Phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, góp phần phát triển du lịch bền vững

Tối 29/4, tại Đền thờ Vua Hùng, quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) đã diễn ra Liên hoan Đờn ca tài tử thành phố Cần Thơ lần thứ 9, năm 2023.

Chú thích ảnh
Tiết mục đờn ca tài tử của đơn vị huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Liên hoan do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng; thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Liên hoan Đờn ca tài tử thành phố Cần Thơ diễn ra từ ngày 29/4 - 2/5, với sự tham gia của 38 tài tử, nghệ nhân đờn và 55 tài tử, nghệ nhân ca đến từ Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh của 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên không chuyên và quần chúng nhân dân được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân đàn, hát có triển vọng từ quần chúng, tạo nguồn phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

Các đơn vị tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử xây dựng chương trình thi diễn với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu lứa đôi; những thành tựu xây dựng quê hương đất nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng trong thời kỳ đổi mới; gương người tốt, việc tốt trong lao động, sản xuất; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và văn hóa nông thôn mới, xây dựng và phát triển người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, được hình thành và phát triển trong quá trình khẩn hoang, lập nghiệp của người dân vùng đất phương Nam. Đờn ca tài tử vừa chứa đựng nét tinh hoa nghệ thuật dân tộc, vừa mang tính bác học trong hệ thống bài bản, vừa mang tính dân gian trong sinh hoạt cộng đồng; sinh hoạt đờn ca trở thành thú vui tao nhã, tri âm, tri kỷ và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ.

Ý thức được tầm quan trọng của giá trị văn hóa tinh thần đối với quần chúng nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Đề án "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020" và Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030"; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật thiết thực, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án như: tổ chức liên hoan đờn ca tài tử thành phố định kỳ 2 năm/lần, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử định kỳ hàng tuần tại bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, thực hiện chương trình "Tài tử miền sông nước" quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử trên sóng phát thanh truyền hình... Từ đó, khai thác lợi thế nghệ thuật Đờn ca tài tử để phục vụ du khách và phát triển du lịch tại địa phương theo hướng bền vững.

Thu Hiền (TTXVN)
Bạc Liêu: Gắn đờn ca tài tử với phát triển du lịch
Bạc Liêu: Gắn đờn ca tài tử với phát triển du lịch

Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh, quê hương bản Dạ cổ hoài lang của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bản nhạc lòng “bất hủ” đặt nền móng cho sự phát triển của loại hình âm nhạc “vọng cổ” và nghệ thuật sân khấu cải lương hiện nay. Bạc Liêu cũng là quê hương của chàng Công tử Bạc Liêu với cốt cách “hào sảng”, phóng khoáng, nghĩa tình của người dân Nam Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN