảm xúc trong mỗi bài hát dù đơn giản cũng phải xuất phát từ chính trái tim người viết. Vì thế, có những bài hát ông đã mất tới gần 5 năm để hoàn thành như “Cô đơn”. Ca khúc “Cô đơn” sau khi ra mắt đã được khán giả rất yêu thích vì rất cảm xúc, tình cảm. Và cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy..., Nguyễn Ánh 9 trở thành cái tên quen thuộc, đồng thời là biểu tượng của ký ức một thời.
Không những là nhạc sĩ của những bài hát nổi tiếng mà ông còn nổi danh là nghệ sĩ piano thập niên 1960, 1970. Tiếng đàn của ông từng nâng đỡ giọng hát của nhiều thế hệ ca sĩ như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Ánh Tuyết, Hồng Hạnh, Quang Hà… nhưng những năm 2000, ông rơi vào tình trạng khủng hoảng khi các sân khấu Sài Gòn nở rộ trào lưu nhạc điện tử, một nghệ sĩ piano như ông mất dần đất diễn. Khi có dịp cùng ca sĩ Ánh Tuyết ra biểu diễn ở Hà Nội, những tràng vỗ tay của khán giả thủ đô, đặc biệt là sự có mặt của vợ cố nhạc sĩ Văn Cao, đã khiến ông xúc động nghẹn ngào: “Âm nhạc là cả cuộc sống của tôi và chính người Hà Nội đã giúp tôi lấy lại cảm xúc, sức mạnh để không từ bỏ niềm đam mê lớn nhất đời mình”.
Ông từng tâm sự nghệ danh Nguyễn Ánh 9 là do người yêu đầu tiên của ông đặt cho, ông nói: "Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9".
Nguyễn Ánh 9 trở thành cái tên quen thuộc, đồng thời là biểu tượng của ký ức một thời. Ông để lại cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều ca khúc có đời sống lâu dài và được công chúng nhiều thế hệ yêu mến.