Song, điều khiến mọi người còn trăn trở là chừng ấy năm, di sản mới sống và phát huy trong một phạm vi làng xã nhất định, chưa có sự kết nối giữa cộng đồng các địa phương. Câu chuyện này đã được giải quyết bằng việc sẽ hình thành một mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam.
Sáng tạo để lan tỏa giá trị
Vốn là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đầu tiên được UNESCO công nhận, nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống có tính đa dạng cao. Ngay tại 4 địa phương của Việt Nam có di sản được đưa vào xây dựng hồ sơ, nghi lễ và trò chơi cũng có sự khác nhau. Nơi kéo co đứng bằng dây thừng, nơi kéo co ngồi bằng dây song, nơi kéo mỏ bằng cây tre… Vậy nên, bảo vệ di sản là bảo vệ sắc thái, tính văn hóa của nghi lễ và trò chơi ở từng cộng đồng khác nhau.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, di sản kéo co không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của các cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy di sản. Khi nghi lễ và trò chơi kéo co trở thành di sản đại diện của nhân loại, chúng ta cần có những hành động tích cực để việc phát huy giá trị được tốt hơn.
Nghi lễ và trò chơi kéo co bắt nguồn từ đời sống cộng đồng, gửi gắm khát vọng, niềm tin với trời đất, thần thánh phù hộ cho cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi. Bởi vậy, 5 năm qua, từng cộng đồng dân cư có di sản kéo co vẫn duy trì nghi lễ và trò chơi trong các lễ hội của làng xã với tinh thần cao. Trong đó, phải kể đến nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) có nhiều sáng tạo trong phát huy giá trị di sản. Cộng đồng dân cư tại đây đã từng đón cộng đồng kéo co tại Hàn Quốc sang giao lưu và đã mang trò chơi kéo co ngồi sang Hàn Quốc để giới thiệu.
Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ cho biết: Từ khi di sản kéo co ngồi tại địa phương được UNESCO vinh danh, phường Thạch Bàn cũng như quận Long Biên đã tích cực quảng bá, phát huy giá trị. Ban Quản lý di tích đã giới thiệu nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi cho học sinh tại 6 trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn phường. Hàng năm, các trường trên địa bàn phường, quận và các quận, huyện lân cận tổ chức cho các học sinh tham quan di tích và xem trò chơi kéo co ngồi. Hiện nay, Ban Quản lý di tích đã tư liệu hóa di sản kéo co ngồi bằng đĩa DVD để thuận lợi cho việc giới thiệu, thuyết trình với các cháu.
Nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp gắn với hội làng, thể hiện sự biết ơn của nhân dân với các vị tiền nhân có công với nước, tôn vinh sức mạnh đoàn kết cộng đồng trong lao động sản xuất, chống chọi với thiên nhiên. Kéo co ở đây sử dụng thân cây tre làm dây kéo. Ông Nguyễn Văn Trình, Trưởng khu phố Hữu Chấp, phường Hòa Loan, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, ngành Văn hóa Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tiến hành nghiên cứu, kiểm kê nghi lễ lễ hội kéo co làng Hữu Chấp; sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu liên quan tới lễ hội; tạo điều kiện để nhân dân được tham gia vào công tác tổ chức lễ hội một cách tốt nhất. Ngành Văn hóa đã quảng bá giá trị di sản qua nhiều kênh truyền thông.
Các địa phương khác cũng có nhiều cách quảng bá, lan tỏa nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống để di sản có thêm sức sống trong cộng đồng. Kéo mỏ ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân; kéo co ở vùng người Tày, Giáy tỉnh Lào Cai được ngành Văn hóa hỗ trợ kinh phí mở các lớp truyền dạy, được thành lập các đội thi đấu thể thao kéo co…
Mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam
Không chỉ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa mà ngay cả cộng đồng có di sản kéo co đều thừa nhận, từ khi nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO vinh danh, sự liên kết của các cộng đồng còn yếu, chưa có sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bày tỏ, Hà Nội mong muốn kết nối với các cộng đồng nắm giữ di sản kéo co khác, tương tự như đã thực hiện với ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu. Dù di sản kéo co được UNESCO vinh danh sớm hơn tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng chưa có sự kết nối và giao lưu di sản. Ngoại trừ phường Thạch Bàn có những buổi giao lưu trong nước, quốc tế về di sản kéo co, còn hầu hết các cộng đồng khác đều chưa thực hiện được.
Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của các cộng đồng tại địa phương khác. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) Trần Minh cho rằng, đến thời điểm này chúng ta kết nối với nhau hơi muộn nhưng vẫn là cơ hội tốt. Hàng quý hoặc hàng năm, cộng đồng các nơi nên hội tụ lại, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và trình diễn kéo co, luân phiên các nơi. Dù vậy, ông Trần Minh cho rằng, muốn có một tổ chức, mạng lưới chung cần phải tính đến kinh phí duy trì hoạt động, Đồng quan điểm này, ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ mong muốn hội kéo co Việt Nam sớm thành lập. Khi duy trì được hoạt động thường xuyên, chúng ta có thể mới hội kéo co các nước sang giao lưu.
Trước thực tế này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã lấy ý kiến của đại diện 5 cộng đồng kéo co gồm: Cộng đồng kéo co ngồi đền Trấn Vũ và kéo mỏ thôn Xuân Lai (Hà Nội), cộng đồng kéo co thôn Hữu Chấp (Bắc Ninh), cộng đồng kéo song thị trấn Hương Canh và kéo co thôn Hòa Loan (Vĩnh Phúc), tất cả người được hỏi đều nhất trí thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam. Mỗi cộng đồng cử một đại diện tham gia câu lạc bộ. Đến năm 2021, cộng đồng kéo co đền Trấn Vũ sẽ đăng cai chương trình giao lưu đầu tiên của câu lạc bộ.
Thời gian trước mắt, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam sẽ có báo cáo thực trạng, đưa ra biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản kéo co trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các cấp ngành liên quan để có những hành động thiết thực hơn.