Sáng ngày 17/7, tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú – Đông Anh”, nhân kỷ niệm 55 ngày mất của nhà văn.
Ba cuốn sách mới tái bản nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. |
Cuộc hội thảo do UBND huyện Đông Anh, UBND xã Dục Tú phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, NXB Kim Đồng tổ chức; nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhà văn, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng nhân 55 năm ngày ông đi xa.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912, tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội. Tuy chỉ sống cuộc đời ngắn ngủi (ông mất ngày 25/7/1960, hưởng dương 48 tuổi) ông đã để lại một gia tài văn chương phong phú và một sự nghiệp hoạt động văn hóa, cách mạng đa dạng.
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn hóa lớn của làng văn học Việt Nam. Ông viết nhiều thể loại: Truyện ký, kịch với nhiều để tài, từ đề tài lịch sử, Thăng Long Hà Nội, chiến tranh vệ quốc , cho đến đề tài dành cho thiếu nhi. Thể loại nào, đề tài nào, tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng cũng mang giá trị vượt thời gian, vì trong đó chứa đựng và đặt ra những tư tưởng lớn rất sấu sắc; mà đỉnh cao là kịch “Vũ Như Tô” và tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”. Ông cũng được ghi nhận là một cây bút đặc sắc cho thiếu nhi với nhiều tác phẩm như “Tìm mẹ”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho nền văn học thiếu nhi dưới chế độ mới và là giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng.
Sớm hấp thụ truyền thống văn hóa – lịch sử của quê nhà, được gia đình cho đi hoc từ sớm khi còn nhỏ, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm đến các hoạt động yêu nước trong phong trào học sinh ở Hải Phòng; tham gia Hội truyền bá quốc ngữ; hoạt động Hướng đạo với mong muốn luyện “chí cả gan vàng”. Từ cuối năm 1943, ông gia nhập nhóm Văn hóa cứ quốc bí mật và trở thành một cán bộ nòng cốt của Mặt trận Việt Minh, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Trong sự hình thành tài năng và nhân cách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, quê hương đóng một vai trò hết sức quan trọng. Quê hương là cái nôi sinh thành, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ, vun đắp tình yêu non sông đất nước, ấp ủ khát vọng vươn lên đóng góp với đời, là chỗ dựa đẻ ông tìm về trong những bước đường hoạt động cách mạng và tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, cho đến nay yếu tố “quê hương” dường như chưa thực sự được quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu tương xứng với vai trò là “khởi nguồn” trong sự nghiệp văn chương và cách mạng của Nguyễn Huy Tưởng.
Vì lẽ đó, hội thảo lần này khẳng định sâu sắc hơn giá trị cội nguồn, tầm ảnh hưởng của quê hương Dục Tú đã đúc kết một con con người, một nhà văn, nhà văn hóa lớn Nguyễn Huy Tưởng. Hội thảo có 25 tham luận hướng tới các mảng đề tài: “Quê hương Dục Tú, Đông Anh khởi đầu những thành công của nhà văn, nhà văn hóa, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng”, đề tài về Nhật ký của ông, và mảng đề tài về tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng trong nhà trường phổ thông.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Thế Khiêm, Phó Chủ tịch UBND Huyện Đông Anh cho biết, để ghi nhận công lao đóng góp cả nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho sự nghiệp văn học và cách mạng, một ngôi trường tại Đông Anh được mang tên ông – Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng. Tại nhà truyền thống huyện Đông Anh hiện đang trưng bày và lưu giữ nhiều hiện vật về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong đó có bức tượng bán thân của ông bên cạnh một số di vật qúy giá khác. Năm 2008, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định gắn biển “Di tích cách mạng và kháng chiến” tại ngôi nhà của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ở thôn Tiền, xã Dục Tú, ghi nhân đây là nơi nhà văn đã sinh ra và lớn lên, cũng là nơi ông đưa các đồng chí trong hội Văn hóa cứu quốc về làm báo Tiên phong bí mật của Đảng.