Liveshow Trọng Tấn “Bài ca không quên”: Một nốt trầm không lặng

Chỉ có 1 đêm, nên thật tiếc cho những khán giả đã không có cơ hội được nghe “Ông hoàng nhạc đỏ” Trọng Tấn tự khẳng định vị trí không thể thay thế của mình trong nền nhạc đỏ; đồng thời tự làm mới mình để thấy một Trọng Tấn thật là đa sắc.


Trọng Tấn với ca khúc "Hoa sim biên giới" trong chương trình. Ảnh: Bá Lục

Liveshow Trọng Tấn “Bài ca không quên” chỉ diễn ra một đêm duy nhất, 21/11, tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Bởi dẫu như tiết lộ của ca sĩ khách mời Hồ Quỳnh Hương, là vợ chồng Trọng Tấn rất giàu, rất giỏi kiếm tiền, bởi dẫu chính công ty của vợ Trọng Tấn là đơn vị tổ chức chương trình; nhưng để có một cuộc chơi công phu như liveshow lần này, với những đầu tư tỉ mỉ, chi tiết, đẹp tới từng giây phút; thì cũng khó để “trụ” tới đêm thứ hai về kinh phí. Và với sự “cháy hết mình” của Trọng Tấn thế này, hơn 2 tiếng đồng hồ với vài chục ca khúc hát đơn, song ca, tam ca… thì dù có là người sở hữu chất giọng tuyệt vời, đầy nội lực và đầy thực lực, cũng không thể đủ sức vắt kiệt mình cho đêm thứ hai.


Nhưng một đêm cũng đã đủ cho những người yêu Trọng Tấn, yêu tam ca nhạc đỏ Trọng Tấn- Đăng Dương- Việt Hoàng và yêu nhạc đỏ nói chung; được thỏa mãn: Thỏa mãn nghe, thỏa mãn sống lại những ngày đã khá xưa, với những ca khúc thường vẫn vang trên đài khi họ mới chỉ đôi mươi…


Ê kíp thực hiện chương trình

Khán giả của đêm diễn toàn những người đã có tuổi. Rất đông là những mái tóc đã pha sương. Nhưng không vì thế mà đêm diễn thiếu sôi động, khán giả vỗ tay rào rào, rồi hát theo- say sưa tới mức “dám” là át cả giọng ca sĩ, rồi thậm chí hô vang mời các ca sĩ ra hát lại vì muốn thỏa nguyện hơn nữa với cảm giác của “Đường chúng ta đi”, “Việt Nam quê hương tôi”… khiến cho bản thân Trọng Tấn, cũng như các khách mời Việt Hoàng, Đăng Dương, đều cảm thấy thỏa nguyện với tấm chân tình của khán giả, thấy mình đã bao năm dụng công theo đuổi dòng nhạc đỏ ít được thị trường ưa chuộng này là “đáng”.


Tam ca tập luyện cho đêm liveshow

Là đêm nhạc của những “Bài ca không quên”, nên list những bài hát cũng đều là những ca khúc đi cùng năm tháng: “Ngày mai anh lên đường”, “Hoa sim biên giới”, “Đồng đội”, “Cây đàn ghita”, “Huế- Sài Gòn- Hà Nội”, “Mùa xuân gọi”, “Bài ca không quên”, “Quê hương tôi”… Nhưng điều đáng nói, khá nhiều trong số đó là những ca khúc vốn tưởng như không giống phong cách “hoành tráng” lâu nay của Trọng Tấn, cũng như nhóm Trọng Tấn- Việt Hoàng- Đăng Dương. Nhưng điều này cũng không có gì bất ngờ, bởi như Trọng Tấn tiết lộ, đây là chương trình để anh làm mới mình, vì vậy, hầu hết các ca khúc trong liveshow là ca khúc “mới”. Ngay với những ca khúc đã gắn bó với tên tuổi Trọng Tấn nói riêng và nhóm tam ca nói chung như “Việt Nam quê hương tôi”, “Đường chúng ta đi” cũng đã được phối lại, vẫn đủ “hùng tráng” nhưng cũng rất nên thơ, thấm đượm tâm hồn người nghe. Chẳng thế mà sau màn tam ca này, các ca sĩ đã phải ra chào khán giả tới vài lần vẫn chưa dứt tiếng vỗ tay, thậm chí họ đã phải hát lại theo yêu cầu của khán giả, một điều thực sự “thiếu” trong những liveshow âm nhạc lâu nay.


Làm mới, nhưng điều đáng nói, với Trọng Tấn, sự trữ tình lần này không làm mất đi phong cách của anh, mà tạo ra một Trọng Tấn mềm mại hơn, rất đi vào lòng người và rất được đón nhận. Cái lăng lắng trong “Hoa sim biên giới”, chút sôi động trong “Ngàymai anh lên đường”. Thậm chí ngay cả khi chàng ca sĩ “đỏ” này dám một mình lặn lội qua những khúc dân ca ba miền: “ Ru con ” (Lê Minh)- “Dáng đứng Bến Tre” (Nguyễn Văn Tý)… thì những tràng pháo tay vẫn vang lên tán thưởng sôi nổi, không phải vì động viên, mà là vì đón nhận.


Đặc biệt, cũng lần đầu tiên thấy Trọng Tấn tình tứ trên sân khấu cùng Hồ Quỳnh Hương, "đồng môn" trong LH tiếng hát Truyền hình năm 1999, ngọt ngào trong màn song ca "Ngày em đến", "Hãy đến với em" và ca khúc semi classic (bán cổ điển) "Trăng lưỡi liềm" của Lê Minh Sơn... Ngọt tới mức đôi lúc những tưởng là giọng ca trữ tình Tấn Minh, chứ không phải giọng ca đầy nội lực Trọng Tấn...


Cũng phải thừa nhận, nội lực vốn có, sự khổ luyện bao năm, kinh nghiệm của một giảng viên… là những “mặt mạnh” để Trọng Tấn có thể ung dung hát tới tận cuối chương trình vẫn không chút đuối sức. Và để anh chinh phục khán giả trong một đêm diễn không có “chiêu trò”: Không đạo cụ, không trang phục đẹp, không sao hot, không vũ đạo… Mộc mạc, mộc mạc tới mức đôi khi chỉ là ca sĩ và 1 nghệ sĩ chơi đàn ghita là đủ. Ngay với những ca khúc có sự trợ giúp của cả dàn nhạc để tạo độ hoành tráng, vẫn thấy độ mộc mạc này. Sự mộc mạc để khoe hết được cái chất giọng hiếm có của anh, để khẳng định với một tài năng thật sự thì đâu cần điều gì để đánh bóng…


Kết thúc đêm diễn, khán giả ra về trong cảm giác thỏa mãn và thấy đáng đồng tiền, dù không ít trong số đó đã phải tính là “1 tháng lương” cho tấm vé đi xem (giá vé chương trình từ 600.000 đồng đến 3 triệu). Và trong số đó, có những khán giả ở tận Hưng Yên, mua vé và thuê luôn cả một chuyến xe lên đây xem hát rồi về luôn trong đêm, cũng chỉ vì mến mộ giọng ca này. Vì cái thịnh tình ấy của khán giả, mà Trọng Tấn- Đăng Dương-Việt Hoàng cũng đã tự hứa ngay trong đêm diễn, là sang năm sẽ làm một chương trình riêng của ba giọng ca này, để tri ân những người lâu nay vẫn trung thành ủng hộ mình, cũng là ủng hộ dòng nhạc đỏ.


Hạnh phúc là thế cho những ca sĩ khi vẫn có những khán giả của mình, yêu mình dù mình không phải là ca sĩ “thời thượng”, nhưng hạnh phúc hơn nữa là việc thấy dòng nhạc đỏ vẫn còn đất sống, vẫn mãi là những “bài ca đi cùng năm tháng”, không hề bớt sáng chói dù trong rất nhiều hỗn loạn của đời sống âm nhạc hôm nay…

Tuyết Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN