Theo nhiều chuyên gia, việc rèn thói quen đọc sách cần bắt đầu từ lứa tuổi trẻ em. Tuy nhiên, để các em có tình yêu với sách cũng đang là một thách thức không nhỏ đặt ra cho các tác giả viết sách, các nhà xuất bản, cũng như các bậc cha mẹ.
Mảng sách dành cho thanh niên rất phong phú, đa dạng
Văn hóa đọc ngày càng trở thành vấn đề nhận được sự quan tâm, chú ý của xã hội. Điều này được thể hiện thông qua các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa đọc như Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản"; Quyết định số 284/QĐ-TTg, ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam; Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020 định hướng 2030; Luật Thư viện; Luật Xuất bản...
Công tác phát triển văn hóa đọc cũng được các bộ, ngành quan tâm. Trong lĩnh vực xuất bản, các đơn vị xuất bản, phát hành sách ngày càng chú ý nâng cao chất lượng sách. Các đơn vị không chỉ xuất bản được nhiều đầu sách phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị mà còn chủ động cung cấp ra thị trường nhiều cuốn sách hay, giá trị cao đáp ứng tốt nhu cầu của độc giả.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Phụ nữ nhận định, Việt Nam hiện có hơn 60 nhà xuất bản nhà nước, cùng đó là rất nhiều công ty sách tư nhân. Các nhà xuất bản nhà nước được phân chia chức năng, nhiệm vụ rất rõ ràng, ví dụ như Nhà xuất bản Trẻ phục vụ đối tượng thanh niên; Nhà xuất bản Kim Đồng phục vụ thiếu thi, Nhà xuất bản Phụ nữ phục vụ đối tượng phụ nữ, gia đình, trẻ em...
Tuy nhiên, hiện giờ các nhà xuất bản có sự giao thoa, xuất bản nhiều cuốn sách dành cho nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có thanh niên. Ngoài ra, các đơn vị tư nhân như Nhã Nam, Alpha... và rất nhiều các đơn vị khác cũng rất quan tâm và có thế mạnh xuất bản các cuốn sách cho thanh niên, đặc biệt là sách văn học hay kinh tế. Các cuốn sách được xuất bản hiện nay thuộc nhiều lĩnh vực: chính trị, văn hóa, văn học, lịch sử, kỹ năng... Bên cạnh đó, tất cả những cuốn sách nổi tiếng, best seller, sách kinh điển, tri thức nền của thế giới đều đã được xuất bản ở Việt Nam. Có thể nói mảng sách dành cho thanh niên ở Việt Nam hiện nay khá tốt...
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, một số mảng sách có sự tăng trưởng khá ấn tượng, như: sách khoa học công nghệ, kinh tế tăng 83,8% số cuốn, 37,9% về số bản; sách thiếu niên, nhi đồng tăng 18,09% về số cuốn; sách từ điển, ngoại văn tăng 21,68% về số cuốn, 891,69% về số bản... Rất nhiều đầu sách không chỉ tốt về chất lượng nội dung, còn đẹp trong hình thức thể hiện; có thể kể đến một số đầu sách có số lượng phát hành cao.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên nêu rõ: "số liệu hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị xuất bản, phát hành cho thấy tốc độ tăng trưởng tốt, từ năm 2015 đến 2019, từ 330 triệu bản lên 410 triệu bản. "Sức mua có phát triển khá mạnh. Nếu trừ đi lượng sách giáo khoa, chúng ta vẫn còn gần 200 triệu bản sách. Như vậy là trung bình 2 bản sách/đầu người. Điều quan trọng là các kênh để đưa sách đến bạn đọc, trong đó có thư viện".
Giới trẻ dường như lại thờ ơ với sách
Dù các đơn vị xuất bản, phát hành sách đã có nhiều cố gắng nhưng giới trẻ hiện nay dường như không còn hứng thú với việc đọc sách. Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng, các tiện ích xã hội như internet, mạng xã hội: facebook, youtube…, khiến giới trẻ không còn thời gian dành cho việc đọc sách. Tình trạng đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng là một trong những tiêu chí được người đọc trẻ lựa chọn.
Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt, Vụ trưởng, Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Báo Nhân Dân nhận định: "Các sản phẩm của đọc đã hiện hiện đâu đó trong đời sống nhưng tại sao người ta không còn nhớ nó nữa, nó liên quan đến một thói quen của các bạn trẻ. Hiện giờ các bạn đọc rất nhanh, thậm chí đọc lướt. Số lượng đọc rất nhiều nhưng cái đi sâu vào suy nghĩ, tình cảm hay sử dụng như một sản phẩm đọc thì không nhiều. Vì vậy, các nhà tổ chức khu biệt trong nội dung văn hóa đọc thì họ đã tính đến yếu tố thói quen, thời đại khi hiện nay có quá nhiều công cụ, phương tiện tham gia vào quá trình đọc trong khi sự đọc khác hẳn với các công cụ khác. Đọc một quyển sách phải là một việc liên tục thì chúng ta mới nắm bắt được nội dung, trong khi đó các bạn trẻ ngày nay quá niều mối quan tâm, quá nhiều sự bận bịu".
Bên cạnh đó, việc đọc sách điện tử lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Bà Khúc Thị Hoa Phượng chỉ rõ thực trạng hiện nay là sách điện tử phát triển mới chỉ chiếm khoảng 15% cơ cấu sách ở Việt Nam hiện nay. Sách điện tử ở Việt Nam cũng như thế giới đều giá thành khá rẻ, chỉ bằng 1/3 sách giấy nhưng thị trường sách điện tử hiện nay không phong phú, sôi động vì gặp một rào cản lớn. Đó là độc giả Việt tải app (ứng dụng) đọc sách hoặc app bán sách là khá khó khăn, không có nhiều app để người đọc sử dụng vì mới đang là bước thử nghiệm. Nếu bạn có vốn ngoại ngữ, bạn có thể mua một gói sách ở nước ngoài, trả phần tiền nhất định để mua một tài khoản sách hoặc một app sách nhưng ở trong nước, sách điện tử chưa phong phú bằng sách giấy. Đó là điều đáng buồn và là thách thức để các nhà xuất bản phải vượt qua. Hy vọng với sự chỉ đạo của Nhà nước về công nghệ 4.0 và sự cố gắng của các nhà xuất bản sẽ có sự phát triển văn hóa đọc đối với sách điện tử trong tương lai.
Trong một bài viết về văn hóa đọc sách hiện nay, dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương dẫn chứng: "Những ai đã từng đến đọc sách ở các thư viện công lập ở các tỉnh, địa phương hẳn đều chứng kiến cảnh tượng 'đìu hiu' ở đây. Lượng bạn đọc đến với các thư viện này không nhiều và hoạt động phát triển văn hóa đọc ở đây chưa sôi nổi... Nếu chúng ta kỹ tính hơn khi so sánh văn hóa đọc ở đô thị với nông thôn, miền núi thì sẽ thấy vấn đề còn khoảng cách hơn nữa. Nhìn ra sinh hoạt xã hội chúng ta cũng thấy đọc sách chưa trở thành sinh hoạt tự nhiên thường ngày của người dân. Chúng ta hiếm khi nhìn thấy cảnh người dân đọc sách trong công viên, trên xe buýt, nhà ga hay ở các không gian công cộng, vui chơi giải trí khác. Sự hiện diện của tủ sách, giá sách trong các gia đình cũng không phổ biến bằng sự có mặt của các phương tiện nghe nhìn như tivi hay… tủ rượu.
Ngay chính trong trường học, nơi lẽ ra văn hóa đọc phải đóng vai trò thống soái thì sự hiện diện của văn hóa đọc ở đây cũng rơi vào tình trạng cầm chừng...".
Hướng trẻ em đến tình yêu với sách
Theo nhiều chuyên gia, muốn phát triển văn hóa đọc, việc hình thành thói quen đọc sách cần bắt đầu từ lứa tuổi trẻ em. Thực tế cho thấy, ở thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, văn hóa nghe - nhìn đang lấn át văn hóa đọc... Việc làm thế nào để nuôi dưỡng ham mê đọc sách ở trẻ là một thách thức không nhỏ đặt ra không chỉ đối với các tác giả, các nhà xuất bản mà còn các bậc cha mẹ.
Dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng ở tầm vĩ mô, nhà nước cần phải sớm có luật phát triển văn hóa đọc để tạo cơ sở pháp lý cũng như ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên có liên quan trong phát triển văn hóa đọc. Chẳng hạn luật này sẽ quy định rõ chính quyền địa phương các cấp phải quan tâm thích đáng đến văn hóa đọc bằng cách dành ngân sách cho phát triển văn hóa đọc, có các kế hoạch chính sách cụ thể đối với văn hóa đọc trong chính sách chiến lược phát triển địa phương. Các địa phương cũng phải có nghĩa vụ phải hợp tác, trợ giúp các tổ chức, cá nhân muốn phát triển văn hóa đọc. Đạo luật này một khi ra đời cũng sẽ có tác dụng làm thay đổi tư duy đối với văn hóa học của các cán bộ, công chức từ trung ương tới địa phương.
Các bộ ngành có liên quan phải cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống thư viện công và đặc biệt phải đổi mới tư duy về vai trò, phương thức hoạt động để biến thư viện thành trung tâm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, đa dạng thay vì cách thức phục vụ cứng nhắc nặng tính hành chính hiện thời.
Đối với những người làm công tác phát triển văn hóa đọc như cán bộ văn hóa, thủ thư, giáo viên, những người say mê văn hóa đọc… cần tích cực, chủ động mở rộng phạm vi hoạt động, tận dụng mọi cơ hội về không gian, thời gian để biến hoạt động đọc sách thành sinh hoạt thường ngày của bản thân, của cộng đồng nơi mình thuộc về.
Thư viện là trái tim của trường học, thư viện là trái tim của thành phố và thư viện quốc gia là trái tim của đất nước - thành phố nào, đất nước nào, nơi nào đẹp nhất là của thư viện. Thư viện phải là trung tâm thông tin, trung tâm đọc sách, trung tâm học tập. Người cán bộ thủ thư không chỉ là người đi lấy sách cho mượn, quản lý sách mà phải là người khai sáng văn hóa và quan trọng hơn ở trường học cũng như thư viện quốc gia phải là người hướng dẫn người đọc học trong cuốn sách.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, trường học là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc, vì thế cùng với đẩy mạnh cải cách giáo dục hướng đến nền giáo dục hiện đại, tôn trọng tự do học thuật, nhu cầu truy tìm chân lý, các trường học cần coi việc xây dựng văn hóa đọc là công việc quan trọng đầu tiên để hình thành sinh hoạt trường học. Nhân viên thư viện khi rỗi phải đọc sách, cán bộ thư viện yêu sách trước, quản lý thư viện yêu sách, thầy cô cũng phải đọc sách thì học sinh mới đọc sách. Trong trường thầy cô giáo phải đóng vai những người dẫn dắt, khi đã trở thành nhu cầu sẽ có những nơi để thỏa mãn, lúc đó những cuốn sách sẽ "trôi về" bằng những đóng góp, bằng những người bán sách rong, bằng các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản được lợi là sẽ có các nhà đọc sách tương lai và cái thu lợi chính là những người mua sách của tương lai.
Các đơn vị xuất bản, phát hành sách vẫn phải đặc biệt quan tâm đến nội dung, hình thức của xuất bản phẩm; theo đó cần thường xuyên đổi mới, bắt kịp, đón đầu xu thế thị hiếu của trẻ nhỏ nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm các yếu tố gần gũi, có tính giáo dục, khơi gợi sự sáng tạo để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trong sáng, có ý chí, nghị lực ngay từ khi còn nhỏ.
Đặc biệt, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ em tình yêu đối với sách. Khi trẻ đọc sách bao giờ cũng có nhu cầu trao đổi với bố mẹ về nội dung cuốn sách, nghĩa là kiến thức nội dung sách phải chuyển hóa bằng nhiều cách thức, dạng thức khác nhau mới kích thích hứng thú đọc sách. "Trước hết, bố mẹ cần dẹp bớt tivi, phương tiện giải trí thay bằng sách trong nhà; làm gương cho trẻ bằng cách khi con đọc sách bố mẹ cũng cần đọc sách. Nếu bố mẹ không yêu sách, không thật sự trân trọng sách, trân trọng người làm ra sách, đứa con trong vô thức bị tiêm nhiễm môi trường văn hóa đó sẽ không yêu sách. Muốn giàu có phải có kiến thức, trong đó phải đọc sách. Đọc sách mở ra nhiều kiến thức. Cuộc sống nhiều rủi ro, bất trắc, người có học, người đọc sách sẽ biết tìm kiếm sự bình an bằng tri thức và sự giác ngộ thông qua nhận thức cuộc sống" - nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương khẳng định.