Lê Đại Cang - công thần của Bắc thành và Hà Nội

Danh nhân Lê Đại Cang là công thần của Bắc thành và Hà Nội. Đây là ghi nhận của các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội.

Hơn 100 nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn nghệ sĩ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước tham dự hội thảo đã tập trung nghiên cứu, đánh giá những đóng góp to lớn của Lê Đại Cang trong gần 20 năm ông thực thi trách nhiệm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; tổng kết, đánh giá toàn bộ sự nghiệp, con người Lê Đại Cang cũng như bài học làm người, làm quan sâu sắc mà ông đã để lại cho hậu thế.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất, cuộc đời Lê Đại Cang từ năm 31 tuổi cho tới năm 72 tuổi, là cuộc đời một người làm quan bôn ba lận đận, thăng trầm, ra Bắc vào Nam, sang cả Cao Miên, nhưng là cuộc đời một ông quan mà đời sau phải kính nể, học tập. Đó là một tấm gương của một quan chức tận tụy vì dân vì nước, trên tuân mệnh vua, dưới cốt an dân, làm điều tốt điều lợi cho dân. Lê Đại Cang đã thể hiện một nhân cách phi thường, một bản lĩnh kẻ sĩ phi thường.

Quang cảnh hội thảo.

Theo Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc: Lê Đại Cang là một nhân cách đặc biệt trong lịch sử. Cuộc đời Lê Đại Cang đầy kịch tính, là tấm gương phấn đấu không ngừng vì đất nước, nhân dân. Tuy nhiên, cuộc đời, sự nghiệp của nhân vật lịch sử này chưa được quan tâm nghiên cứu, tôn vinh xứng đáng. Do đó, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), UBND thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang tổ chức 2 hội thảo “Lê Đại Cang-Tấm gương kẻ sĩ” và “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang”. Cuốn sách “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang” do Nhà Xuất bản Sân khấu thực hiện đã được giới thiệu đến công chúng. Tên của danh nhân Lê Đại Cang cũng được đặt cho một đường phố ở thành phố Quy Nhơn, một số thị trấn, thị xã ở tỉnh Bình Định, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Nói về danh nhân Lê Đại Cang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ghi nhận: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn và thời đại nhiễu nhương, bất ổn, việc học tập theo trường lớp của Lê Đại Cang có nhiều trắc trở. Tuy nhiên khi có điều kiện, ông lại là người nêu tấm gương về tính hiếu học, tinh thần tự học. Nhờ tự học, Lê Đại Cang đã tỏ rõ tầm hiểu biết về nhiều lĩnh vực như địa lý, lịch sử, văn hóa, chính trị… Chính vì vậy, dù không có bằng cấp gì, Lê Đại Cang vẫn được cử làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hương ở Thăng Long.

Cùng chung quan điểm đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định: Có thể nói 20 năm làm quan ở Bắc thành đã góp phần quan trọng làm nên tên tuổi một bậc danh thần, một vị lương thần Lê Đại Cang đi vào sử sách. Cũng tại Bắc thành này, Lê Đại Cang có điều kiện để bộc lộ, thi thố tài năng khi xử lý, giải quyết những công việc hành chính nan giải, khiến cho các bạn đồng liêu và dân chúng vị nể, được chính vua Minh Mạng hết lời khen ngợi.

Còn nhà thơ Vũ Bình Lục cho rằng: Tuy sinh ra và trưởng thành tại Bình Định nhưng Lê Đại Cang từng in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước. Hình như ở đâu có khó khăn, phức tạp về quân sự, tình hình chính trị bất ổn, đê điều cần được đào đắp, tu bổ, sửa sang, sông ngòi cần được khai thông, nắn dòng để ngăn ngừa thiên tai bất thường thì ở nơi ấy có mặt vị quan năng nổ, liêm khiết và giàu tâm huyết họ Lê. Không có tài năng, không có dũng lược, không được triều đình nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị tin tưởng, sao có thể làm nên công trạng, sự nghiệp đáng nể như vậy.

Lê Đại Cang, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt hiệu Cư Chính Thị, sinh năm Tân Mão (1771) tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; là cháu 6 đời của công thần Lê Công Triều tháp tùng Chúa Nguyễn vào Nam. Ông là một vị quan triều Nguyễn, trải qua ba đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Trong 40 năm làm quan từ chức Tri huyện tới quyền Tổng trấn, Tổng đốc, Thượng thư, Tham tán đại thần…, Lê Đại Cang đã thực thi nhiệm vụ ở khắp ba miền đất nước, trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, có đóng góp rất đáng quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin, ảnh: Mỹ Bình (TTXVN)
Triển lãm 'Hồ Chí Minh - Con người vì hòa bình, danh nhân văn hóa kiệt xuất' tại Pháp
Triển lãm 'Hồ Chí Minh - Con người vì hòa bình, danh nhân văn hóa kiệt xuất' tại Pháp

Nhân dịp 30 năm ngày Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết về Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tối 13/11 đã tổ chức tại Paris cuộc triển lãm "Hồ Chí Minh - Con người vì hòa bình, danh nhân văn hóa kiệt xuất".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN