Vào một ngày tháng 4/2012, tôi được nhà thư pháp Lê Thiên Lý báo tin: Đã hoàn thành 2012 chữ “Phượng” chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ I của Hải Phòng (lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 9-10/6). Tôi hỏi ông chữ Phượng thể hiện thư pháp theo loại hình gì? Ông cho hay vẫn là các thể Triện, Lệ, Khải, Hành và hai thể nhân diện thư và vật điểu thư.
Lê Thiên Lý chính là người lập kỷ lục viết 1.000 bức thư pháp chữ “Long” chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietnam Records Book Center) xác lập kỷ lục ngày 13/6/2010, 1.000 chữ “Long” cũng được ông thể hiện thu nhỏ trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất Việt Nam.
Lê Thiên Lý sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, ông luôn suy nghĩ sẽ làm những công việc hữu ích dù nhỏ cho thành phố đã nuôi dưỡng mình. Khi được ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng gợi ý cho ông viết chữ “Phượng” là biểu tượng của thành phố Hải Phòng để chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Phượng đỏ, bắt đầu từ cuối tháng 7/2011, nhà thư pháp Lê Thiên Lý suy tư, trăn trở, quan sát mọi vật để sáng tạo ra hàng chục, hàng trăm chữ “Phượng”. Khi cảm xúc tuôn trào, ông “phóng” cây bút lông trên giấy dó mỗi ngày trung bình được 20 chữ, khi sức khỏe tốt và những hình tượng đến dồn dập ông viết tới 50 chữ trên khuôn giấy 22x34cm. Theo ông, từ truyền thuyết để lại, loài chim phượng đã được tôn vinh là “bác điểu triều phượng” tức là chúa của các loài chim. Chim Phượng không chỉ biết đến là loài chim múa đẹp qua câu “Long phi, phượng vũ” mà còn có sức hồi sinh mãnh liệt. Loài hoa có cánh hoa hình dáng như đuôi chim phượng xòe múa và sắc đỏ rực được người đời đặt tên là hoa phượng vĩ đã gắn với mảnh đất Hải Phòng.
Mỗi khi bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” vang lên, ông hiểu rằng hoa phượng là biểu tượng của quê hương và nó đã thành tên gọi thứ hai của Hải Phòng trong dân gian. Phượng cũng là biểu tượng của quyền uy, sức mạnh và vẻ đẹp huyền thoại muôn đời, là sự cách tân, nhanh nhạy, duyên dáng mà kỳ ảo, hào hoa và trí tuệ như tính cách năng động và sáng tạo của người Hải Phòng.
Thay vì chữ “Phượng” theo truyền thống dễ khiến người xem có cảm giác khuôn phép khô cứng thì ngòi bút của nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã trở nên sinh động, phong phú vô cùng. Đây một hình tượng Mẹ Âu Cơ với 100 trứng, một cột cờ Lũng Cú, cột cờ Hà Nội, cột cờ trước cửa Ngọ môn Huế trang nghiêm, hình tượng một Thánh Gióng trên ngựa sắt, một lá cờ bách chiến bách thắng trên nóc hầm Đờcáttơri ở Điện Biên Phủ nói lên truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hình tượng nữ tướng Lê Chân bên thanh bảo kiếm, hình tượng Thái Tổ Mạc Đăng Dung với cây Đinh Nam đao… đều trở thành chữ Phượng. Chữ Phượng cũng là hình ảnh của công, nông, binh, trí, là anh bộ đội hải quân, là người nghệ sĩ với cây đàn. Những cảnh đẹp của quê hương đất nước như con tàu, cánh buồm trên sóng đại dương, một chùm hoa phượng, là cây cỏ hoa lá, là chim, thú, con cua, con cá… Tất cả, tất cả đã nhập vào chữ Phượng. Vậy là chữ Phượng rất thực mà huyền ảo, nó được nét bút long tô đậm, nhạt, chắc, cứng, mềm mại giúp người xem hứng thú, cảm xúc dâng trào và hào sáng, bay bổng tâm hồn rồi tĩnh lặng, lâng lâng, thư thái hướng về tâm linh và suy tư Chân – Thiện – Mỹ.
Để hoàn thiện 2012 chữ Phượng, ông Lý đã tự bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua giấy dó và hàng trăm lọ mực tàu để viết, để thảo. Ông cũng cho rằng không thể tự mình gò mọi thứ vào chữ Phượng, nên khi đã viết được một số chữ ông lại mang tới những bạn thư pháp, người hiểu thư pháp để hỏi ý kiến xem đã đọc ra chữ Phượng chưa, được góp ý ông lại hoàn thiện.
Lý giải cho việc viết được hơn 2000 chữ Phượng, như là khối óc có lập trình siêu phàm, ông Lý cho biết: Trong dòng suy tư theo từng thể loại, ví như: Về các danh nhân, ông liệt kê trong đầu những tên tuổi, hình dáng đã có; những loại vật từ thú tới chim muông, tới hải sản; những câu chuyện cổ tích, dân gian mà ông đã biết và sưu tầm thêm… tất cả sự hiện hữu hoặc như vô hình để rồi dồn nén vào ngòi bút mà hóa lên mặt giấy.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý phấn chấn khi đã sáng tạo đủ 2012 chữ Phượng để trưng bày và in trên bạt khổ lớn trải dài suốt 20km trên con đường từ Cầu Rào đến Đồ Sơn, để trở thành “con đường thư pháp chữ Phượng” vào dịp Lễ hội Hoa Phượng đỏ của Hải Phòng. Ông cũng sẽ viết tiếp để tặng các du khách có tên Phượng và những người có ý thích chữ Phượng cho mình trong dịp lễ hội.
Ở vào độ tuổi gần “thất thập cổ lai hy”, ông Lê Thiên Lý vẫn tỏ rõ sự minh mẫn, sự sáng tạo tuyệt vời, bởi trong ông niềm tự hào về quê hương, đất nước không bao giờ tắt.
Mọi người cũng sẽ mong ông khi đã tự phá kỷ lục của mình sau 1.000 chữ Long bằng 2012 chữ Phượng, để rồi có thêm những kỷ lục mới, có thể là chữ Tâm hay một chữ nào đó nhiều ý nghĩa nhân văn trong đời sống.
Duy Tường