“Văn Lang cả làng nói khoác” là câu truyền miệng từ rất xa xưa mà người dân quanh vùng đặt cho xã Văn Lang (nay có tên là xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Văn Lương nằm trên những quả đồi đá sỏi, cuộc sống còn khó khăn, nhưng nhờ sự vui tính, sôi nổi, hồn nhiên mà người dân trong làng luôn yêu đời và đoàn kết xây dựng quê hương.
Là xã thuần nông của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, cuộc sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây sắn nhưng không biết từ bao giờ trong lao động sản xuất hàng ngày người Văn Lương đã sáng tác nên những câu chuyện cười mộc mạc mà chỉ người nông dân mới có.
Các cụ cao niên trong xã Văn Lương cho biết: Tiếng cười Văn Lương được hình thành chính từ lao động sản xuất của người nông dân, người Văn Lương tự sáng tác ra những câu chuyện cười để quên đi mệt nhọc trong lao động sản xuất. Ví dụ như: Củ sắn xuyên qua đường 24 (đường 24 thuộc quốc lộ 32C cũ), hoặc hai củ khoai tranh nhau lớn, những câu nói hài hước, dí dỏm trên chính là mong muốn những giá trị người nông dân làm ra sẽ nhiều hơn để cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Ở Văn Lương, từ già đến trẻ đều biết "nói khoác". Người dân Văn Lương "nói khoác" không có văn bản, dàn dựng hay có sự chuẩn bị sẵn mà những câu chuyện cười cứ tự nhiên, hóm hỉnh và dung dị như chính cuộc sống của họ. Chính trong quá trình sản xuất, lao động, quanh cuộc sống đời thường hàng ngày, họ đã cho ra những chuyện cười độc đáo và hấp dẫn.
Gặp người dân Văn Lương trên đồi sơn những ngày giáp Tết mới thấy hết không khí hăng say lao động, sản xuất chuẩn bị Tết Nguyên đán và những tiếng cười rôm rả của họ.
Ông Hán Duy Hùng, khu 4 xã Văn Lương, huyện Tam Nông cho biết: Những nguồn vui đối với quê tôi rất đáng kể, các cụ ta đã có câu “nụ cười là 10 thang thuốc bổ”, trên bãi sắn, nương khoai, đồi sơn này, chúng tôi có những câu chuyện giải trí, xua tan mệt nhọc. Nói rồi ông Hùng luyến láy: Cứ cười là hết mệt, cười cho tạnh mưa, cười cho mòn sỏi đá để trồng hoa, chuyện làng tôi trai gái trẻ già, ai cũng nói những điều vui đến thế.
Khi nông nhàn, những câu chuyện bên chén trà cũng mang đến nhiều nụ cười cho nhau. Nghệ thuật "nói khoác" của người dân làng Văn Lương là ở chỗ biết quan sát, dựng chuyện, những cái tưởng như bình thường nhưng qua chất giọng đặc biệt của người dân Văn Lương trở nên hài hước như một thứ duyên thầm.
Chị Trần Thị Hương Sơn, khu 2, xã Văn Lương bộc bạch: “Chuyện cười hài hước của Văn Lang quê tôi có từ đời nào không biết, khi lớn lên chúng tôi thấy mọi người theo ông cha nói chuyện hài hước để quên khó khăn trong cuộc sống. Văn Lang quê tôi nghèo lắm, khi lao động chúng tôi làm trên đồng ruộng, kể cho nhau nghe những câu chuyện hài".
Ông Cù Minh Loan, Chủ tịch UBND xã Văn Lương, huyện Tam Nông cho biết: Nghệ thuật "nói khoác" ở Văn Lương đã có từ bao đời nay. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần ấy, hàng năm vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch, xã tổ chức Cuộc thi kể chuyện cười giữa các khu trong xã để người dân giao lưu và giữ gìn nét văn hóa ấy.
Chính từ giá trị đời sống tinh thần đã thúc đẩy đời sống vật chất của người Văn Lương. Từ một xã thuần nông, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 36%, đến nay giảm còn 22,3%. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định. Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng bằng việc hiến đất mở đường, năm 2012 xã mở xong tuyến đường liên thôn với chiều dài 2,2 km. Có những gia đình hiến trên 400m2 để làm công trình chung, đặc biệt có nhiều hộ nghèo tham gia hiến đất.
“Văn Lương sẽ trải nhựa, bê tông hóa những con đường đất lầy lội trong xã thời gian tới”, ông Cù Minh Loan, Chủ tịch UBND xã Văn Lương khẳng định. Đó là kết quả của sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân trong đó có yếu tố quan trọng là tinh thần lạc quan của người Văn Lương.
Vũ Bắc