Tái hiện lễ cúng thần lửa tại hội xuân được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Minh /TTXVN |
Hội Xuân thu hút hơn 500 nghệ nhân thuộc các bon trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, đoàn viên thanh niên thuộc 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cùng hàng nghìn khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Đây là dịp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa cũng như tỉnh Đắk Nông giao lưu văn hóa, chia sẻ những đặc trưng văn hóa của dân tộc mình và quảng bá những sản phẩm du lịch đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Tại Hội Xuân, các già làng đã tái hiện các nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số M'Nông, Mạ như Lễ đón bạn, Lễ Iun Jông (Lễ gắn kết tình thân), Lễ cúng thần lửa... với mong muốn những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Các nghi lễ được thực hiện tại lễ hội đã thể hiện triết lý sống tôn trọng thiên nhiên, thần linh và đề cao tinh thần tương thân tương ái, tinh thần vì cộng đồng của người Mạ, M'Nông. Đây cũng là nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số của thị xã Gia Nghĩa cũng như tỉnh Đắk Nông.
Tại Hội Xuân, các vận động viên đua tài ở các môn thi truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số M'Nông như nhảy bao bố, kéo co, đẩy gậy, giã gạo nấu cơm nhanh, dệt thổ cẩm, đan lát, diễn tấu cồng chiêng ...
Các chương trình từ phần hội, phần lễ, các tiết mục tranh tài đều diễn ra sôi động, hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc và mang nhiều nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thu hút sự tham gia, cổ vũ của đông đảo người dân tham dự.
"Dù ai đi đâu, ở đâu. Tháng Giêng mười bảy, chọi trâu thì về. Dù ai buôn bán trăm nghề. Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) không những là một trong những lễ hội cổ xưa nhất mà còn mang đậm nét văn hóa dân gian.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu diễn ra từ ngày 15 - 17 tháng Giêng (Âm lịch). Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội chọi trâu Hải Lựu có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen.
Phần lễ diễn ra vào ngày 15 vẫn giữ nguyên những nghi thức truyền thống với các nghi lễ trang trọng, mở đầu là lễ tế Thành Hoàng làng, người dân Hải Lựu thực hiện lễ tế Tổ trang nghiêm, lễ trình trâu và cùng nhau ăn uống, ca hát. Ngày 16-17, các “ông cầu” sẽ tranh ngôi vô địch.
Từ chỗ chỉ có khoảng 10 trâu chọi tham gia, sau nhiều năm tổ chức, số lượng trâu trọ đã tăng lên 32 trâu. Các “ông cầu” được chia thành cặp đấu vòng loại, các trâu thắng sẽ tiếp tục tham gia vòng trong để tranh thứ hạng nhất, nhì... Năm nay, lễ hội có 32 "ông cầu” của 19 thôn và các tổ chức, đoàn thể trong xã Hải Lựu tham gia thi đấu, được mua về từ mọi miền đất nước.
Theo ông Hà Văn Thư , Chủ tịch UBND xã Hải Lựu: Bên cạnh việc thành lập các Ban chỉ đạo, ban tổ chức, các tiểu ban phục vụ lễ hội, địa phương đã có những bổ sung cần thiết chỉnh sửa quy chế cho phù hợp với sự phát triển của lễ hội; các phương án bảo vệ sới chọi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho du khách đến xem.
Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, UBND xã Hải Lựu đã huy động bảo vệ đứng chốt tại các khu vực để đảm bảo an ninh trật tự. Để đảm bảo an toàn về sinh giết mổ, trước khi lễ hội diễn ra. UBND xã Hải Lựu đã tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu độc, quy hoạch khu riêng bày bán thịt trâu. Ban tổ chức đã cho 100% chủ trâu chọi ký cam kết không bày bán thịt trâu thường trong khu vực trâu chọi và cam kết giết mổ an toàn.
Màn gieo pháo của đội pháo xã Đức Xương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN |
Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc năm 2017, sáng 12/2, tại sân đá Tam quan ngoại chùa Côn Sơn đã diễn ra Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ VII, với sự tham gia của trên 200 pháo thủ đến từ 8 đội pháo đất của 3 huyện thuộc tỉnh Hải Dương là: Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc. 8 đội gồm: Ninh Hòa, Tân Hương, An Đức, Quang Hưng, Nghĩa An (huyện Ninh Giang), Minh Đức, Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) và Đức Xương (huyện Gia Lộc).
Mỗi đội chọn 20 pháo thủ chính thức và 6 pháo thủ dự bị. Mỗi đội tổ chức thi đấu 4 dây pháo, để tranh các giải cá nhân và tập thể ở hai nội dung pháo đại, pháo tiểu.
Theo thể lệ, mỗi pháo thủ chỉ được gieo pháo 1 lần của 1 dây trong một bàn pháo. Ở mỗi dây pháo, mỗi đội chỉ được gieo 20 pháo, mỗi dây pháo thi đấu trong thời gian 45 phút. Pháo gieo xuống bàn pháo phải dài từ 2 thước trở lên (tương đương với 80cm) tính ở hai đầu mép ngoài của manh pháo.
Kết quả, ở nội dung pháo đại, giải Nhất cá nhân dài dây và bền dây 8 thước thuộc về pháo thủ Nguyễn Đình Phùng (đội pháo xã Nghĩa An, Ninh Giang); Nhất toàn đoàn thuộc về đội Nghĩa An (Ninh Giang) với tổng chiều dài các dây pháo là 562,1 thước.
Ở nội dung pháo tiểu, giải Nhất cá nhân dài dây thuộc về pháo thủ Triệu Văn Hân (đội pháo xã An Đức, Ninh Giang); Nhất toàn đoàn thuộc về đội Đức Xương (Gia Lộc) với tổng chiều dài các dây pháo là 438 thước.