Nghi lễ Mát nhà độc đáo của dân tộc Mường

Đồng bào Mường có một kho tàng văn hóa, tín ngưỡng dân gian phong phú với nhiều thể loại như: thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Khi nhắc đến văn hóa tín ngưỡng của người Mường, đồng bào thường nói về nghi lễ Mát nhà.

Lễ Mát nhà hay gọi như người Kinh là lễ giải hạn, chính là lễ để xua đuổi hóa giải những điều xấu, cầu may mắn. Nhiều gia đình thường tổ chức lễ này vào dịp đầu năm. Tuy nhiên cũng có những gia đình gặp điều không may thì tiến hành làm lễ Mát nhà vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Cũng có nhiều gia đình tổ chức lễ sau thời gian thu hoạch vụ mùa, khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm.

Để thực hiện lễ Mát nhà theo đúng nghi lễ truyền thống của làng, gia chủ phải chuẩn bị đồ lễ phục vụ khá chi tiết, cầu kỳ. Mâm lót lá chuối và được đặt ở các vị trí theo sự hướng dẫn của thầy mo. Lễ cúng được thực hiện từ 9 giờ sáng với hàng chục người phục vụ, bày biện đồ lễ …

Chú thích ảnh
Lễ cúng phải có các mâm cỗ với đủ các món: Rượu, xôi, thịt lợn, gà, chó, rau, quả đu đủ, hoa dâm bụt, trầu cau…

  

Chú thích ảnh
Để chuẩn bị cho lễ Mát nhà, gia chủ phải sắm sửa mâm lễ vật gồm 9 mâm to, 2 mâm nhỏ; mâm to mời Thành hoàng bản thổ, mời thổ công thổ địa, mời những thần lớn ở Mường Trời.
Chú thích ảnh
Các nghi lễ bắt đầu tiến hành tại nơi cửa sổ chính, quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn của người Mường, chỉ dành cho người có chức vụ cao nhất trong ngôi nhà được ngồi.
Chú thích ảnh
Trong lễ Mát nhà của người Mường Hòa Bình, vai trò của thầy mo rất quan trọng. Thầy mo là cầu nối giữa thần linh với con người. 

Ngày làm lễ, thầy mo chính là người có chức vị cao nhất trong ngôi nhà, là cầu nối giữa cõi trần và cõi âm, thực hiện toàn bộ nghi lễ diễn ra được thuận buồm xuôi gió. Thầy mo sẽ báo cáo, mời thánh thư của gia chủ. Đây là nghi thức bắt buộc đầu tiên đối với tất cả các thầy mo Mường khi tiến hành bất kỳ nghi lễ nào. Thánh thư trong quan niệm của người Mường rất quan trọng, nên sẽ được mời về để chứng giám, phù hộ cho mọi nghi lễ được diễn ra tốt đẹp, thuận lợi. 

Chú thích ảnh
Túi khót - túi đựng đồ làm lễ.

Túi khót là bí mật thiêng liêng được truyền lại từ nhiều đời làm thầy. Những đồ vật trong túi khót đều là những vật dụng vô cùng quý giá và đặc biệt như rìu đá cổ, nanh lợn rừng… mang ý nghĩa về sự may mắn, xua đi những điều gở.

Nghi lễ có ý nghĩa mở tiệc dâng các ngài, giúp đỡ xua đuổi tà ma, bắt đi những điều xấu, phù hộ cho gia chủ làm ăn khấm khá, con cháu khỏe mạnh. Tiếp theo, thầy mo mời các đấng bề trên thụ hưởng lễ vật, thưởng thức rượu cần của dân tộc Mường. Sau khi các vị thần hưởng lễ vật, thầy mo xin âm dương, cầu mong các vị thần thánh phù hộ cho đất Mường được bình an, mưa thuận gió hòa.

Chú thích ảnh
Chiếc quạt trên tay thầy mo là nghi lễ quạt đi những khí xấu, lấy lại những khí tốt đẹp, khí mát cho gia chủ. 
Chú thích ảnh
Thầy mo dùng một bát nước, vật dụng trong túi khót để vẩy quanh nhà cho gia chủ.

Nước tượng trưng cho những điều mát lành, vật dụng trong túi khót là những vật linh thiêng ẩn chứa trong đó sức mạnh. Thầy mo hòa chúng với nhau cùng những lời trú nguyện vẩy quanh nhà để làm mát nhà, mang những điều may mắn trở lại.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Thầy mo thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay, cầu phúc cho gia chủ và mọi người, với mong muốn mọi người luôn bình an, hạnh phúc.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Sau nghi lễ Mát nhà, người Mường quan niệm sẽ gặp may mắn, ấm no, mọi xui xẻo cũng từ đó tiêu tan. Gia chủ mời khách ăn cỗ, uống rượu cần và múa hát chung vui.
Lê Phú/Báo Tin Tức
Bảo tồn nhà sàn truyền thống dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng
Bảo tồn nhà sàn truyền thống dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, người Mường chiếm hơn 70% dân số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN