Hội nghị đã nêu những vấn đề trong đổi mới sáng tác, quyền tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới cho 275 cán bộ tuyên giáo, cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa, văn nghệ, Hội Văn học, nghệ thuật của 30 tỉnh, thành phía Bắc và một số tỉnh miền Trung.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: Hội nghị giúp học viên cập nhật về quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2022 và định hướng, giải pháp phát triển văn hóa văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Học viên tiếp cận vấn đề xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; vấn đề tiếp thu, vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam; nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm quyền tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội Văn học, nghệ thuật; hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; nắm bắt thông tin về tình hình văn xuôi, tình hình âm nhạc trên không gian mạng hiện nay... Trên cơ sở đó, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm xử lý một số vấn đề thực tiễn nhằm nâng cao năng lực xử lý các tình huống nảy sinh trong đời sống văn học, nghệ thuật ở các địa phương, đơn vị.
Tại Hội nghị tập huấn, các giảng viên đã truyền đạt những yêu cầu cần thiết, góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, kỹ năng nghệ nghiệp, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó giúp đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa -văn nghệ nắm bắt sát, đúng tình hình thực tiễn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Hội nghị giới thiệu đến các học viên nghe 7 chuyên đề trọng tâm gồm: Vấn đề xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; Tiếp thu vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài và điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay; Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật-hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; Tình hình văn xuôi hiện nay; Âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng và chuyên đề nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật bảo đảm tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; Từ Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021; Những vấn đề đặt ra cho hôm nay và nhiều năm tới.
Năm nay, đội ngũ giảng viên tham gia tập huấn là các Giáo sư, Phó Giáo sư, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình có uy tín chuyên môn trong giới, các nhà lãnh đạo, quản lý dày dặn kinh nghiệm, nắm vững cả lý luận và hoạt động thực tiễn để truyền đạt các chuyên đề. Chủ đề tập huấn sát với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị giai đoạn tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ phát triển văn hóa được nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; sát với thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật và chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng.
Dịp này, các học viên được đi thực tế một số di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh như Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu Di tích đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc…, sau đó viết thu hoạch. Ban Tổ chức Hội nghị trao giấy chứng nhận cho các học viên.