“Đặc sản” chuyện cười làng Văn Lang

Có một làng nhỏ nằm ven bờ sông Thao hiền hòa, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và nuôi tằm dệt vải. Trong cuộc mưu sinh đầy gian khó, cư dân nông nghiệp nơi đây đã tạo cho mình một “đặc sản” tinh thần mà khi nhắc tới làng Văn Lang xã Văn Lương (Tam Nông - Phú Thọ) ai ai cũng nhớ đến. Đó là những câu chuyện cười.


Cả làng “nói phét”


Đó là câu nói tự hào của người dân làng Văn Lang, ở Phú Thọ. Ở đây có những câu chuyện trào lộng, nghe xong là người không hay cười cũng bật lên sảng khoái. Từ đó, câu nói “Văn Lang cả làng nói phét” được lan truyền khắp nơi. Có những người ở xa chưa được nghe chuyện cười Văn Lang thì cố tìm trên mạng hay dò hỏi để được đọc, được nghe kể để được cười.


Hội thảo về làng cười Văn Lang.


Đề tài của những câu chuyện cười Văn Lang không hề xa lạ mà gắn với những câu chuyện về bông lúa củ khoai, con cua con cá, con gà con lợn hay cách ứng xử giữa con người với con người.


Đến nay, từ người cao tuổi đến những người trẻ tuổi đều không biết có bao nhiêu câu chuyện cười và bao nhiêu đề tài. Chỉ biết rằng, không dừng lại ở một thời điểm nhất định, theo thời gian dù vào những lúc làng đói kém nhất cho đến khi sung túc, lúc nông nhàn hay khi bận rộn, những câu chuyện cười đều được ra đời, được kể và lan truyền khắp làng quê.


Không gian diễn xướng của chuyện cười Văn Lang rất giống với những câu chuyện cười xưa và ca dao dân ca. Bởi chuyện không phải được kể ở những nơi đài các mà người dân nơi đây kể ở những địa điểm gắn liền với công việc lao động của họ. Dưới gốc đa làng - nơi nghỉ ngơi của người dân đi làm đồng về, dưới lũy tre làng - nơi bọn trẻ chăn trâu thả diều, trên cánh đồng - nơi bà con gặt lúa, sân đình - nơi sinh hoạt văn hóa, ven đường - nơi người dân gặp gỡ và trò chuyện… Đó là những khoảng không gian thấm đẫm chất quê, gần gũi với cuộc sống lao động bình dị.


Sau những giờ lao động vất vả, ngồi nghỉ giải lao bên giếng làng hay bờ ruộng, người nông dân tụm nhau lại, một người đứng lên kể một câu chuyện, những người còn lại ngồi lấy nón quạt mát hay cầm bát nước chè sóng sánh đưa lên miệng để nghe chuyện. Nghe xong, tất cả cười những trận cười giòn giã làm xua tan đi biết bao mệt nhọc, làm khô đi những giọt mồ hôi trên mặt. Chẳng hạn câu chuyện Ăn cá không phải giở mình do tác giả Châu Nhị kể, nghe xong ai mà không cười: “Hôm nay đi làm cỏ lúa, may thay em vồ được con cá rô, em giắt vội vào cạp váy, em mang nó về, em mời cụ đẻ em, bố chồng em và cả ông trẻ em đến nhắm rượu. Cả ba người nhắm hết hai chai bố, lại ăn uống no nê mà con cá vẫn không phải giở mình”. Hay bọn trẻ chăn trâu ngồi dưới lũy tre nghe một cụ già chống gậy kể một câu chuyện cười, bọn trẻ ngồi nghe, mắt lim dim nhưng nghe xong bọn chúng cười toáng lên sảng khoái và muốn nghe nữa.


Theo lãnh đạo UBND xã Văn Lương thì chuyện cười Văn Lang được bảo tồn chủ yếu theo hình thức truyền miệng và ghi chép. Hằng năm, sau khi lúa mạ đã xong, làng Văn Lang thường tổ chức thi kể chuyện cười. Người tham gia cuộc thi không phải ai khác là những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm khó nhọc với ruộng đồng. Trong cuộc thi, ai kể câu chuyện mà người nghe cười to nhất, cười nhiều nhất, cười đến nghiêng ngả thì người đó sẽ giành phần thắng.


Gửi gắm những ước mơ và triết lý


Tuy ngắn gọn, mỗi chuyện chỉ vài ba câu, kể chưa đầy hai phút thì hết nhưng những câu chuyện cười Văn Lang không chỉ kể để cho vui, cho hết thời gian mà còn là nơi để người dân nơi đây kể cho nhau nghe để gửi gắm những ước mơ giản dị, những triết lý nhân sinh trong cuộc sống. Những câu từ và hình ảnh của từng câu chuyện giản dị, dễ hiểu nhưng chứa ước mơ của người dân lao động lại hết sức cao đẹp.


Đó là ước mơ về thành quả lao động to lớn của người nông dân. Câu chuyện Cây cải canh do tác giả Phan Thị Định kể đã nói lên ước mơ ấy: “Nhà bác tôi có một cây cải canh cao to như cây lim, lá to như lá đao, xòe như tán bàng. Chẳng thế mà trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một đơn vị bộ đội hành quân qua, gặp cơn mưa rào. Cả đơn vị nào người, nào pháo, ấn vội vào gốc. Ấy thế mà sau hơn một giờ mưa tầm tã, các chiến sĩ chẳng một ai ướt mũ áo”. Nghe qua, ai cũng bật cười và cho rằng chuyện bịa. Đúng là bịa thật nhưng từ trong lòng câu chuyện, ước mơ về mùa màng bội thu của người dân lao động bình dị được gửi gắm.


Hay câu chuyện Trâu húc nhau do tác giả Trần Xuân Trục kể: “Một lão nông chi điền ra chuồng trâu sau nhà thấy xung quanh có nhiều phân rơi vãi thì lẩm bẩm: “Bí phân trâu, bầu phân lợn”. Miệng nói tay làm, ông lão quén phân, rác vào một cái hố rồi thả xuống mấy hạt bí, vùi lại. Bẵng đi một thời gian, vào buổi trưa, đứa cháu nội chuẩn bị hối trâu đi thả thì bỗng chạy vào nhà gọi toáng lên:


- Ông ơi! Trâu nhà ai đen trùi trũi, da bóng lộn đang húc trâu nhà mình kia kìa! Mắt nhắm mắt mở, ông lão lập cập chạy ra thì thấy quanh chuồng trâu, bụi bay mù mịt, có mấy con trâu da bóng nhẫy đang vây quanh. Ông vội chạy vào nhà vác đòn gánh ống (đòn xóc) ra đuổi. Nhưng đến nơi định thần lại, ông lão mới vỡ lẽ. Thì ra bụi bay mù mịt không phải là trâu húc nhau mà đó là mấy quả bí đang cựa mình, thi nhau lớn”. Người nông dân từ bao đời nay vẫn có những ước mơ cao đẹp như thế, họ mong ước được mùa và no ấm. Những câu chuyện cười như bịa ấy ở làng Văn Lang đã chắp cánh ước mơ cho họ.


Nói về sự đảm đang của người nông dân nơi làng quê, chuyện cười Văn Lang cũng có những câu chuyện làm cho người ta sảng khoái: “Một hôm khách làng bên đến chơi nhà. Ở nhà chỉ có em và ông em. Ông em tiếp khách, một mình em sắp bữa. Em vội xuống giếng chân đồi xách nước về đổ vào cái xiêu đun, nước sôi em đem một nửa để ông em pha trà, còn một nửa làm lông gà, luộc gà và thổi cơm. Ông em và khách uống chưa hết một tuần trà mà cơm đã chín, thức ăn cũng sắp xong. Ông khách ngạc nhiên hỏi ông em là nhà có âm binh hay sao mà cả mâm cỗ thịnh soạn chỉ trong nháy mắt đã đâu vào đấy. Ông em thích thú vuốt râu, cười khà khà chỉ tay vào em mà bảo: Đây, “âm binh thiên tướng” đây (Tài sắp bữa - cụ Phan Văn Chí kể).


Về Văn Lang hôm nay, người dân quê trung du bình dị và mến khách luôn đón khách bằng sự cởi mở và bằng những câu chuyện cười như để làm “đầu câu chuyện” vậy. Gặp ai dù già hay trẻ, dù ở ven đường hay nơi gốc đa, khách muốn được nghe một câu chuyện cười thì chẳng khó khăn gì.


Ai có dịp đi qua Văn Lang, xin bớt chút thời gian ghé lại để chiêm ngưỡng và thưởng thức “đặc sản” tinh thần nơi đây.



Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN