Khơi dậy tình yêu biển đảo qua thư pháp

Với ông Nguyễn Tiến Tặng, luyện thư pháp và hội họa không chỉ là một niềm yêu thích nghệ thuật đơn thuần. Ông miệt mài sáng tạo, tìm những cách thể hiện độc đáo, cho ra đời nhiều tác phẩm mang dấu ấn riêng. Đặc biệt là những bức thư pháp về tình yêu Tổ quốc, về biển đảo.


Niềm yêu thư pháp


Tại nhà riêng của người nghệ sĩ đã bước sang tuổi 65, ở số nhà 240, phố Quang Trung, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương có hàng trăm bức tranh và thư pháp. “Thư pháp, hội họa mang lại niềm vui cho tôi, giúp tôi không những trí nhớ mà còn giữ tâm hồn thư thái”, ông Tặng chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Tặng giới thiệu thư pháp về tình yêu Tổ quốc.

Đầu những năm 2000, ông Tặng tham gia học lớp Hán Nôm do Câu lạc bộ Hán Nôm Hải Dương mở tại thư viện tỉnh. Vừa học ở lớp vừa tự mày mò trong sách vở và giao lưu với những bậc thầy về thư pháp, sau một thời gian học, ông ngày càng say mê bộ môn này. Không chỉ viết thư pháp Hán Nôm, ông cũng dành nhiều tâm sức luyện thư pháp Việt. Ông cho rằng cần khuyến khích thư pháp Việt như một cách để giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc.

Không ngại tuổi cao, chỉ cần nghe đâu có triển lãm tranh thủy mặc, ông đều tìm cách tham dự. Ông đã đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước để tìm gặp gỡ nhiều bậc thầy như danh họa tranh thủy mặc Trương Hán Minh, nhà thư pháp Hoa Nghiêm, Dương Minh Hoàng, Nguyễn Hiếu Tín (Thành phố Hồ Chí Minh), nhà thư pháp Huy Lê (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Hiền (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyên Sinh (Đà Lạt)…

Đam mê cộng với ý thức không ngừng sáng tạo, ông đã có nhiều ý tưởng và thử nghiệm những cách thể hiện mới mẻ. Độc đáo nhất ở ông là biệt tài vẽ tranh thủy mặc bằng ngón tay. Trên nền giấy xuyến chỉ, từng nét vẽ điêu luyện từ những ngón tay ông tạo nên một bức tranh trúc sinh động, độc đáo. Trong phòng tranh của ông, bên cạnh những bức tranh sơn dầu là rất nhiều bức tranh thủy mặc, những bức thư pháp Việt, thư pháp Hán Nôm, những bức thư pháp trên nền giấy xuyến chỉ, thư pháp trên nền vải toan, thư pháp và tranh được viết và vẽ bằng xơ dừa …

Thư pháp về biển đảo

Từ năm 2014, ông Tặng bắt đầu viết, vẽ thư pháp trên nhiều chất liệu, kích thước khác nhau với nội dung về biển, đảo và tình yêu đất nước, công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ông chia sẻ: “Là một công dân yêu nước, một nghệ sĩ, tôi rất mong góp một tiếng nói vào công tác tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mỗi nghệ sĩ có một cách riêng nhưng tôi chọn lối thư pháp vừa dễ hiểu, vừa truyền cảm”.

Trong cuộc Triển lãm chủ quyền biển đảo Việt Nam - những bằng chứng lịch sử, góc trưng bày những bức thư pháp của ông Nguyễn Tiến Tặng về biển đảo thu hút khá nhiều sự quan tâm của công chúng. Đây là bức thư pháp thể hiện câu thơ rất quen thuộc của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu cũng thấy/Những cuộc đời đã hóa núi sông ta” được minh họa bằng cảnh quần đảo Trường Sa giữa biển mênh mông. Kia là bức thư pháp với 4 câu thơ của nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: “Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió/Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa/Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc /Ấp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa” được minh họa bằng hình ảnh chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ canh gác ở quần đảo Trường Sa. Cũng có bức thể hiện được vấn đề thời sự nóng bỏng liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền nước ta như bức: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa/Đã bao lần giặc đến tự biển Đông/Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử/Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng” (thơ của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến) được minh họa bằng cảnh tàu Trung Quốc đang phun vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam…

Rất nhiều những câu thơ vừa trí tuệ vừa đầy xúc cảm càng trở nên lay động hơn bởi lối biểu đạt mới lạ khi được nghệ sĩ thể hiện bằng thư pháp kết hợp hội họa. Để đạt được giá trị thông tin và tuyên truyền cao, ông đã đọc hàng trăm bài thơ có nội dung về biển đảo, về tình yêu Tổ quốc rồi chọn lọc những câu tiêu biểu, đặc sắc nhất. Những câu thơ vốn đã có sức lay động lớn, được thể hiện kết hợp với hội họa là những bức tranh thủy mặc, có khi là những bức ảnh in trên nền vải toan càng làm tăng giá trị thẩm mỹ và thông tin đối với người đọc, người xem.

Với suy nghĩ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo còn là sự nghiệp lâu dài chứ không chỉ một thời điểm khi xảy ra “sự kiện giàn khoan”, sau các cuộc triển lãm tổ chức rộng rãi trên địa bàn tỉnh, ông Tặng đã tặng 15 bức thư pháp cho thư viện tỉnh Hải Dương và tặng 9 bức cho Bảo tàng tỉnh để làm tư liệu cho những cuộc trưng bày sau này. Đầu năm 2015, ông đã kỳ công vẽ 10 bức trên nền vải toan khổ 60x80 tặng Bảo tàng Hải quân. Cục Chính trị Quân chủng Hải Quân đã gửi thư bày tỏ sự trân trọng tấm lòng người nghệ sĩ vì đã dành nhiều tâm huyết, tài năng đóng góp thêm tư liệu phục vụ tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho Quân chủng Hải Quân.

Vượt lên trên giá trị thẩm mỹ, những bức thư pháp về biển, đảo của người nghệ sĩ già còn có giá trị về thông tin, tuyên truyền. “Tôi hy vọng mình góp được chút sức nhỏ vào sự nghiệp chung, thông qua những tác phẩm thư pháp kết hợp hội họa, sẽ giúp khơi dậy ở nhiều tầng lớp nhân dân lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho nhiều người”.
Bài và ảnh: Mạnh Minh
Viết chữ thư pháp trên dưa hấu hút khách
Viết chữ thư pháp trên dưa hấu hút khách

Những trái dưa hấu được khắc dòng chữ thư pháp đang được bán chạy là: Mã Đáo Thành Công, Phúc Lộc Thọ, Phát Lộc, Tài Lộc, Phú Quý, Như Ý…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN