Bài học lịch sử từ những chiếc đèn lồng

Lễ hội Thành Tuyên không chỉ độc đáo bởi những chiếc đèn lồng to nhất, đẹp nhất, đó cũng không chỉ là ngày vui phá cỗ đêm rằm, mà đó còn là những bài học lịch sử đầu tiên cho các cháu thiếu nhi.


Tối ngày 26/9/2015, hàng vạn người đã đổ về quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) tham gia đêm hội thành Tuyên, ngắm những mô hình đèn lồng khổng lồ... Đây là lễ hội vui Trung thu lớn nhất, độc đáo nhất và trở thành “đặc sản” riêng của thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội không chỉ là ngày vui của nhân dân Tuyên Quang, mà nó còn chứa đựng những bài học giáo dục về tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước đầu tiên cho các cháu.


Trước ngày hội, khi ông bà, cha mẹ đang bận rộn với việc lên ý tưởng, góp công, góp của để xây dựng mô hình đèn lồng ở khu phố mình sao cho đẹp nhất, ý nghĩa nhất, thì các em học sinh cũng náo nức chờ đến ngày được rước đèn, được phá cỗ đêm trăng...


Mô hình đèn lồng về câu chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân.

Đêm hội Thành Tuyên không chỉ đơn thuần là một lễ hội rước đèn Trung thu, mà đó còn là một hoạt động có ý nghĩa trong việc giáo dục tinh thần đoàn kết. Trong quá trình các bậc cha mẹ, ông bà cùng tổ dân phố chung tay làm đèn lồng, đã vô tình gắn kết mối liên hệ thân thiết giữa các gia đình với nhau, mỗi nhà cùng có ý thức đóng góp, người có công góp công, người có của góp của, cùng chung tay, chung sức để cho con em mình có một đêm hội vui vẻ, để tuổi thơ của các em có những kỷ niệm đáng nhớ.


Gần 100 mô hình đèn lồng khổng lồ rực rỡ, diễu hành trên các con phố, không chỉ mang đến nét văn hóa độc đáo trong việc đón Tết Trung Thu ở Tuyên Quang, mỗi mô hình là một ý tưởng đầy sáng tạo, cũng rất nhân văn. Điều đặc biệt là đằng sau những mô hình đó là cả một bài học sâu sắc về tình người, về ứng xử, về lòng yêu nước và cả về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Mô hình "Âm vang Điện Biên" với câu chuyện về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ý tưởng xây dựng mô hình thường được các tổ dân phố lấy từ những truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích dành cho thiếu nhi. Đó là câu chuyện thỏ và rùa thi chạy, là truyện về hai con dê cùng qua một chiếc cầu, chuyện chú gà trống choai, chuyện con cá chép hóa rồng... mỗi mô hình gắn với một câu chuyện, mà các cháu nhỏ ở nơi đó khi được hỏi đều kể vanh vách. Những câu chuyện này chính là những bài học về cách sống, cách ứng xử của các cháu thiếu nhi.


Không chỉ là những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích với những bài học ứng xử trong đời sống xã hội, nhiều tổ dân phố còn xây dựng mô hình đèn lồng từ những câu chuyện lịch sử, những chiến tích trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, các cháu vừa được vui chơi, vừa được học những câu chuyện lịch sử bằng chính mô hình đèn lồng ở tổ dân phố của mình, như mô hình “Trần Quốc Toản ra quân” của nhân dân tổ 9 phường Tân Quang. Mô hình “Âm vang Điện Biên” của phường Phan Thiết kể về chiến thắng Điện Biên Phủ, mô hình Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy thủy quân trong trận Bạch Đằng năm 1228 chiến thắng quân Nguyên Mông, mô hình Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân... Mỗi mô hình đèn lồng là một câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc được cha, mẹ, ông, bà kể lại cho các con của mình.

Mô hình đèn lồng "Tự hào Việt Nam".

Cháu Nguyễn Hoàng Long, học sinh trường THCS Hồng Thái đã kể về mô hình của tổ mình một cách tự hào: “Mô hình đèn lồng tổ cháu là hình ảnh về anh hùng Trần Quốc Toản ra quân, người anh hùng trẻ tuổi đã bóp nát quả cam, có lá cờ thêu sáu chữ vàng đấy cô ạ”.


Không chỉ Hoàng Long, mà rất nhiều em thiếu nhi, khi được hỏi về câu chuyện của chiếc đèn lồng tổ mình, các em đều kể lại một cách trôi chảy. Đứng trước mô hình một người cưỡi ngựa, tay cầm cây tre, em Phạm Ngọc Thành, học sinh lớp 4 trường lớp Tiểu học và THCS Lê Văn Tám, em Lê Thanh Phong, học sinh lớp 6 Trường THCS An Tường đều kể rất rành mạch: Cháu được bố mẹ cháu kể từ khi làm đèn rồi, đây là mô hình Thánh Gióng đánh giặc Ân. Vì thanh gươm sắt bị gẫy nên ông đã nhổ tre đánh giặc...


Bên cạnh mô hình về “Âm vang Điện Biên” của phường Phan Thiết, trong khi một bé gái học lớp 6 ở Hà Nội theo mẹ đi chơi trả lời không biết và không hiểu mô hình đó là gì, thì em Vi Minh Tuân, học sinh lớp 5 trường Tiểu học cơ sở Phan Thiết (TP Tuyên Quang) trả lời rất rõ ràng: “Đây là hình ảnh của chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là hình ảnh các cô chú dân quân thồ lương thực vào chiến dịch, còn đây là hình ảnh các chú bộ đội giương cao lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờcát”. Khi được hỏi, có phải trên lớp cháu đã được học không, Tuân lắc đầu: “Cháu chưa học, nhưng cháu nghe bố mẹ và các ông bà kể chuyện từ khi làm đèn lồng này”.


Tổ dân phố số 1 phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đã sáng tạo một mô hình đèn lồng vô cùng độc đáo, đó là hình con rồng tượng trưng cho bản đồ Việt Nam, có Trường Sa, Hoàng Sa, đằng sau là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ cùng hàng chữ mừng 70 năm ngày độc lập... Ông Nguyễn Hữu Tuân, Bí thư, tổ trưởng Tổ dân phố số 1 phường Tân Quang cho biết, năm nay kỷ niệm 70 năm ngày độc lập, chúng tôi làm mô hình đèn lồng có chủ đề “Tự hào Việt Nam”. Bà con nhân dân lấy ý tưởng từ nguồn gốc con lạc cháu hồng, hình ảnh bản đồ Việt Nam hình con rồng để thể hiện lòng tự hào về một đất nước Việt Nam giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đấu tranh gìn giữ nền độc lập... Khi chúng tôi làm mô hình này, nhiều cháu tò mò hỏi chuyện, chúng tôi đã giải thích cho các cháu về ý nghĩa của mô hình, với mong muốn góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho các cháu...


Trải qua nhiều năm, lễ hội thành Tuyên không chỉ là hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa, mà nó đã trở thành những bài học làm người, bài học lịch sử đầu đời cho các cháu thiếu nhi.


Phương Hà
Về thành Tuyên vui hội Trung thu
Về thành Tuyên vui hội Trung thu

Tết Trung thu ở nơi đâu trên đất nước Việt Nam cũng đều có. Ở Tuyên Quang, như đã thành truyền thống, người lớn năm nào cũng chuẩn bị công phu, chu đáo cho Tết của trẻ em sẽ được tổ chức rộn rã ngay trên đường phố lớn. Về Tuyên Quang những ngày này, ai ai cũng như được lạc vào miền cổ tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN