Tạo điều kiện thuận lợi để truyền dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Ngày 5/12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp mặt kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013 - 2023).

Chú thích ảnh
Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh minh họa: Chanh Đa/TTXVN

Tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy chia sẻ: Bạc Liêu là một trong 21 tỉnh, thành lưu giữ và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cho các thế hệ mai sau, ông Phan Thanh Duy đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, Nghệ thuật Đờn ca tài tử nói riêng. Đồng thời, Sở tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong các gia đình, trường học, các câu lạc bộ, cộng đồng dân cư,… nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân.

Nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ngày càng sâu, rộng, hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu có kế hoạch phối hợp, liên kết cụ thể để tổ chức giao lưu gặp mặt các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tiêu biểu, Liên hoan Đờn ca tài tử của địa phương hàng năm; tổ chức trưng bày, giới thiệu những tài liệu hiện có của Đờn ca tài tử; thi sáng tác những bài bản mới về Đờn ca tài tử; khuyến khích tuổi trẻ tham gia luyện tập các sáng tác mới có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước và con người Bạc Liêu,… Bên cạnh đó, ngành chức năng tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Trong 10 năm triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả đáng kể. Đáng chú ý là tỉnh thực hiện hơn 1.500 lượt tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử thu hút hơn 100.000 lượt người tham dự; phát hành trên 500 ấn phẩm phục vụ công tác nghiên cứu và tìm hiểu về Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Cùng với đó, tỉnh tổ chức 27 lớp về Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn, thu hút hơn 2.500 người tham gia.

Bạc Liêu thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử; đưa hoạt động Đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa ấp, gắn kết các hoạt động bảo tồn và phát triển phong trào Đờn ca tài tử với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nhạc công tham gia các lớp dạy đờn nâng cao, sáng tác trong lĩnh vực Đờn ca tài tử.

Chú thích ảnh
Nhạc cụ trong Đờn ca tài tử gồm đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò, đàn tam; ngoài ra còn có sáo phụ họa (thường là sáo bảy lỗ). Hiện nay, có một loại đàn mới do các nghệ nhân Việt Nam cải biến là Guitar phím lõm. Loại nhạc cụ này được khoét lõm các ngăn sao cho khi đánh lên nghe giống nhạc cụ Việt Nam nhất (âm cao). Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử “Lê Tài Khí”; hỗ trợ trang thiết bị sinh hoạt cho 47 Câu lạc bộ đờn ca tài tử của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, với tổng kinh phí trên 703 triệu đồng.

Thời gian tới, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng. Tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân về giá trị to lớn của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại; nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, mỗi cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo của Nam Bộ. Địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong các gia đình, nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, nhân dân địa phương…

Dịp này, các đại biểu đã nêu thực trạng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp để loại hình này ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong đời sống của nhân dân thời gian tới.

Tuấn Kiệt (TTXVN)
Định hướng phát triển hoạt động Đờn ca tài tử, cải lương
Định hướng phát triển hoạt động Đờn ca tài tử, cải lương

Tối 4/12, Lễ bế mạc Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Trích đoạn cải lương và Liên hoan Đờn ca tài tử lứa tuổi thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long năm 2023 diễn ra tại Quảng trường thành phố Vĩnh Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN