Kinh ngạc vì sự biến tấu lịch sử ngay trên quê hương mình

Bác Hồ sinh thời đã có lời căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tuy nhiên, lịch sử của ông cha hàng nghìn năm lại đang bị biến tấu hoặc bị bỏ quên, thậm chí ở chính những vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa.

Hùng Vương 18 nhường ngôi vua vì... chỉ sinh được con gái?

Đền Hùng những ngày này là điểm đến của rất đông du khách. Bởi, chỉ còn ít ngày nữa là đến lễ Giỗ Tổ Vua Hùng. Anh hướng dẫn viên của một công ty du lịch dẫn một đoàn khách khá đông tới vài chục người từ miền Nam về thăm Đất Tổ.

Người dân về lễ Đền Hùng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Khi du khách đến Đền Thượng, một trong những điểm tham quan chính của khu di tích Đền Hùng, khách tham quan được giới thiệu: Tương truyền đây là nơi các vua Hùng thường làm lễ cầu Trời, mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, muôn dân hạnh phúc. Đặc biệt, ngay tại sân Đền Thượng, nơi có cột đá thề, tương truyền, Thục Phán sau khi được nhường ngôi, cảm kích công ơn Vua Hùng đã dựng cột đá này, thề đời đời trông nom giang sơn bờ cõi của các vua Hùng để lại. 

Sau khi nghe giới thiệu, một khách tham quan đặt câu hỏi:
- Sao lại chỉ có 18 đời vua Hùng, vì sao vua Hùng thứ 18 lại nhường ngôi cho An Dương Vương?
- "Vua Hùng truyền ngôi vì chỉ sinh được 2 người con gái là Tiên Dung và Ngọc Hoa”, người  hướng dẫn viên trẻ tuổi nhanh nhảu trả lời.

Một số người trong đoàn khách tham quan sau đó đã ồ lên tranh luận: Hóa ra, từ xưa cha ông ta đã có quan niệm trọng nam, khinh nữ?

Theo sử sách, khi nhà Tần (từ Trung Quốc) bắt đầu mở rộng lãnh thổ xuống phía nam để xâm lược nước ta, nước Văn Lang của tộc Lạc Việt đã liên minh với tộc Âu Việt của Thục Phán để cùng nhau chống Tần. Kết quả là cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi sau 10 năm. Theo giả thuyết phổ biến nhất, sau chiến thắng, Hùng Vương thoái vị, Thục Phán - người có công lao lớn nhất trong cuộc chiến - nối ngôi, thống nhất hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt thành nước Âu Lạc. 

Tương truyền, An Dương Vương, vì cảm kích khi được nhường ngôi, đã thề rằng sẽ kế tục và thờ tự các vua Hùng, cho thợ dựng cột đá trên núi Nghĩa Lĩnh. Một giả thuyết khác trong Đại Việt sử ký toàn thư là An Dương Vương đánh chiếm Văn Lang.

Như vậy, trong lịch sử, có nhiều điển tích khác nhau lý giải về lý do vua Hùng Vương truyền ngôi An Dương Vương. Tuy nhiên, nếu hiểu đơn giản lý do truyền ngôi vua là vì Hùng Vương chỉ sinh được 2 cô con gái thì chắc chắn là chưa đầy đủ.

Đáng tiếc là không chỉ có người hướng dẫn viên du lịch mà nhiều người dân ở ngay vùng đất lịch sử Đền Hùng khi chúng tôi hỏi tham cũng không hiểu vì sao lại có chuyện truyền ngôi ở đời vua Hùng Vương thứ 18.

Người Đường Lâm lại quên tích Phùng Hưng đánh hổ

Chúng tôi cũng từng đến làng cổ Đường Lâm vào một ngày cuối tuần, một điểm tham quan du lịch nổi tiếng của xứ Đoài xưa và đất Sơn Tây (Hà Nội) ngày nay. Điểm độc đáo của điểm đến này là dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, Đường Lâm vẫn giữ được nét nguyên sơ đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ với những ngôi nhà cổ, cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen...

Cùng với đó, làng cổ Đường Lâm còn là thu hút du khách tham quan với bề dày của giá trị lịch sử. Đường Lâm nổi tiếng là vùng đất đã sinh ra hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng và có rất nhiều danh nhân.

Người dân Đường Lâm rất ý thức về giá trị văn hóa của làng mình. Họ biết rõ, vẻ đẹp trầm mặc cổ kính của những ngôi nhà cổ, nét nguyên sơ của làng quê Bắc Bộ là điểm nhấn thu hút khách tham quan. Chính nhờ ý thức giữ gìn truyền thống đó nên cho đến nay, làng cổ Đường Lâm vẫn là ngôi làng cổ kính nhất ở làng quê Bắc Bộ.

Những hình nộm bằng rơm ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Zing.vn

Tuy nhiên, vẫn còn điều nuối tiếc, đó là khi chúng tôi ghé thăm một ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi và tò mò hỏi về ý nghĩa của hình nộm rơm cao to, kích cỡ tương đương người thật thì cụ chủ nhà cao niên đã không hiểu vì sao. Được biết, Hiệp hội du lịch Việt Nam khi chọn xây dựng ngôi nhà thành điểm tham quan của làng đã dựng hình nộm này ở ngay cửa ngôi nhà cổ và rất nhiều khách tham quan đã chụp ảnh với hình nộm rơm độc đáo này.

Chúng tôi thấy thật đáng tiếc là bởi vì, hình nộm rơm ấy liên quan đến câu chuyện Phùng Hưng đánh hổ. Một trong những tích truyện rất nổi tiếng của làng cổ Đường Lâm nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Theo Việt sử giai thoại, Phùng Hưng nổi danh trong vùng nhờ chiến tích tiêu diệt hổ dữ mang lại bình yên cho xóm làng.

Bấy giờ, ở làng Đường Lâm quê ông xuất hiện con hổ dữ thường xuyên giết người, bắt gia súc. Trước thảm họa của dân làng, Phùng Hưng cùng các anh em ngày đêm tìm cách diệt hổ. Ban đầu, ông làm hình nộm bằng rơm, cho mặc quần áo như người thật, đặt ở nơi hổ thường đi qua. Trong những lần đầu đi ngang qua, hổ thấy bù nhìn tưởng người nên lao vào cắn xé nhưng chỉ có cọc gỗ độn rơm. Sau nhiều lần như thế, hổ không còn chú ý đến hình nộm nữa.

Một hôm, nhân trời chập choạng tối, Phùng Hưng cởi trần, đóng khố, trát bùn khắp người đứng vào chỗ hay đặt bù nhìn rơm. Khi hổ xuất hiện, hơi bùn non át hơi người nên nó không nhận ra và cứ bước qua như mọi lần. Ngay lúc đó, Phùng Hưng bất ngờ xông tới nhảy lên mình hổ, ghì chặt mãnh thú. Sau một hồi vật nhau, con hổ đuối sức và bị ông tiêu diệt, trừ họa cho dân làng.

Tiếng tăm của ông ngày một vang xa và đó chính là một trong những yếu tố quan trọng để Phùng Hưng kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, giành lại non sông gấm vóc cho dân tộc. Sau khi mất, Phùng Hưng được suy tôn là Bố Cái Đại Vương và hình nộm rơm được dựng tại các điểm di tích tôn thờ Phùng Hưng là để nhắc đến tích chuyện nổi tiếng trong lịch sử. 

Nếu dân làng Đường Lâm dựng thêm nhiều hình nộm rơm và hiểu rõ tích chuyện này để kể cho du khách thì chắc chắn du khách sẽ có thêm cơ hội để được hiểu về giá trị truyền thống của vùng đất này.

Du lịch Việt Nam đang loay hoay nhiều năm qua với bài toán khó là làm thế nào để tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến. Một trong những cách rất cần thiết đó là, mỗi người dân Việt Nam phải hiểu rõ về lịch sử của đất nước mình. Hơn hết, mỗi người dân ở mỗi điểm di tích lịch sử văn hóa phải hiểu rõ nhất về lịch sử của vùng đất mình đang sinh sống.

Nếu mỗi người dân thực sự là một hướng dẫn viên và coi trọng việc gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống do cha ông để lại thì chắc chắn điểm di tích ấy sẽ thu hút thêm được du khách đến và quay trở lại.

Thu Hường
Bài học lịch sử từ những chiếc đèn lồng
Bài học lịch sử từ những chiếc đèn lồng

Lễ hội Thành Tuyên không chỉ độc đáo bởi những chiếc đèn lồng to nhất, đẹp nhất, đó cũng không chỉ là ngày vui phá cỗ đêm rằm, mà đó còn là những bài học lịch sử đầu tiên cho các cháu thiếu nhi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN