Lễ viếng lần lượt được tổ chức tại ba địa điểm: Tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định tại thị xã Gò Công; Mộ và Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở thị xã Gò Công; Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông.
Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Trước đây, ông theo cha vào Gia Định, sau về Gò Công (Tiền Giang) lập nghiệp, khai hoang, lập đồn điền.
Vào năm 1859, khi quân Pháp xâm chiếm Gia Định, tại Gò Công, ông đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược, lấy “Đám lá tối trời” tại Gia Thuận, Gò Công làm căn cứ và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, làm nức lòng quân dân và được suy tôn là “Bình Tây Đại Nguyên Soái”.
Ngày 20/8/1864, bị nội ứng làm phản chỉ điểm, giặc Pháp đánh úp căn cứ “Đám lá tối trời”. Trong trận này, Trương Định sau khi anh dũng chiến đấu đến hơi tàn lực kiệt, đã tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc.
Theo đó, ngày 20/8 hàng năm, tỉnh Tiền Giang đều tổ chức trang trọng Lễ tưởng niệm ngày ông tuẫn tiết, với những nghi thức truyền thống thu hút hàng vạn nhân dân gần xa thăm viếng, thắp hương và tưởng nhớ.
Trước đó, ngày 20/8/2016, nhân dịp kỷ niệm 152 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết, tỉnh Tiền Giang đã đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Trương Định là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Các di tích liên quan đến Cuộc khởi nghĩa hào hùng của Anh hùng dân tộc Trương Định như: Đền thờ Trương Định tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông; lăng mô Trương Định tại thị xã Gò Công và Lũy Pháo Đài ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Nhân dịp này, Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động, như: trưng bày triển lãm hoa cảnh, giới thiệu nông - đặc sản vùng Gò Công, hội thi, hội diễn văn nghệ, giải bóng chuyền, liên hoan các đội lân, biểu diễn đờn ca tài tử… Các hoạt động kéo dài từ ngày 14 - 20/8/2019.