Thấm thoắt đã 55 năm nhà văn lớn Nguyễn Huy Tưởng rời cõi trần, ở cái tuổi quá trẻ và còn quá nhiều việc ông có thể làm ở phía trước (ông qua đời khi mới 48 tuổi). Nhưng 48 năm trên cõi tạm này cũng đã đủ cho ông để lại một di sản văn chương vô cùng đồ sộ, phong phú về đề tài và sâu sắc về giá trị.
Mở đường cho dòng văn học lịch sử
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912, tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Cha là một ông Tú nghèo, sống nhờ vợ tần tảo buôn bán. Khi Nguyễn Huy Tưởng lên 7 tuổi thì cha mất, mẹ gửi ông ra Hải Phòng sống cùng gia đình người chị, học tiểu học ở trường Bonnal. Năm 1932, khi 20 tuổi, ông đậu bằng Thành Chung và cũng bắt đầu học chữ Hán. Ra trường, sau 3 năm vất vả tìm việc, đến 1935 ông thi đậu vào ngạch thư ký Nhà Đoan (cơ quan hải quan). Năm 1939, ông cưới vợ, là tiểu thư con một vị quan ở Hải Phòng. Dù sống cuộc sống công chức Nhà Đoan, nhưng Nguyễn Huy Tưởng có một đời sống nội tâm phong phú, ông chăm đọc sách, chịu khó tìm ý tưởng, hàng ngày viết nhật ký.
Nguyễn Huy Tưởng (đứng, thứ hai từ phải qua) cùng các văn nghệ sĩ ở Việt Bắc. |
Từ năm 1938, Nguyễn Huy Tưởng đã hoạt động cho hội Truyền bá quốc ngữ. Cuối năm 1944, bắt đầu tham dự các buổi họp bí mật của hội Văn hóa cứu quốc. Tháng 4/1944, ông chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội công tác và được gặp các trí thức Hà thành như Nguyễn Xuân Huy, Như Phong, Nguyên Hồng, Nam Cao, Trần Huyền Trân... Tháng 6/1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của Văn hóa cứu quốc. Sau đó 2 tháng, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào, Tuyên Quang. Ông còn là đại biểu Văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóng, Tiên Phong. Tiếp đó ông giữ chức vụ Tổng Thư ký Ban Trung ương Vận động đời sống mới. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc. Ông qua đời ngày 25/7/1960, tại Hà Nội, khi mới 48 tuổi.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị về văn chương và lịch sử. Về tiểu thuyết có “Đêm hội Long Trì” (1942), “An Tư công chúa” (1944), “Truyện Anh Lục” (1955), “Bốn năm sau” (1959), “Sống mãi với Thủ đô”(1960)... Về kịch có “Vũ Như Tô” (1943), “Cột đồng Mã Viện” (1944), “Bắc Sơn” (1946), “Những người ở lại” (1948), “Anh Sơ đầu quân” (tập kịch - 1949), “Lũy hoa” (1960)... Về truyện ký có “Ký sự Cao Lạng” (1951), “Chiến sĩ ca nô”... Ngay trong lĩnh vực truyện thiếu nhi, ông cũng để lại những dấu ấn sâu sắc, có lẽ bởi ông chính là giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng; với “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Tìm mẹ”, “Thằng Quấy”, “Con cóc là cậu ông giời”, “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Kể chuyện Quang Trung”, “Cô bé gan dạ”... và một tập Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, dày 1.700 trang.
Nhà nghiên cứu - phê bình văn học, Tiến sĩ Nguyên An, đã từng nhận định về Nguyễn Huy Tưởng: Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử - truyền thống, sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng. Cũng theo Nguyên An, Nguyễn Huy Tưởng đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam!
Những giá trị còn mãi theo thời gian
Trong cuộc hội thảo mới đây về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, diễn ra tại quê hương ông mang tên “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú -Đông Anh”, một lần nữa những người trong giới đã cùng nhau khẳng định những giá trị “còn mãi với thời gian” của văn chương Nguyễn Huy Tưởng.
Giáo sư Phong Lê, người đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về văn chương và con người Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, không chỉ những tác phẩm lớn của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có giá trị vô giá và luôn là đề tài nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu sinh; mà ngay cả những trang nhật ký tưởng là những câu chuyện rất đời, rất riêng tư của nhà văn lại khiến người đọc như tìm thấy bài học cho chính mình.“Qua nhật ký và tự truyện của Nguyễn Huy Tưởng, điều bạn đọc có thể lưu tâm là một bối cảnh xã hội trong những chuyển động của buổi giao thời, với con đường nuôi thân lập nghiệp của một lớp người - một lớp tuổi trẻ rồi sẽ vào đời, trưởng thành và làm nên sự nghiệp vào năm 1930, đầu 1940. Một lớp tuổi trẻ rồi sẽ hướng vào con đường văn chương với mục đích kiếm sống nhưng cũng không phải hoàn toàn vì mục đích kiếm sống”, giáo sư Phong Lê khẳng định.
Một trong những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đến nay vẫn khiến các nhà phê bình, nghiên cứu văn học tốn nhiều bút mực là vở kịch “Vũ Như Tô”. Theo PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, bi kịch trong tác phẩm “Vũ Như tô” với giấc mơ Cửu Trùng Đài gợi ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ mà một trong những vấn đề ấy gắn liền với các di tích lịch sử. Còn TS Đỗ Thị Thanh Nga (Viện Văn học), người từng 10 năm nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng một lần nữa khẳng định giá trị thời đại của vở kịch Vũ Như Tô mà nhà văn muốn gửi gắm. Theo TS Đỗ Thanh Nga, 7 thập kỷ sau khi ra đời, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng giờ đây trở thành đối tượng của những nghiên cứu chuyên sâu và hứa hẹn những sự nhận chân mới. Sức hấp dẫn của vở kịch chính là từ những bài học nhân sinh, những kinh nghiệm lịch sử hàm chứa trong những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.