Theo Ban tổ chức, qua 2 tháng phát động (từ ngày 1/8 - 31/10), cuộc thi đã nhận được 90 tác phẩm của 25 tác giả. Các tác phẩm tập trung ca ngợi công cuộc xây dựng nông thôn mới; đề cao sự gắn kết, chia sẻ yêu thương trong cuộc sống; phê phán những thói hư, tật xấu, tệ nạn rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan; vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông…
Các bài dự thi theo đúng quy định, gồm sáng tác mang các điệu thức trong hệ thống bài bản của nghệ thuật tài tử (Bắc, Hạ, Nam, Oán, Ngự); các bài vọng cổ nhịp 16 và các liên khúc lý.
Với sự tích cực tham gia của các tác giả chuyên và không chuyên trong phong trào đờn ca tài tử, bước đầu đáp ứng mục tiêu khuyến khích, động viên, tạo sân chơi lành mạnh cho đội ngũ tác giả có cơ hội tham gia sáng tác lời mới cho các bản tổ của Đờn ca tài tử Nam bộ.
Đặc biệt, đây cũng là cuộc thi nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 51 (ngày 4/1/2023) của Tỉnh uỷ tỉnh Long An về việc "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo". Qua đó, nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Kết quả, Ban Tổ chức trao 17 giải cho các tác phẩm, gồm: 2 giải A, 4 giải B, 5 giải C và 6 giải Khuyến khích. Trong đó, giải A sáng tác mang các điệu thức trong hệ thống bài bản của nghệ thuật tài tử thuộc tác phẩm “Về lại Long An” theo thể điệu Nam Xuân, của tác giả Nguyễn Hữu Nam (huyện Cần Đước); giải A với thể điệu liên khúc thuộc tác phẩm “Du xuân” của tác giả Biện Hữu Hùng Dũng (Đoàn nghệ thuật cải lương Long An); giải B (không có giải A) thể loại vọng cổ 16 nhịp thuộc tác phẩm “Tình mẫu tử”, của tác giả Nguyễn Huỳnh Triều (thành phố Tân An).